Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
02/04/2024
Trong những ngõ ngách ở Hà Nội, việc mọc lên những quán cà phê không-chỉ-là-cà-phê cho giới trẻ không còn là một hiện tượng bất ngờ. Song song với những không gian sáng tạo như là các workshop hay tổ hợp giải trí, là những quán cà phê, quán bar với những hoạt động nghệ thuật như chiếu phim, âm nhạc, … cập nhật thường xuyên cùng với thị hiếu ngày càng phong phú của thế hệ trẻ với các công cụ tiếp cận với văn hóa toàn cầu. Chúng ta có thể hiểu về hiện tượng đô thị này như thế nào? Nó có phải chỉ đơn giản là một biến thể mới của không gian văn hóa ở quy mô bán công cộng? Để chỉ ra cách thức một không gian văn hóa sáng tạo được xây dựng như thế nào, và hơn nữa là phát triển, thay đổi và duy trì, chúng ta cần phải nhìn nhận những loại vốn của nền kinh tế sáng tạo, như vốn văn hóa, vốn biểu tượng, vốn chính trị, hay vốn xã hội, được chuyển hóa ra thành những sức mạnh kinh tế và từ đó tác động qua lại với môi trường đô thị. Đây cũng chính là những thuật ngữ mà nhà xã hội học Pierre Bourdieu đưa ra trong các lý thuyết của ông. Với các hiện tượng đô thị càng ngày càng phức tạp, và sự chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức/sáng tạo/phi vật thể càng ngày càng rõ rệt, công cụ về vốn kiểu Bourdieu trong các phân tích kinh tế xã hội nên được ứng dụng rộng rãi hơn.
Dạo qua những địa điểm thu hút nhất dành cho các bạn trẻ thực hành nghệ thuật hiện nay tại Hà Nội, chúng ta có thể thấy những cái tên như LP Club and Montauk, Ơ Kìa Hà Nội, Tổ Chim Xanh, HUB x Gratoner, Manzi, Hanoi Social Club, Tender Bar, Heritage Space, Hanoi Rock City, Tadioto, … hay là các tổ hợp văn hóa giải trí như Hanoi Creative City, Complex 01 hay “vang bóng một thời” như Hanoi Cinematheque hay Zone 9. Đây là những nơi cho những người như chúng tôi được nghe nhạc, chơi nhạc, đọc thơ, xem phim, và có những cuộc nói chuyện về văn hóa đương đại, được nói về cảm xúc với không gian sống của mình trong khi hít thở bầu không khí sống động ở ngay không gian sống ấy. Kiểu không gian văn hóa mới này bắt đầu hình thành từ đầu những năm 2010 với những cái tên như là Hanoi Rock City và Tadioto, chúng bao gồm cả các quán cà phê nho nhỏ, lẫn các trung tâm sáng tạo (creative hubs), kết hợp các yếu tố văn hóa và tính cộng đồng với yếu tố thương mại và tính tư nhân. Đối chiếu với các đô thị trên thế giới, không gian văn hóa mới này có thể được coi là một phần trong một khung hình lớn hơn của thành phố sáng tạo. Việc tạo dựng thành phố sáng tạo ngay từ việc tái thiết những không gian của ngày hôm nay, với sự khởi xướng từ tư nhân, các chính sách của chính quyền địa phương và sự hợp tác công tư của hai bên đang là một chủ đề rất được quan tâm trong ngành nghiên cứu đô thị, ví dụ như hội thảo Tái thiết di sản công nghiệp, diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 10 năm 2022 tại 282 Workshop, với giám đốc nghệ thuật của Heritage Space và giám đốc tổ hợp Complex 01 tham gia với vị trí diễn giả.
