Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
17/03/2015
Người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một trong những quy định mới, mang tính đột phá trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Việc cho người nước ngoài sở hữu nhà ở không chỉ phù hợp với xu thế hội nhập mà còn tạo thêm một cơ hội cho thị trường bất động sản.
Sống và làm việc ở Việt Nam đã 3 năm, ông Guy Major, Giám đốc kinh doanh Công ty Savills Việt Nam vẫn chưa thể sở hữu một căn nhà bởi những ràng buộc về hành lang pháp lý. Theo ông Guy Major, đa số người nước ngoài đang có công việc ổn định ở Việt Nam đều mong được cho phép mua nhà để yên tâm sống và làm việc: “Tôi thấy Việt Nam là 1 đất nước tươi đẹp, rất an toàn và tôi đã có những thời gian rất vui vẻ tại đây. Chính vì vậy, tôi cũng muốn mua 1 căn nhà ở Đà Nẵng để chia sẽ những khoảnh khắc vui vẻ với bạn bè và gia đình. Tuy nhiên giá nhà ở Việt Nam rất đắt, đắt hơn 30 - 40% so với ở Bali hay thậm chí đắt hơn 40 – 50 % so với Phuket Thái Lan. Ngoài ra, các chính sách để có thể mua được nhà rất khó như quy định về thời hạn lưu trú hay quy định chỉ được sở hữu 50 năm”.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 80.000 người nước ngoài đang sống và làm việc, nhưng hầu hết đang phải thuê nhà hoặc nhờ người khác đứng tên mua nhà, vừa tốn nhiều tiền vừa rủi ro. Số người nước ngoài được mua nhà là rất ít vì bị giới hạn bởi nhiều quy định, điều kiện khắt khe, như phải có giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên, phải có bằng đại học hoặc có đóng góp cho đất nước Việt Nam, phải kết hôn với công dân Việt Nam…
Thời gian qua, Việt Nam đã cấp đất đai cho các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để xây dựng các khu đô thị lớn. Cho nên sẽ là nghịch lý nếu vẫn hạn chế người nước ngoài mua nhà ở.
Theo Tiến sĩ Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thêm đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà ở sẽ tăng lượng nhu cầu lớn cho thị trường bất động sản, thu hút nguồn ngoại tệ vào thị trường này. Ông nói: “Số người nước ngoài ở trên địa bàn Việt Nam là khá lớn, cho nên việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà và thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy về cầu và tạo ra một nguồn tiền. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta sắp sửa có thể kí được PPP, nguồn đầu tư cả của doanh nhân, doanh nghiệp và bây giờ là nguồn đầu tư của những người nước ngoài có nhu cầu làm ăn lâu dài tại Việt Nam sẽ mang tiền vào Việt Nam, thì đây là một giải pháp đột phá”.
Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép các cá nhân nước ngoài được mua, thuê, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; không quá 250 căn nhà ở riêng lẻ trên một khu vực dân cư tương đương cấp phường; sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm. Quy định mới này được các chuyên gia cũng như giới đầu tư đánh giá cao, coi là điểm sáng của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt – Đức nhận định, các doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược để thích ứng, chủ động nhắm đến việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện những dự án mang tính tầm cỡ, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người nước ngoài như căn hộ cao cấp, khu nghỉ dưỡng, sinh thái…
Ông Nguyễn Thế Điệp phân tích: “Tôi cho rằng có thể trong 1 tương lai gần sẽ có làn sóng rất lớn người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ mua một lượng nhà tương đối lớn. Các khu đô thị, các dự án cao cấp, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, có tiện ích tốt, tầm cỡ là những cái đối tượng này nhắm đến. Cho nên các doanh nghiệp trong nước cũng nên đưa ra những chiến lược để đáp ứng được yêu cầu đó. Ngay bây giờ chúng ta phải định hình và có chiến lược rõ ràng”.
Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực thúc đẩy thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi. Việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng tạo nhiều cơ hội đầu tư mới cho các doanh nghiệp bất động sản, giảm bớt lượng hàng tồn kho mà chủ yếu là ở phân khúc nhà ở cao cấp hiện nay./.
Đang tải...