Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
20/08/2024
hay đổi quy hoạch
Trở lại câu chuyện của chúng tôi với nguyên Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai Mai Sông Bé, ông cho rằng, KCN Biên Hòa 1 có tuổi đời hơn 50 năm, nay đã “hoàn thành sứ mệnh” của mình, lịch sử đã sang trang và sẽ tiếp nối bằng Khu Trung tâm chính trị - hành chính và đô thị - thương mại - dịch vụ. Ông Bé nói nôm na: “Hồi trước “dời đô” đến Tam Phước là không đúng rồi, xa trung tâm quá, nay khu đất xây dựng Trung tâm chính trị - hành chính được quy hoạch có địa thế đẹp, nằm trên một khu đất cao ráo, có thể nhìn ra sông Đồng Nai, bên kia là Nông Nại đại phố (Cù lao Phố phường Hiệp Hòa).
Để phát huy công năng, Đồng Nai cần phải có quy hoạch tốt về xây dựng, kiến trúc mới có sản phẩm hay, gắn kết với tổng thể quy hoạch chung của đô thị Biên Hòa, của tỉnh, chứ không quy hoạch theo kiểu tư duy nhiệm kỳ”.
Là người con của vùng đất Cù lao Phố (phường Hiệp Hòa), Kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng tỉnh Đồng Nai luôn đau đáu về quy hoạch kiến trúc đô thị ven sông Đồng Nai. Ông Chương nhớ lại, khoảng năm 2011 - 2012, Tổng Công ty Sonadezi tổ chức thi thiết kế cảnh quan cho cầu An Hảo nối Cù lao Phố và KCN Biên Hòa, được coi là tầm nhìn mới trong phát triển đô thị Biên Hòa giống như thành phố Đà Nẵng có cầu Rồng để du khách thập phương đến tham quan, thưởng ngoạn.
Ông Chương tham gia đề tài: “Đất lành, chim đậu” với điểm nhấn Nông Nại đại phố (Cù lao Hiệp Hòa) - thương cảng đông đúc, sầm uất một thời cùng hình ảnh cánh chim Lạc - biểu tượng cho quá trình di cư của người Việt về phương Nam. Vì nhiều lý do, đến nay dự án chưa được triển khai và thiết kế vẫn còn nằm trên giấy.
Cầu An Hảo nối Cù lao Phố với KCN Biên Hòa 1 được coi là tầm nhìn mới trong phát triển đô thị Biên Hòa. (Ảnh: Ly An) |
Theo ông Chương, hiện quy hoạch đã thay đổi với điểm nhấn là đưa Trung tâm chính trị - hành chính với quy mô 44ha, trong đó có 19ha xây dựng cơ quan hành chính, còn lại đất cây xanh, ven sông. Khu trung tâm có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi đến Quốc lộ 51, Quốc lộ 1, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, gắn kết hài hòa kiến trúc tổng thể đô thị dịch vụ Biên Hòa 1, các công trình kiến trúc với cảnh quan sông nước tạo nên khu trung tâm hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số hiện nay.
Ông Chương chia sẻ, việc xây dựng đô thị ven sông cần tránh xây bờ kè cứng, dựng đứng giống Công viên Nguyễn Văn Trị, bởi dựa vào mực nước cao nhất trong vòng 10 năm, khi mưa lớn, nước từ miệng cống thoát nước chảy ra sông bị đẩy ngược lại, tràn lên bờ; mặt sông bị che lấp nên đi dọc con đường bờ sông nhưng không thấy sông. Đô thị ven sông cần kết hợp kè cứng dưới mực nước thấp nhất chống sạt lở, kè mềm từ mặt nước thấp nhất đến taluy, tạo môi trường sinh học đa dạng cho các loài sinh vật cư trú và người dân thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông Đồng Nai.
Tạo ra sự đột phá
Còn theo chia sẻ của Thạc sỹ Thái Linh (Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam), KCN Biên Hòa 1 đã hoạt động trong nhiều năm nên đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất. Trong bối cảnh liên kết vùng, việc tái phát triển KCN Biên Hòa 1 là một chủ trương đột phá, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cho Đồng Nai và vùng phụ cận phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh.
