Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
21/12/2023
Đình Lỗ Hạnh thuộc thôn Lỗ, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng vào thời Mạc, năm Sùng Khang thứ 11 (1576). Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất xứ Bắc và cũng là ngôi đình được mệnh danh là đệ nhất Kinh Bắc bởi nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, độc đáo. Hầu hết các cấu kiện gỗ trong đình đều được các nghệ nhân xưa sử dụng để khoe trổ tài năng chạm khắc.
Đình Lỗ Hạnh là ngôi đình có niên đại sớm nhất Việt Nam.
Vì kèo có bốn hàng cột chính và hai hàng cột hiên đỡ dưới các bẩy và kết cấu theo lối chồng rường. Cái vì nóc làm theo kiểu trụ đấu giá chiêng rất ngắn. Tấm bưng của rốn nhện vẫn còn nguyên. Trên câu đầu có xà gỗ áp sát như một rường chạy suốt. Trên các cột còn các lỗ mộng, vết tích để lắp rầm lát sàn gỗ. Các thanh rường, xà, ván nong, cốn, đều có chạm trổ tinh vi hình rồng, phượng, hoa lá, mây, thú, cá hóa rồng. Hình chim phượng chạm rất to, đuôi xòe và đứng lẫn trong các đám mây, hình hổ đang nằm, hình hươu đứng trong mây, hoặc cưỡi trên lưng là một tiên nữ đang đánh đàn.
Ngoài ra còn có hoa văn mây lửa, hoa cúc, với nhiều bố cục sống động. Đặc biệt có hai cốn thuộc gian chái bên trái có dòng chữ ghi niên đại xây dựng đình có thể đọ là : "Sùng Khang thập nhất niên lục nguyệt thất nhật tạo" (Ngày mồng bảy, tháng sáu, niên hiệu Sùng Khang thứ 1 tạo dựng) và gian chái bên phải ghi : "Tuế thứ Bính Tý mạnh xuân tạo" (Tháng giêng năm Bính Tý tạo). Trong hậu cung có bộ tranh "Bát tiên" (8 cô tiên đứng trên đài mây) gồm hai bức thuộc loại hình nghệ thuật sơn mài sớm nhất ở Việt Nam. Các bức chạm cưỡi ngựa, đấu võ, hoa sen, rồng, chim, tiên cưỡi rồng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có tiếng. Tiêu biểu là bức chạm "Người chơi đàn đáy" được chạm trên khuôn gỗ hình chữ nhật có chiều dài 36 cm, rộng 24 cm. Với nghệ thuật tả thực, kết hợp với kỹ thuật chạm nổi, vê tròn, thể hiện trên chất liệu gỗ dổi có màu sáng ngà, bức chạm diễn tả một cô gái đang cầm đàn để chéo trước ngực, ngồi tựa lưng vào chú hươu đang trong tư thế quỳ phủ phục. Nhìn cây đàn, chúng ta nhận ra ngay đây là chiếc đàn đáy (thùng cộng hưởng của đàn hình thang, cần đàn dài) - một trong ba loại nhạc cụ đặc trưng của nghệ thuật hát ca trù. Nhìn chung kiến trúc đình Lỗ Hạnh trông đồ sộ mà không nặng nề nhờ các bờ cong của 4 mái tương phản với mặt sân rộng trọng điểm trung tâm của làng xã.
Đang tải...