Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
02/04/2025
Theo quy định của Bộ Xây dựng suất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dưới 20 tầng từ 5,6 đến 8,8 triệu đồng/m2 và phân theo 8 vùng trên phạm vi cả nước, mức chênh lệch giữa vùng thấp nhất và cao nhất lên đến 10%.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại TP. Hà Nội, nhà ở xã hội đang chuẩn bị mở bán có giá dự kiến cao nhất là ở huyện Thanh Trì với mức 25 triệu đồng/m2; theo sau là quận Long Biên với 19,5 triệu đồng/m2; huyện Đông Anh là 18,4 triệu đồng/m2.
Tại toạ đàm "Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội" do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức, ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo quy định, giá bán nhà ở xã hội được xác định dựa trên chi phí đầu tư xây dựng cộng thêm lợi nhuận định mức (10%). Mức giá này được cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh thẩm định.
Theo ông Hải, nhà ở xã hội theo quy định là nhà chung cư. Hiện, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đều áp dụng Quy chuẩn 04/2021 và các quy chuẩn khác có liên quan; nhà ở xã hội so với nhà ở thương mại chỉ khác nhau là khống chế về diện tích căn hộ để giảm giá bán.
Cùng với đó, nhà ở xã hội được nhà nước ban hành một số cơ chế chính sách để giảm chi phí, giảm giá thành phù hợp với thu nhập của người dân nhưng chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn phải đảm bảo giống nhà ở thương mại, đầy đủ hạ tầng giao thông, xã hội…
Giá thành là chi phí đầu tư xây dựng được tính toán theo quy định của pháp luật. Việc nhà ở xã hội có sự chênh lệch với dự án khác nhau là do sự khác nhau về yêu cầu thiết kế, quy mô dự án. Ngoài ra, nếu sử dụng thiết kế mẫu, nhà lắp ghép giá còn khác biệt nữa.
Vị này còn cho biết, trước đây giá nhà ở xã hội dưới 20 triệu đồng/m2 nhưng nay tăng lên khoảng 25 triệu đồng/m2 là do ảnh hưởng của dự toán; chi phí nhân công và giá vật liệu đầu vào tăng.
Cũng về giá nhà ở xã hội hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài Chính - Tiền tệ Quốc gia đặt vấn đề có nên khống chế giá trần đối với nhà ở xã hội hay không?
“Mặc dù chúng ta đã đưa ra định mức lợi nhuận với dự án nhà ở xã hội là 10%, nhưng cực kỳ khó để xác định khi nào doanh nghiệp vượt định mức lợi nhuận. Công thức, cách làm có vẻ chưa hiệu quả. Vì vậy tôi nghĩ sang phương án khác, có thể khống chế giá trần, nhưng không phải vô tội vạ”, ông Lực cho hay.
Ngoài mức lợi nhuận hay giá bán, ông Lực còn cho biết, quy chuẩn nhà ở xã hội từ 2021 đang dần lạc hậu và cần có thêm quy chế mới ban hành. Đặc biệt, ông Lực cho rằng cần hệ sinh thái đối với nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở, có trường học, bệnh viện, giao thông đi lại, có điện, có nước.
Đồng thời, về quan hệ cung - cầu, ông Lực cho rằng nếu làm không khéo sẽ khiến nơi thừa, nơi thiếu.
“Trong giai đoạn 3 năm, 5 năm tới, địa phương cần dựa trên thực tế khu công nghiệp, doanh nghiệp, dân cư có nhu cầu như thế nào để đề xuất sát tình hình với Chính phủ, với Bộ Xây dựng về số lượng nhà ở xã hội đăng ký. Có thể, Bộ Xây dựng đã khảo sát, nhưng thời gian qua, có sự thay đổi rất nhiều trong các khu công nghiệp nên địa phương cũng cần phải khảo sát lại”, vị chuyên gia này cho hay.
Thực tế tại các địa phương với hàng nghìn dự án bất động sản bị lãng phí, trong đó có rất nhiều dự án nhà ở thương mại, hiện đang bị “treo”, bị bỏ hoang rất lãng phí, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nếu những dự án này tháo gỡ được sẽ giải phóng nguồn lực rất lớn.
Từ đó, ông Lực đề nghị xây dựng cơ chế chuyển đổi nhà ở thương mại đang bị bỏ hoang chuyển sang làm dự án nhà ở xã hội.
Đang tải...