Diễn ngôn về kiểu không gian văn hóa đô thị mới này thực ra không quá mới. Trong một chuỗi báo cáo về bản đồ các không gian văn hóa sáng tạo tại Việt Nam của Trương Uyên Ly được Hội đồng Anh “đặt hàng” từ năm 2014 đến năm 2019, cô đã chỉ ra con số thống kê các không gian tăng từ gần 40 năm 2014 đến khoảng 200 năm 2019. Một vài yếu tố tạo nên sự phát triển này được chỉ ra là những thay đổi trong nhu cầu tinh thần của xã hội trong những năm gần đây, những thay đổi trong chính sách kinh tế – xã hội, những trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và thế giới, cũng như sự tham gia của tư nhân, bắt đầu từ chính sách Đổi mới kinh tế năm 1986. (Thể thao và Văn hóa 2020) (Truong 2018) Mới đây nhất cũng là nghiên cứu của Danielle Labbe và các cộng sự về các trung tâm sáng tạo tại Hà Nội qua điểm nhìn từ “informal life politics”. (Labbe, Zuberec, and Turner 2022). Ở những không gian tương đồng, chúng ta cũng có những bài báo nghiên cứu như của Emmanuelle Peyvel về Cà phê Cộng (Peyvel 2021), hay là không gian tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh được phân tích bởi Marie Gibert và Emmanuelle Peyvel (Gibert and Peyvel 2020). Ở những bài báo này, đối tượng nghiên cứu chính là những doanh nhân văn hóa (cultural entrepreneur), người mà tạo ra các không gian văn hóa này, những mong muốn biểu đạt văn hóa riêng của họ, những khó khăn mà họ gặp phải trong vấn đề kinh doanh và quản trị, những chiến lược mà họ có trong mối quan hệ với chính quyền địa phương, với khách hàng, với cộng đồng, và với bối cảnh rộng lớn hơn của thành phố sáng tạo.
Nó có thể được coi là một phần trong nghiên cứu xã hội học đô thị về tầng lớp xã hội sáng tạo (creative class) tại các đô thị ở Việt Nam. Tuy nhiên, để kết nối với các hiện tượng đô thị diễn ra ở các thành phố lớn khác trên thế giới có liên quan đến creative class, như gentrification (chỉnh trang đô thị), hay sự tư nhân hóa không gian đô thị, được phân tích bởi các học giả như Sharon Zukin, hay Henri Lefebvre, hay David Harvey, có lẽ chúng ta cần khám phá sâu hơn các lý thuyết về đô thị học (urban studies), xã hội học đô thị hay thậm chí là địa lý nhân văn phê phán (critical geography) để hình dung ra một phân tích và diễn giải đầy đủ hơn. Ở bài viết này, chúng ta sẽ nói đến Pierre Bourdieu và các loại vốn của ông.
Pierre Bourdieu (1930 – 2002) là một nhà xã hội học, nhà nhân loại học, và nhà triết học người Pháp, với một dấu ấn lớn lên các ngành khoa học xã hội khác nhau. Ở Việt Nam, các cuốn sách của ông đã được dịch ra là Quy tắc của nghệ thuật, Sự thống trị của nam giới, và Lý do thực tiễn: Về lý thuyết và hành động. Ở ngành Xã hội học đô thị, chúng ta có thể các tên tuổi lớn chịu ảnh hưởng từ lý thuyết của Bourdieu như Loïc Wacquant hay Sharon Zukin; còn tại Việt Nam, cũng đã có một cuộc nói chuyện của giáo sư Trương Quang Thao về Pierre Bourdieu và những vận dụng lý thuyết của ông vào kiến trúc. (Trương Quang Thao 2013)
Trong đó, lý thuyết về các loại vốn (capital) của ông đã được sử dụng trong nỗ lực phân tích các giá trị tinh thần của xã hội và định vị chúng trong không gian xã hội (social space), ở các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau, ở các xã hội khác nhau. Trong cuốn Lý do thực tiễn: Về lý thuyết và hành động, ông cho rằng đối với trường hợp nước Pháp thì không gian xã hội được xây dựng từ vốn kinh tế và vốn văn hóa, phân bố theo tổng thể trọng lượng của tất cả các loại vốn và cấu trúc của loại vốn, hay đối với trường hợp của Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) là vốn văn hóa và vốn chính trị.
