Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
11/12/2023
Tên gọi: Đầu rồng thời Lý – Trần (Dragon head of the Ly & Tran Dynasty)
- Mã số: H37
- Vị trí công trình, hiện vật: Hoàng thành Thăng Long, Số 19C Hoàng Diệu, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội
- Tỷ lệ: 1/1
- Nơi trưng bày mô hình, hiện vật: Phòng trưng bày kiến trúc truyền thống Việt Nam - NECC
Rồng là biểu tượng của sự cao quý, sức sống vĩnh hằng và là sức mạnh vũ trụ nên hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong các kiến trúc cung đình, đình chùa, trang phục vua chúa. Họa tiết hình tượng con rồng cũng thay đổi theo dòng lịch sử trôi qua các triều đại. Trong đó, có lẽ hình tượng rồng qua hai triều đại Lý và Trần mang nhiều đặc điểm đặc trưng nhất qua ngàn năm phong kiến đất nước.
Họa tiết rồng thời Lý thường sẽ ngẩng đầu lên, miệng chúng thì há to, mép trên của miệng chúng không có mũi, kéo dài ra thành một cái vòi uốn mềm mại, thân hình vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối người. Chúng ta sẽ thấy một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, chúng được uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên miệng, có trường hợp răng nanh rất dài, chúng uốn lượn mềm mại để vươn lên, hoặc để với vòi lên bao lấy viên ngọc.
Thân hình rồng dài, dọc sống lưng có một hàng vảy mọc thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu vây trước tua vào hàng vây phía sau. Bụng là đốt ngắn như bụng của rắn, có bốn chân, mỗi chân sẽ có ba ngón phiá trước và không có ngón chân sau. Vị trí của chân chúng bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định.
Chân trước sẽ mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân đối xứng với phía bên kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau của rồng bao giờ cũng ở nằm gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân của chúng đều có khủy phía sau và có những móng giống chân loài chim.
Từ nửa cuối của thế kỷ XIV, con rồng đã rời khỏi kiến trúc cung đình để góp mặt trong các kiến trúc dân dã, không những chúng chỉ có trên điêu khắc đá và gốm, mà chúng còn xuất hiện trên điêu khắc gỗ ở chùa. Chúng cũng không chỉ có ở những vị trí trang nghiêm mà rồng còn có mặt ở những bậc thềm (như ở chùa Phổ Minh). Thân rồng thời Trần vẫn giữ dáng dấp như thời kỳ nhà Lý, với những đường cong tròn nối nhau, những khúc trước lớn, những khúc sau nhỏ dần và kết thúc như đuôi rắn. Vẩy ở lưng vẫn thể hiện từng chiếc, nhưng không tựa đầu vào nhau như các rồng thời Lý.
Có khi vảy lưng của chúng có dạng hình răng cưa lớn, nhọn, đôi khi từng chiếc vẩy rồng được chia thành hai tầng. Chân rồng thường sẽ ngắn hơn, những túm lông ở phần khủy chân không bay ra theo một chiều nhất định như con rồng thời Lý mà lại bay lên phía trước hay phía sau tùy thuộc vào các khoảng trống trên bức phù điêu. Và có sự xuất hiện chi tiết của cặp sừng và đôi tay.
Đầu rồng không có nhiều sự phức tạp như rồng thời Lý. Họa tiết rồng thời Trần vẫn có cái vòi hình lá, vươn lên trên nhưng chúng không uốn nhiều khúc. Chiếc răng nanh phía trước của chúng khá lớn, vắt qua sóng vòi. Miệng rồng há to nhưng nhiều khi sẽ không đớp quả cầu.
Họa tiết rồng thời Trần lượn khá thoải mái với những động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Thân rồng thường sẽ mập chắc, tư thế sẽ vươn về phía trước. Cách thể hiện trên họa tiết rồng thời Trần không chịu những quy định khắc khe như họa tiết rồng thời Lý.
Đang tải...