Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Giải pháp phát triển đô thị ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu

Clock

06/11/2024

Ngày 25/10/2024, Hiệp hội các đô thị Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) tổ chức hội thảo "Quy hoạch hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị ven biển thích ứng biến đổi khí hậu".

Tại đây, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước các đô thị (thành phố, thị xã) tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra các giải pháp giúp TP Tuy Hòa nói riêng và các đô thị khu vực Nam Trung Bộ nói chung phát triển theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

ThS. KS ĐOÀN TRỌNG TUẤN (ảnh bên) đại diện VIỆN QUY HOẠCH ĐÔ THỊ NÔNG THÔN QUỐC GIA (VIUP) trình bày bài: Thiết kế không gian trữ nước và thảm xanh chống ngập lụt đô thị.

Ở cấp độ công trình dùng biện pháp kiểm soát nguồn, tức là dòng chảy được quản lý càng gần nguồn phát sinh càng tốt. Việc này giảm thiểu tối đa lượng nước mưa có thể tạo ra dòng chảy bề mặt giúp giảm áp lực cho các giải pháp thoát nước cấp độ tiếp theo cũng như giảm thiểu lan truyền ô nhiễm nước.

Để kiểm soát nguồn có thể lựa chọn các cách như làm mái xanh; mặt lát thấm; thu, trữ nước mưa và tái sử dụng; xây dựng hệ thống bể ngầm chứa, lọc, thấm nước.

Ở cấp độ khu vực tiến hành quản lý nước mưa bằng các biện pháp như làm chậm dòng chảy, thẩm thấu, lưu giữ, lắng đọng chất ô nhiễm, lắng cặn với tính năng và cơ chế xử lý khác nhau. Phương án lựa chọn gồm dải lọc, mương xanh, hào thấm, lọc sinh học.

Ở cấp độ vùng, phương án là quản lý dòng chảy hạ lưu cho toàn bộ khu vực hoặc lưu vực. Các giải pháp cụ thể có thể áp dụng gồm làm ao giữ nước tạm thời bán ngập, ao trữ nước, khu đất ngập nước nhân tạo.

 

PGS.TS LÊ HOÀNG AN, VIỆN KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN GTVT THUỘC TRƯỜNG ĐẠI HỌC GTVT TP HỒ CHÍ MINH: Chỉnh trang vỉa hè bằng bê tông HPC với tính thẩm mỹ và độ bền vững cao.

Bê tông HPC (High Performance Concrete) là bê tông tính năng cao được chế tạo trên cơ sở cấp phối tối ưu hóa các thành phần hạt cốt liệu hoặc các cốt sợi (gồm sợi thép hoặc sợi tổng hợp). Bê tông nhờ đó có độ dẻo, có khả năng tự lèn cao, chịu kéo uốn và hạn chế các tác động đầm rung.

Bê tông này có thể khắc phục được những hạn chế của ba kết cấu thông dụng trong công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị là tấm chắn rác, nắp hố ga và bó vỉa. Ngoài ra, cấp phối bê tông tính năng cao có thể sử dụng thêm các loại phụ gia khoáng như tro bay, xỉ lò cao, tro trấu hoặc đá nghiền để thay cát.

Đây là phế phẩm của nhà máy nhiệt điện, khi được tận dụng thay thế cát sẽ đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường. Bê tông HPC còn có độ bền cao do thành phần cốt liệu mịn nên lỗ rỗng bên trong rất ít, chống được xâm thực vào bên trong bê tông, chống rêu mốc và các yếu tố hóa lý tác động từ môi trường bên ngoài.

 

PGS.TS TRẦN CHỦNG, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM: Tăng độ bền và tuổi thọ khai thác các công trình giao thông.

Bảo đảm chất lượng các công trình bằng các giải pháp kỹ thuật chủ động. Trong đó, công tác khảo sát, thiết kế, thi công ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại phục vụ công tác điều tra, khảo sát, đo đạc địa hình, địa mạo, định vị hệ tọa độ để chọn tuyến chuẩn xác hạn chế các tai biến khó lường do thiên tai.

