Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Đầu sư tử chạm đá chùa Bà Tấm, thế kỷ XII, Hà Nội

Clock

21/12/2023

Tượng đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm hiện được đặt trang trọng tại tòa Tam bảo của chùa. Đây là hai bệ đặt tượng Phật tạo hình hai con sư tử, được nghệ nhân chú tâm diễn tả bộ mặt với thần thái uy nghi và sống động, mà không quan tâm tới hình thể, tạo nên một sự khác biệt, với sự pha trộn giữa tượng tròn và phù điêu, mà phù điêu vốn là một thế mạnh trong nghệ thuật điêu khắc thời Lý, ta đã được chiêm ngắm qua các lan can thành bậc và viền bia của thời đại này còn lại đến hôm nay.

Cả hai tượng sư tử được tạo tác trong tư thế nằm thủ phục, đường nét mềm mại, mang vẻ đẹp vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ. Các hình khối trên mặt sư tử được nhấn mạnh qua những nét đục, chạm vừa uyển chuyển, vừa khỏe khoắn: Trán sư tử ngắn, tựa như trán lạc đà, giữa trán chạm chữ “Vương” biểu hiện quyền năng tối thượng của linh vật. Dưới chữ “Vương” là một u tròn lớn được viền quanh nhiều u tròn nhỏ, dưới đó là chiếc mũi to bè, chạm nhiều đường cong song hành, đều đặn. Mắt giọt lệ kép, viền phía trên là hàng hoa văn dấu hỏi tròn (cánh hoa cúc) để cùng với khối mắt to, lồi, tạo nên một ấn tượng mạnh trước những đệ tử chiêm bái.

Tuy nhiên, để tạo được “hồn” cho đôi mắt, nghệ nhân đã tạo cho đôi mắt ấy hàng mi cong uốn lượn, đuôi mắt vuốt dài, khiến có được cảm giác thanh thoát, uyển chuyển, mà nghệ thuật điêu khắc thời Lý đã đạt tới đỉnh cao. Miệng sư tử mở rộng để lộ hàm răng, lưỡi đỡ viên ngọc, quanh mép là băng hồi văn xoắn ốc. Má chạm nổi băng hoa nhiều cánh xoắn ốc. Cổ đeo dây lục lạc. Tai sư tử đặt trên mang bạnh, sau mang là những bờm tóc thể hiện bằng nhiều hàng hoa văn xoắn móc. Chân sư tử có 5 móng chim ưng, đang trong tư thế động.

Theo Phật giáo, hình tượng sư tử là hiện thân của sức mạnh trí tuệ, song với những biểu tượng của tinh tú trên thân, sư tử đá chùa – đền Bà Tấm còn mang ý nghĩa cõng bầu trời chuyển động.

Theo sử sách và nguồn tư liệu thành văn, cùng kết quả khai quật khảo cổ học nhiều mùa tại chùa – đền Bà Tấm đã chứng minh di tích này được xây dựng từ thời Lý. Những giá trị vật chất hiện còn tại đây cho thấy đôi sư tử chùa - đền Bà Tấm là hiện vật gốc gắn liền với di tích này ngay từ khi khởi dựng.

Đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm là một biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá, thể hiện bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ cao của nghệ nhân thời Lý. Không bị dập khuôn theo một hình mẫu nhất định, nghệ nhân đã thực sự sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, mang đậm dấu ấn thời đại mà nó được sản sinh. Điều đó đòi hỏi một sự hội tụ của trí tuệ, của óc tưởng tượng, của tình cảm và tài nghệ điêu luyện của những nghệ nhân bậc thầy, để có thể sáng tạo nên những tác phẩm quý giá như thế. Đây là hai trong số không nhiều loại hình hiện vật tiêu biểu về nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý hiện biết cho đến nay ở nước ta.

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...