Nói một cách ngắn gọn về một vài các loại vốn mà chúng ta đang đề cập ở đây: “vốn biểu tượng” có thể được diễn giải như các giá trị phi vật thể của vật thể đang được trao đổi và phân phối (chúng ta có thể hình dung đến những không gian lịch sử văn hóa mang tính hoài niệm mà một bộ loa đài cổ hay một bức tranh gợi ra); “vốn văn hóa” là những giá trị tri thức văn hóa được tích lũy và trao đổi trong các quan hệ xã hội mà trọng lượng của nó thể hiện một vị trí xã hội nhất định; “vốn chính trị” gợi ra những cơ hội tiềm tàng đến từ thứ bậc trong các thể chế chính trị; và “vốn xã hội” được thể hiện trong nguồn lực từ các mạng lưới xã hội của chủ thể mà chủ thể có thể tiếp cận và sử dụng. Có hai nhận định quan trọng trong các loại vốn này, bên cạnh loại vốn kinh tế được đo đếm bằng tiền tệ mà chúng ta thường thấy: Thứ nhất, các loại vốn khác nhau có mức độ quan trọng và tính khu biệt hóa (phân tầng xã hội) khác nhau, và thứ hai, bằng các cách thức khác nhau, các loại vốn này có thể được chuyển hóa cho nhau. Bourdieu, trong nỗ lực xây dựng không gian xã hội và các giai cấp lý thuyết, không chỉ để ý đến giới chủ – giới quản lý và giai cấp công nhân, mà một nhóm xã hội khác cũng được quan tâm không kém là giai cấp tri thức tiểu tư sản, bao gồm giáo viên, nghệ sĩ, cán bộ hành chính,… và habitus của họ. Đây là một giai cấp xã hội lý thuyết mà mặc dù họ không có quá nhiều vốn kinh tế, hay đối với trường hợp của CHDCND Đông Đức thì họ không có quá nhiều vốn chính trị, nhưng bù lại, họ có nhiều vốn văn hóa và có thể là vốn xã hội nữa. Cách mà họ sinh sống và tồn tại phụ thuộc vào việc sử dụng và chuyển hóa các loại vốn này như thế nào. Chúng ta có thể lấy ví dụ như trường hợp của các sinh viên Việt Nam tại Đông Đức vào những năm 80, khi mà họ sử dụng vốn liếng giao tiếp văn hóa và các mối quan hệ xã hội mà họ có được để tiếp cận và buôn bán hàng hóa Đông Đức về Việt Nam, từ xích xe, đài vô tuyến, đến vải vóc, vân vân, những sự trao đổi kinh tế mà theo lời một giáo sư là “cứu sống của một dân tộc” (Schwenkel 2022). Việc mà các lao động tri thức hiện nay sử dụng các không gian đô thị mà họ có để chuyển hóa vốn văn hóa và vốn xã hội mà họ có ra các hoạt động có tính kinh doanh và đảm bảo cho sự tái tạo xã hội của chính họ là điều chúng ta có thể hình dung. Nhưng bối cảnh của phương thức sản xuất/tiêu thụ mới này không chỉ dừng lại ở những hoạt động văn hóa địa phương cho cộng đồng.
