Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
14/05/2024
1. Viện Khoa học Phân tử La Trobe: Viện Khoa học Phân tử La Trobe thuộc Đại học La Trobe (Australia), được khánh thành vào năm 2013. Thiết kế tòa nhà lấy cảm hứng từ chính những cấu trúc phân tử – lĩnh vực nghiên cứu chủ đạo diễn ra bên trong. Các cửa sổ của tòa nhà được thiết kế mô phỏng hình ảnh các nguyên tử liên kết hóa học. Các cột trụ viện lại có hình dạng chữ X và Y, tượng trưng cho nhiễm sắc thể. Ảnh: La Trobe University.
2. The Hive (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore): The Hive gây ấn tượng với những khối cấu trúc hình tròn lấy cảm hứng từ tổ ong. Tuy nhiên, nhiều người cũng nhận thấy sự tương đồng thú vị của tòa nhà với những chiếc xửng đựng dim sum. Tòa nhà được thiết kế bởi Thomas Heatherwick và được tạo ra để phục vụ phương pháp giảng dạy “lớp học đảo ngược”. Theo đó, sinh viên sẽ xem trước các bài giảng trực tuyến, sau đó đến trường để tham gia các buổi thảo luận chuyên sâu về các chủ đề học tập. Ảnh: Supanut Arunoprayote.
3. Bảo tàng Nghệ thuật Weissman (Đại học Minnesota, Mỹ): Đây là một kiệt tác kiến trúc mang dấu ấn của Frank Gehry, người nổi tiếng với việc thiết kế bảo tàng Guggenheim ở Bilbao và cung hòa nhạc Walt Disney ở Los Angeles. Tòa nhà có 2 mặt. Một mặt được ốp bằng gạch, hài hòa với các công trình lịch sử xung quanh bảo tàng, dọc theo Đại lộ Northrop. Mặt còn lại được ốp bằng các tấm thép không gỉ với những đường cong và góc cạnh táo bạo. Ảnh: E-flux.
4. Trung tâm Thiết kế Sharp (Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Ontario, Canada): Trung tâm Thiết kế Sharp được xây dựng vào năm 2004, là một trong những tòa nhà dễ nhận biết nhất của Toronto. Tòa nhà gây ấn tượng với thiết kế tựa chiếc bàn, lát gạch đen trắng, được nâng đỡ bởi 12 chân thép màu sắc rực rỡ. Vị trí của tòa nhà nằm ngay cạnh công trúc lâu đời nhất trong khuôn viên trường, tạo ra sự tương phản rất rõ ràng giữa hai phong cách kiến trúc. Ảnh: Archello.
5. Tòa nhà Kuggen (Đại học Gothenburg, Thuỵ Điển): Tòa nhà hình trụ màu đỏ tại Đại học Gothenburg sử dụng công nghệ xây dựng xanh mới nhất, là nơi đặt thư viện Chalmers và đào tạo chương trình thạc sĩ về thiết kế game của trường. Theo tiếng Thụy Điển, “kuggen” có nghĩa là “bánh răng cưa”, tượng trưng cho sự kết nối giữa lĩnh vực học thuật và các ngành truyền thông kỹ thuật số – vốn là những chuyên ngành được đào tạo và nghiên cứu trong tòa nhà. Ảnh: Pixels.
6. West Campus Union (Đại học Duke, Mỹ): Khi West Campus Union cần cải tạo, các kiến trúc sư không chỉ khôi phục thiết kế ban đầu của những năm 1920 mà còn làm nhiều hơn thế. Tòa nhà với cấu trúc “hộp kính” này kết nối giữa kiến trúc cổ kính và hiện đại, đóng vai trò như một cánh cổng giao thoa giữa phong cách Gothic của các tòa nhà chính trong khuôn viên đại học và không gian xã hội của sinh viên. Ảnh: Duke University.
7. The Diamond (Đại học Bangkok, Thái Lan): Lấy cảm hứng từ những viên kim cương chưa qua tinh luyện, tòa nhà The Diamond được thiết kế để thể hiện sứ mệnh của trường trong việc khai mở tiềm năng sáng tạo của sinh viên. Tòa nhà này đóng vai trò là cửa ngõ dẫn vào khuôn viên trường. Bên trong là không gian học tập thoáng mát, nhiều ánh sáng, cùng các phòng học, phòng thực hành và trung tâm ươm tạo phần mềm. Ảnh: Flickr.
8. Tòa nhà C13 (Đại học Khoa học và Công nghệ Wrocław, Ba Lan): Trung tâm sinh viên C13 có các cửa sổ hình tròn, bố trí theo cách ngẫu nhiên, khiến nó nổi bật so với các tòa nhà cổ điển xung quanh. Đó là một ví dụ về kiến trúc hiện đại của Ba Lan và là nơi yêu thích của sinh viên. Ảnh: C&C Partners.
9. Tòa nhà Arts West (Đại học Melbourne, Australia): Mặt tiền tòa nhà Arts West nổi bật với những “vây” kim loại. Khi nhìn từ xa, những tấm kim loại này tạo thành hình ảnh các đồ vật và tượng, được lựa chọn từ bộ sưu tập của trường. Bên trong tòa nhà là các phòng học đặc biệt được thiết kế riêng với hệ thống kiểm soát nhiệt độ và ánh sáng mặt trời. Điều này cho phép sinh viên có thể tiếp cận và nghiên cứu trực tiếp bộ sưu tập hiện vật cổ mà không gây hư hại cho chúng. Ảnh: University of Melbourne.
10. Trường Kinh doanh UTS (Đại học Công nghệ Sydney, Australia): Trường Kinh doanh UTS chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015, là một công trình khác được thiết kế bởi Frank Gehry. Thiết kế táo bạo của tòa nhà đã thu hút nhiều sự chú ý và tranh luận. Kiến trúc với những khối uốn lượn màu nâu đất khiến nhiều nhà phê bình liên tưởng đến hình ảnh “một chiếc túi giấy nâu bị bóp méo”. Thậm chí, Thống đốc Toàn quyền Australia thời điểm đó – ông Peter Cosgrove – cũng phải lên tiếng nhận xét đây là “chiếc túi giấy nâu bị bóp méo đẹp nhất mà ông từng thấy”. Ảnh: UTS.
Theo Ngọc Bích (Biên dịch từ Times Higher Education)/ lifestyle.znews
Đang tải...