Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
05/07/2024
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội nghị
Báo cáo tóm tắt thuyết minh Đề án, đại diện UBND Thành phố Thanh Hóa cho biết, phạm vi xét phân loại đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I gồm toàn bộ ranh giới hành chính của Thành phố Thanh Hóa hiện hữu (30 phường, 4 xã) và toàn bộ địa giới hành chính huyện Đông Sơn (1 thị trấn và 13 xã), với tổng diện tích toàn đô thị là 228,3km2, dân số đô thị 574.169 người.
Hiện nay, thành phố Thanh Hóa không còn nhiều không gian để tiếp tục bố trí các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở thương mại, dịch vụ, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất ở đô thị, an sinh xã hội, trồng cây xanh, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, giao thông đô thị; dân số của thành phố ngày càng gia tăng, lao động tập trung chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp và các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ. Vì vậy, mở rộng thành phố Thanh Hóa sang huyện Đông Sơn là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của thành phố trong thời gian qua.
Trong khi đó, huyện Đông Sơn đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp;… Tuy nhiên, những thay đổi về kinh tế xã hội và quá trình đô thị hóa đã đặt ra cho chính quyền huyện Đông Sơn nhiều vấn đề mới cần giải quyết. Ngoài ra, huyện Đông Sơn có quy mô diện tích và dân số chưa đảm bảo quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2023-2030 theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, nên việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển vừa góp phần sắp xếp, tổ chức hợp lý quy mô đơn vị.
Việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập 4 phường: Rừng Thông, Đông Thịnh, Hoằng Quang và Hoằng Đại là hết sức cần thiết, nhằm mở rộng không gian đô thị, xây dựng và phát triển Thành phố Thanh Hóa xứng tầm đô thị loại I, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh; trở thành một đô thị thông minh, văn minh, có bản sắc, trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ; phù hợp với truyền thống lịch sử địa phương, phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn.
Đối chiếu với các tiêu chí, tiêu chuẩn tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá đô thị Thanh Hóa đạt 5/5 tiêu chí đô thị loại I theo quy định, tổng số điểm đạt 83,58/100 điểm (tối thiểu 75 điểm là đạt); khu vực dự kiến thành lập 4 phường đều đạt từ 11/13 tiêu chuẩn trở lên, cụ thể: xã Hoằng Quang đạt 11/13 tiêu chuẩn; xã Hoằng Đại đạt 11/13 tiêu chuẩn; xã Đông Thịnh đạt 12/13 tiêu chuẩn; thị trấn Rừng Thông đạt 13/13 tiêu chuẩn.
Tại hội nghị, đại diện Văn phòng Quốc hội, các bộ, hội, hiệp hội chuyên ngành xây dựng, đều đánh giá Đề án đảm bảo tính pháp lý; thành phần hồ sơ thẩm định đã đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, UBND Thành phố Thanh Hóa cần làm rõ hơn lý do, sự cần thiết mở rộng đô thị Thanh Hóa về phía Tây (huyện Đông Sơn) và cơ sở lựa chọn các xã thuộc khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Thanh Hóa; cần chú trọng thực hiện các giải pháp xử lý rác thải, chất thải rắn; rà soát các bảng biểu, số liệu đảm bảo chính xác, thống nhất; tập trung cơ sở hạ tầng, công viên, cây xanh ở khu vực mở rộng; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Thanh Hóa; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quốc phòng, an ninh trên địa bàn và thực hiện tốt công tác quản lý đất an ninh, quốc phòng.
Hội đồng thống nhất bỏ phiếu thông qua Đề án phân loại đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đạt tiêu chí đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, với điểm số đạt 82/100 điểm.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh sự cần thiết mở rộng đô thị Thanh Hóa về phía Tây, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của đô thị Thanh Hoá đối với tỉnh Thanh Hoá, khu vực Bắc Trung Bộ cũng như khu vực Nam Đồng bằng Sông Hồng.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng Đề án, qua đó giúp tỉnh Thanh Hóa khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của mình, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND Thành Phố Thanh Hoá tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, sớm có giải pháp khắc phục những tiêu chuẩn chưa đạt tiêu chí đô thị loại I, chú trọng phát huy những tiềm năng, thế mạnh của đô thị Thanh Hoá; rà soát, đảm bảo sự chính xác, thống nhất của hệ thống bảng biểu, thông tin, số liệu trong Đề án để tỉnh Thanh Hóa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.
Đang tải...