Trong nền kinh tế tư bản toàn cầu hiện nay, lao động phi vật thể (immaterial labour) ở các ngành kinh tế tri thức hay kinh tế sáng tạo có vị trí ngày càng quan trọng. Việc sản xuất các loại hình phi vật thể như content truyền thông văn hóa đòi hỏi sự tích lũy rất lớn các loại vốn “tinh thần” kể trên từ người lao động. Ví dụ như, để tham gia vào thị trường lao động này, nó yêu cầu chúng ta cần phải biết tiếng Anh, chúng ta cần phải biết về các sản phẩm văn hóa nước ngoài, biết các mạng lưới xã hội để chúng ta tự tìm kiếm cơ hội việc làm hay kinh doanh. Các doanh nhân văn hóa là một phần trong số những người cung cấp dịch vụ tiếp cận các loại vốn ấy. Sẽ không khó để chúng ta nhận thấy rằng nhu cầu về không gian sáng tạo cho cộng đồng mà họ đang đáp ứng một phần cũng là hệ quả của nhu cầu của nền kinh tế sáng tạo hiện nay. Đây là mối quan hệ giữa việc xây dựng không gian sáng tạo hay thành phố sáng tạo với bối cảnh kinh tế – xã hội và yêu cầu lao động: chúng ta nhận thức được rõ ràng một thành phố sáng tạo không chỉ là một cụm từ khóa mà là một thực thể rõ ràng được xây dựng bằng lao động, theo cách mà các nhà nghiên cứu đô thị học như David Harvey hình dung, bên cạnh các thực thể không gian đô thị khác như không gian công cộng. Bằng việc gọi tên được các loại vốn mà chúng ta đang sử dụng, tích lũy và trao đổi hằng ngày, chúng ta có thể có một cái nhìn rõ ràng hơn về những không gian đô thị đóng vai trò như là nơi diễn ra hoạt động trao đổi và tích lũy chúng, không gian văn hóa – tiêu thụ. Hệt như việc hình dung các sàn giao dịch, hay các văn phòng của các tập đoàn xuyên quốc gia ở các tòa chọc trời ở trung tâm đô thị như là địa điểm trao đổi và tích lũy vốn kinh tế, hay không gian công cộng đô thị nói chung như là địa điểm trao đổi và tích lũy vốn con người, theo một cách hiểu của Edward Glaeser, thì những không gian sáng tạo, dù chỉ là những quán cà phê, cũng có thể được coi như là địa điểm trao đổi vốn văn hóa và hơn thế nữa.
Vậy, chúng ta có thể tìm thấy những gì ở không gian văn hóa – tiêu thụ? Không khó để nhận ra, trong những chủ đề tiêu biểu của các thực hành văn hóa trong giới trẻ “indie”, chủ đề về ký ức tập thể và hoài niệm tưởng tượng (Appadurai 1996) được nhấn mạnh, với các thể loại âm nhạc, điện ảnh khác nhau trong quá khứ. Không gian của những thực hành văn hóa này do đó cũng được trang trí bởi những hiện vật mang tính hoài niệm, như đài cassette, máy chạy đĩa nhựa, sách cũ, poster phim, nội thất, màu sơn, … Văn hóa, với giá trị biểu tượng của nó, đóng vai trò như một cây cầu mang lại một không-thời gian tính (spatio-temporality) khác, giúp cho chủ thể có thể bối cảnh hóa những suy nghĩ và tâm tư của họ khi đối mặt các vấn đề xã hội đương thời, bằng việc khám phá các xã hội khác, những trải nghiệm khác. Bên cạnh đó, nó cũng giúp cho chủ thể có thể tiêu thụ những sản phẩm văn hóa từ không-thời gian tính khác này trong không gian và cộng đồng mà họ chọn ở hiện tại, với sự tiếp cận văn hóa phân phối toàn cầu càng ngày càng đơn giản và nhanh chóng, qua mạng xã hội hay qua các nền tảng streaming. Dĩ nhiên, sự tiếp cận càng ngày càng ít giới hạn địa lý hay lịch sử này đặt ra cho chúng ta câu hỏi, vậy thì chúng ta xem gì, nghe gì, chơi gì, và khi ấy mối quan hệ giữa chúng ta và các không gian văn hóa đô thị là gì, khi chúng ta có thể ngồi nhà và xem phim miễn phí, một thói quen tiêu thụ văn hóa càng ngày càng mang tính cá nhân.
