Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Nhà ở xã hội: ''Ở riêng'' hay ''ở chung''?

Clock

17/03/2015

Để nhà ở xã hội "ở chung" trong dự án phát triển nhà ở thương mại hay "ở riêng" là vấn đề cần làm rõ (?). 

Doanh nghiệp né

Quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án với nhà ở xã hội đã bị nhiều doanh nghiệp đánh giá là bất cập. Theo Điều 20 Nghị định 90, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên là phải dành tối đa 20% diện tích đất trong dự án đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Các khoản chi phí bồi thường GPMB và xây dựng hạ tầng trên phần diện tích này sẽ được trừ vào tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước. Đổi lại, các chủ đầu tư sẽ được miễn giảm các khoản thuế, được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất và được hưởng một số ưu đãi khác trong thủ tục đầu tư xây dựng. Thế nhưng, thực tế một số doanh nghiệp đã cố tình đăng ký dự án với diện tích dưới 10ha một chút nhằm né nghĩa vụ… nhà ở xã hội. 

Bên cạnh những băn khoăn về chính sách, cho rằng những ưu đãi chưa đủ để bù đắp lại chi phí cho doanh nghiệp, lý do được nhiều doanh nghiệp đưa ra là xây dựng nhà ở xã hội xen lẫn với các dự án nhà ở cao cấp là không phù hợp. Khâu quy hoạch, thiết kế kiến trúc, cảnh quan sẽ gặp khó khăn do theo quy định nhà ở xã hội phải là nhà chung cư và không được cao quá 6 tầng. Đối tượng hướng đến của nhà ở xã hội là những người có thu nhập thấp, còn dự án nhà ở thương mại lại hướng tới đối tượng thu nhập khá trở lên, khi dự án được đưa vào sử dụng, biết thu phí dịch vụ như thế nào cho thỏa đáng(?).

Không đơn thuần chỉ là chốn ở

TS Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng VN nhiều lần trao đổi về trăn trở củamình đối với mô hình nhà ở cho người có thu nhập thấp. Ông Liêm cho rằng, không nên tách biệt nhà ở cho người có thu nhập thấp với người có thu nhập cao. Nếu ở xen kẽ, người có thu nhập thấp có cơ hội được thụ hưởng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với điều kiện, chất lượng tốt. Điều này không chỉ giảm bớt sự khó khăn cho cuộc sống của những người có thu nhập thấp mà còn tạo ra cơ hội cho con, cháu của họ có điều kiện vươn lên. Ở xen lẫn với những người có thu nhập khá giả, người thu nhập thấp cũng có thêm cơ hội để kiếm việc làm, cải thiện cuộc sống. Mặt khác, theo ông Liêm, việc bố trí nhà ở cho người có thu nhập thấp gần với người có thu nhập khá và cao sẽ làm giảm bớt hiện tượng giao thông kiểu "con lắc". Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia khác, thậm chí nếu xây dựng riêng lẻ khu nhà ở xã hội, sau một thời gian sẽ không còn người ở. Rất dễ hiểu, bởi nếu ở xa, người có thu nhập thấp sẽ phải đi lại nhiều, rất vất vả và mất thời gian để đến khu vực những người có thu nhập cao sống để làm thuê, bán hàng, cung cấp các dịch vụ…

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cùng với Nhà nước cũng như việc dành một quỹ đất nhất định trong các dự án phát triển nhà ở cho nhà ở xã hội là một hướng đi đúng đắn. Rõ ràng với người có thu nhập thấp, một chốn để ở rất quan trọng nhưng cơ hội để kiếm sống còn quan trọng hơn nhiều. Ngược lại, người thu nhập khá và cao sẽ dễ dàng có được các dịch vụ cần thiết.

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Đối tác 1 Đối tác 2 Đối tác 3
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...