Để tái phát triển KCN Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai cần tập trung cải thiện môi trường về mặt kỹ thuật, đồng thời tạo ra không gian xanh, cảnh quan hài hòa so với vị trí đặc thù ven sông. Ở các khu vực sông nước, cây xanh, công viên có thể được tích hợp để tạo ra môi trường sống tốt hơn cho người dân và nhân viên làm việc tại khu đô thị mới.
Cùng với cầu An Hảo, cầu Hiệp Hòa (phường Hiệp Hòa) nối Trung tâm thành phố Biên Hòa đến Cù lao Phố tạo nên mỹ quan đô thị Biên Hòa. (Ảnh: Nguyên Dũng) |
Đặc biệt, Đồng Nai cần gắn kết đô thị mới với Quốc lộ 1 và khu vực đô thị phía Tây Nam Biên Hòa cũ, giúp tăng khả năng cạnh tranh của dự án quy mô lớn. Trong đó, ưu tiên việc nâng cấp đường, cầu và hệ thống giao thông công cộng, kết nối với đường sắt đô thị số 1 của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kéo dài trong tương lai. Đồng Nai cần đánh giá việc kết nối giao thông thủy công cộng chuỗi sông Đồng Nai – Sài Gòn là một yếu tố gắn kết, nâng tầm khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1, thu hút du lịch, nhân lực.
Cùng với đó là việc phát triển đồng bộ khu chính trị, khu hành chính tỉnh và nhiều khu chức năng khác để đáp ứng yêu cầu khu đô thị hiện đại, thông minh, mang tính đột phá, giúp tạo ra môi trường sống đa dạng và thuận tiện cho sinh hoạt của người dân. Thạc sỹ Thái Linh khẳng định: “Một khu đô thị mới xanh với việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và xử lý chất thải hiệu quả là một hướng phát triển hiện nay. Cho nên việc tái phát triển KCN Biên Hòa 1 thành một khu đô thị mới cần hướng đến việc áp dụng công nghệ hiện đại, tối ưu hóa sử dụng nguồn tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường”.
Lãnh đạo địa phương cần tương tác với cộng đồng, lắng nghe ý kiến của người dân để đảm bảo tính bền vững, hài hòa và trong xu hướng phát triển kinh tế xanh và bền vững, việc tái phát triển KCN Biên Hòa 1 là một bước quan trọng để đảm bảo sự phát triển hiện đại, bền vững vùng Đông Nam bộ.
Chuyển tiếp dòng chảy lịch sử
Góp ý với quy hoạch sông Đồng Nai giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai rất chú trọng đến xây dựng đô thị ven sông. Theo ông Nguyên, qua kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, sự phát triển của những thành phố ven sông gắn liền với sự trong sạch của dòng sông, nước sông Đồng Nai phải sạch vì cung cấp cho hàng triệu người dân thành phố Biên Hòa và Thành phố Hồ chí Minh, Bình Dương.
Vấn đề kết nối giao thông cũng rất quan trọng, trong đó có xây dựng 2 tuyến đường ven sông xuyên suốt từ huyện Vĩnh Cửu – Biên Hòa – Long Thành – Nhơn Trạch. Tuyến đường ven sông gắn với tổ chức các hoạt động giải trí đa dạng và phù hợp tại khu vực ven sông, đồng thời phục hồi các tài nguyên văn hóa và lịch sử; xây dựng nhiều công viên, quảng trường ven sông, trong đó phải có quảng trường trung tâm quy mô lớn.
Đồng Nai hướng tới xây dựng một khu đô thị - dịch vụ - thương mại mới văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. (Ảnh: Nguyên Dũng) |
Ông Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh, việc xây dựng đô thị mới phải tính đến yếu tố lịch sử, phong tục tập quán địa phương, cảnh quan đô thị, bảo tồn thiên nhiên, mạng lưới tiếp cận và quản lý đất đai, dòng nước. Đô thị ven sông Đồng Nai có vai trò chuyển tiếp của dòng chảy từ lịch sử đến hiện tại nên phải mang tính biểu tượng, trong đó có thể phát triển các khu bến tàu thành khu kinh doanh phức hợp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, mang bản sắc riêng và trở thành niềm tự hào của người dân Đồng Nai.
Đang tải...