Đây cũng là câu hỏi mà tôi cố gắng trả lời trong một buổi xem phim ở một quán cà phê nhỏ ở Hà Nội. Ở ví dụ này, chúng ta có thể hình dung về giá trị tinh thần mà việc đi xem phim mang lại, không chỉ ở chính bản thân bộ phim hay nền điện ảnh được giới thiệu, mà còn là sự sống động và tính cộng đồng trong việc trải nghiệm một sản phẩm văn hóa trong một tập thể. Chúng ta có thể thấy những nét tương đồng giữa thói quen văn hóa “indie” này với các thói quen văn hóa đại chúng hơn, như xem bóng đá ở các quán bia, hay trong quá khứ là việc một xóm quây quần vào xem chiếc TV vô tuyến của một nhà trong khu phố; ở đó, những trao đổi kiến thức và cảm xúc trong cộng đồng làm giàu hơn cho việc tiêu thụ sản phẩm văn hóa. Chúng ta trả tiền không chỉ cho dịch vụ phân phối sản phẩm văn hóa, hay dịch vụ đồ ăn thức uống kèm theo, mà còn cho giá trị giáo dục được thêm vào. Chúng ta có thêm những người đóng vai trò như giám tuyển (curator) (đôi khi là chính những người tạo ra các không gian văn hóa này) đảm bảo cho việc chọn lựa những sản phẩm văn hóa và hướng dẫn cho chúng ta về các đọc về văn hóa phẩm ấy, cùng với sự trao đổi với cộng đồng, để cho chúng ta có một sự hiểu sâu sắc hơn về những giá trị mới và những cách cảm mới. Hành vi này có thể được hiểu như sự tích lũy và trao đổi vốn văn hóa tri thức; nó cũng có thể được nhìn nhận như nỗ lực mang trở lại tính tập thể, tính cộng đồng vào trong thói quen văn hóa càng ngày được riêng tư hóa của thị dân.
Để có năng lực thực hiện các quá trình trao đổi các giá trị văn hóa này, đòi hỏi các doanh nhân văn hóa phải tích lũy cho mình đủ lượng tri thức. Những khảo sát về không gian văn hóa sáng tạo ở Hà Nội và ở Việt Nam cho thấy trình độ tri thức và học vấn của những người tạo ra những không gian ấy khá cao, ở mức tốt nghiệp đại học và tham gia lao động trong các ngành kinh tế có “hàm lượng tri thức cao” như thiết kế, truyền thông, hay thậm chí là kỹ thuật. Trong các mạng lưới xã hội mà họ có thể tiếp cận nhờ vào vốn tri thức này là các tổ chức văn hóa nước ngoài như Geothe-Institut (Viện Đức), Hội đồng Anh (British Council) và Viện Pháp (Institut Francais), những tổ chức này đóng vai trò thúc đẩy hoạt động sáng tạo tại Việt Nam với tư cách là nhà tài trợ. Góp phần mở rộng các mạng lưới xã hội này cũng là những nền tảng mạng xã hội như Facebook. Tuy nhiên, khi phân tích tổng thể hiện trạng kinh tế – xã hội của nhóm những người kinh doanh dịch vụ văn hóa sáng tạo, chúng ta lại bắt gặp lại sự chênh lệch tỷ trọng giữa vốn văn hóa, vốn xã hội với vốn chính trị và vốn kinh tế. Với một nguồn vốn kinh tế nhỏ, nhưng qua các mối quan hệ xã hội, những người xây dựng không gian sáng tạo có thể tìm đến những không gian với giá thành rẻ hơn, có thể là đất công nhưng bỏ không do quá trình di dời các khu công nghiệp và tái tổ chức không gian đô thị, đầu tư vào nó để trở thành các địa điểm văn hóa hợp thời, thu hút giới trẻ và thậm chí là khách du lịch. Chúng ta có thể nói đây cũng là mô hình của Zone 9, và thực ra đây cũng không phải là một hiện tượng mới mẻ trên thế giới, khi chúng ta có thể kể đến Seattle ở Hoa Kỳ như là nơi mà các nghệ sĩ từ nhiều năm về trước đã tận dụng đất đai công nghiệp cũ để xây dựng các workshop nghệ thuật và thực hiện các hoạt động kinh doanh, và thay đổi bộ mặt của thành phố. Theo Sharon Zukin, chúng ta có thể coi các quán cà phê hipster và các chuỗi không gian sáng tạo cho thanh thiếu niên ở New York cũng là một phần của hiện tượng hiện tượng chỉnh trang đô thị (gentrification) đến từ giai cấp sáng tạo này. Tuy nhiên, chính tỷ trọng chênh lệch này là lý do cho sự bấp bênh và tính rủi ro của họ khi đối mặt với các khủng hoảng đô thị, và một phần do sự khác biệt giữa bối cảnh kinh tế xã hội giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, các phân tích xã hội và đô thị học mà chúng ta đang thực hiện cũng có sự khác biệt.