Để thân thiện với môi trường, công tác thiết kế trong ngành Giao thông phải tuân thủ nguyên tắc như muốn làm đường qua núi phải đào hầm; qua thung lũng phải bắc cầu; sử dụng vật liệu chất lượng cao và công nghệ thi công tiên tiến. Các địa phương cần có tầm nhìn xa hơn và nếu chưa đủ nguồn tài chính thì đừng làm còn hơn làm công trình chỉ có tuổi thọ quá ngắn…

Đối với vận hành và quản lý công trình, tuổi thọ công trình phụ thuộc rất nhiều vào công tác quản lý khai thác, vận hành và bảo trì. Công nghệ duy tu sửa chữa đường bộ được nghiên cứu, áp dụng theo định hướng tăng độ bền, đơn giản thi công, thân thiện với môi trường, giảm giá thành. Cần sớm nghiên cứu cơ chế xã hội hóa công tác bảo trì trên cơ sở đấu thầu bảo trì công trình để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng thực hiện.

Mô hình đầu tư công, quản lý tư đang được Chính phủ kiến nghị áp dụng đối với các đường cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước sẽ là cơ hội tốt để áp dụng hình thức hợp đồng O&M (vận hành và quản lý) của phương thức đầu tư PPP, tạo thêm nguồn vốn tái đầu tư cho các hệ thống đường cao tốc trong tương lai nhưng cũng góp phần quan trọng nâng cao tuổi thọ công trình.

 

PGS.TS LƯU ĐỨC HẢI, VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU ĐÔ THỊ VÀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG: Khai thác tiềm năng theo hướng bền vững.

Với điều kiện khí hậu và nhiệt độ, khu vực Nam Trung Bộ nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng có tiềm năng trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Hai năng lượng này là yếu tố quan trọng giúp khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Bờ biển dài giúp phát triển các ngành thủy sản, du lịch biển, cảng biển và logistics. Để phát triển bền vững, cần hướng tới nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc phát triển nghề cá thích ứng với thay đổi về sinh thái biển.

Cùng với đó là phát triển du lịch biển bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng xanh, đồng thời phát triển du lịch sinh thái để khai thác các giá trị bền vững từ tự nhiên mà không gây hại đến môi trường. Hệ thống cảng biển giúp thúc đẩy kinh tế địa phương và tạo điều kiện tốt hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua việc phát triển hệ thống giao thông xanh, tối ưu hóa hoạt động logistics và giảm lượng khí thải trong quá trình vận chuyển.

Khai thác tối ưu hóa tính năng của đô thị thông minh để giám sát và quản lý tài nguyên nước, năng lượng và giao thông. Cụ thể, hệ thống cảm biến có thể giám sát lượng mưa và lũ lụt, cung cấp dữ liệu thời gian thực giúp các cơ quan chức năng phản ứng nhanh khi xảy ra lũ lụt, thiên tai…

 

KTS. PIERRE, HUYARD, TỔNG GIÁM ĐỐC KHU VỰC CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG CÔNG TY HUNI ARCHITECTES: Quan tâm đến vi khí hậu đô thị để hoàn chỉnh quy hoạch đô thị.

Vi khí hậu đô thị là khí hậu cục bộ trong một khu vực nhỏ ở cấp độ khu phố, tòa nhà, hoặc một cụm công trình trong thành phố. Khác với khí hậu toàn cầu hay khu vực, vi khí hậu đô thị chịu tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố nhân tạo như kiến trúc, vật liệu xây dựng, giao thông và hoạt động con người.

Vi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của cộng đồng dân cư. Việc quan tâm đến vi khí hậu đô thị trong công tác quy hoạch nhằm đảm bảo đô thị phát triển hài hòa với điều kiện tự nhiên, môi trường sống thân thiện, giảm thiểu tác động tiêu cực đến cư dân và hệ sinh thái.

Vì vậy, công tác quy hoạch đô thị cần phải xem xét và tích hợp các yếu tố vi khí hậu để giảm thiểu các tác động tiêu cực, đồng thời tối ưu hóa các điều kiện tự nhiên để mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng, tạo ra môi trường sống thoải mái, lành mạnh và bền vững.

Trên thế giới, nhiều đô thị đưa vi khí hậu vào quy hoạch, từ đó hình thành xu hướng đô thị tương lai với các yếu tố gồm thân thiện với vi khí hậu; tăng cường không gian xanh đô thị; hạ tầng bền vững; giao thông bền vững; thu gom và quản lý nước mưa; sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; phát triển các công trình xanh…

(Nguồn:baophuyen.com.vn)

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...