Hai năm của đại dịch COVID đã khiến nhiều địa điểm sáng tạo gặp khó khăn, hoặc là họ phải tự bỏ tiền túi để trang trải các kinh phí và thuế, tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng, tạm thời chuyển đổi mô hình kinh tế sang kinh doanh online, hoặc đóng cửa hoàn toàn, và ngoài các khủng hoảng toàn cầu ra thì các không gian văn hóa sáng tạo cũng đã phải chịu rủi ro trong việc thuê và duy trì địa điểm, bởi số vốn kinh tế tương đối khiêm tốn và lợi nhuận kiếm được, trong mắt chủ địa điểm thuê, có thể không bằng một cửa hàng tiện lợi hay một nhà hàng. Một trong những vấn đề khác mà Trương Uyên Ly cũng chỉ ra, là hệ thống của chúng ta chưa có một hành lang pháp lý cho những không gian đô thị đặc thù này, ngoài một cái nhãn là không gian tư nhân. Tính đặc thù mà cô chỉ ra, mà nằm ở “các giá trị và sản phẩm mà không gian sáng tạo mang lại không phải lúc nào cũng có thể đo đếm được”, qua lăng kính của các loại vốn, có thể được diễn giải như chính là sự trao đổi và tích lũy của vốn văn hóa, và khả năng mà nó có thể được chuyển hóa và hợp thức hóa để phù hợp với quản lý và phát triển kinh tế địa phương. Trích Báo cáo về các không gian sáng tạo ở Việt Nam của Hội đồng Anh năm 2018:
“Hầu hết các không gian đều là kinh doanh tư nhân. Vì các không gian này còn mới nên hệ thống pháp luật hiện hành chưa coi không gian sáng tạo là một mô hình kinh doanh đặc thù. Các không gian sáng tạo đăng kí hoạt động với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp (đa số là doanh nghiệp nhỏ và đến rất nhỏ), tổ chức phi chính phủ (rất ít), hoặc kinh doanh hộ gia đình. Hệ thống hiện thời này tạo ra những thách thức cho các không gian sáng tạo, trong đó có các trách nhiệm về thuế. Nhiều không gian sáng tạo định hướng phát triển cộng đồng chứ không hoạt động vì lợi nhuận, chính vì vậy các giá trị và sản phẩm mà không gian sáng tạo mang lại không phải lúc nào cũng có thể đo đếm được. Một vài không gian sáng tạo chỉ dựa vào nguồn vốn riêng chứ không có thu nhập nào, nhưng họ vẫn phải đóng các loại thuế.” (Truong Uyen Ly, 2018)
Để đảm bảo sự duy trì các không gian văn hóa sáng tạo mang định hướng kinh doanh và tiêu thụ, các cá nhân và tổ chức tham gia bắt buộc phải có một lượng vốn xã hội để khẳng định sự cần thiết của mình, không chỉ là như những nút mạng trong mạng lưới văn hóa toàn cầu, với các tổ chức văn hóa kể trên và những tài trợ cho hoạt động văn hóa từ họ (nguồn tài trợ mà vốn dĩ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng kinh tế từ đại dịch), mà còn như là mối nối cần thiết cho chính cộng đồng xung quanh những không gian này, một hình thái không gian vừa gắn kết cộng đồng và vừa thu hút các hoạt động kinh tế xung quanh. Ví dụ như, để đảm bảo cho việc vận hành các địa điểm này, những người vận hành, hay chủ đầu tư, hay sở hữu chúng cần tạo dựng những mối quan hệ tốt với chủ sở hữu quyền sử dụng lô đất mà họ thuê, cũng như là mối quan hệ láng giềng bà con xung quanh. Trong một bài phỏng vấn của Vietcetera với KTS. Vương Thùy Dương về đô thị vị nhân sinh (Vietcetera 2022), cô có nhắc đến ví dụ của Zone 9 về thành công và thất bại của nó, với một điểm nhấn mạnh rằng để mà xây dựng thành công một không gian văn hóa, yếu tố liên kết và phục vụ cho cộng đồng xung quanh liền kề nó là yếu tố quyết định, trong phép so sánh với một không gian khác, chính là phố sách Đinh Lễ, mà ở đó, việc trao đổi và tích lũy vốn xã hội và vốn văn hóa được gắn chặt với chính sinh kế của người dân.
Chúng ta có thể hình dung về nhận định này như là việc tích lũy và sử dụng vốn xã hội với cộng đồng bản địa làm bền vững và sâu sắc hơn sự liên kết giữa không gian văn hóa và bối cảnh đô thị của nó, không chỉ là phục vụ mục đích cộng đồng, mà còn cho sự tồn tại của chính nó nữa, khi mà nó chuyển hóa vốn xã hội này thành vốn kinh tế, với kết quả kinh doanh của nó phụ thuộc vào cộng đồng. Nói một cách khác, tính vì cộng đồng của không gian tiêu thụ – sáng tạo không đơn giản là đến từ lòng tốt chủ quan của những doanh nhân văn hóa, mà đến từ bản thân các mối quan hệ xã hội ràng buộc làm nên không gian ấy. Văn hóa mà họ mong muốn thực hành do đó luôn ở trong một mối thương thảo, với các chiến lược kinh doanh và các chiến lược xã hội, ở phương diện không gian (thiết kế, kiến trúc ra sao), thời gian (lúc nào, mức độ thường xuyên tổ chức các sự kiện ra sao) và địa điểm (ở gần khu vực trung tâm thành phố hay xa hơn), và vì thế những lựa chọn mà họ đưa ra không thể tránh khỏi các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài, từ khách hàng, từ cộng đồng, từ chính quyền, và cả từ những cuộc khủng hoảng như COVID nữa.
Để kết nối các yếu tố giới hạn ở nhiều cấp độ này (multiscalar), những người xây dựng lên những không gian sáng tạo hiện nay đang đòi hỏi đến một hệ thống hành lang pháp lý cho mô hình kinh doanh đặc thù này. Song song với việc kêu gọi một sự pháp lý hóa các không gian di sản công nghiệp trong hội thảo Tái thiết di sản công nghiệp, thì bản thân những người tham gia hoạt động sáng tạo mà tái sử dụng các không gian công nghiệp cũ (vì chi phí phù hợp và các yếu tố thẩm mỹ khác) cũng cần một sự pháp lý hóa cho hoạt động kinh doanh của họ nữa. Đây không chỉ là một phần của quản lý đô thị, của chuyện có phép hay không phép, nhìn từ góc độ nhà quản lý. Với xu hướng dịch chuyển quản lý đô thị từ government sang governance thì tiếng nói của các thành phần khác nhau trong đô thị, hay sử dụng thuật ngữ là stakeholders, trong các tiến trình đô thị khác nhau càng ngày càng quan trọng. Ở đây, chúng ta bắt gặp một hệ hình khác của việc trao đổi, tích lũy và ứng dụng vốn chính trị: không còn đơn thuần là vị trí hay cấp bậc trong thể chế chính trị nữa, mà là cả xã hội dân sự, các chủ đầu tư, các tổ chức văn hóa toàn cầu, vân vân, với sức mạnh kinh tế, thước đo văn hóa và độ ảnh hưởng xã hội khác nhau, đòi hỏi các tiếng nói pháp lý kèm theo để đảm bảo vận hành các chu trình đô thị. Không gian của họ, không gian văn hóa – sáng tạo, vừa là địa điểm trao đổi, tích lũy và sử dụng các loại vốn văn hóa, vừa là sản phẩm lao động và cũng là điều kiện vật chất cơ bản cho các chu trình này, phụ thuộc một phần vào sự thay đổi tiếp cận chính sách này.
THS.KTS Vũ Trung Kiên
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)
Đang tải...