Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
06/05/2020
UBND TP. Hà Nội vừa có chỉ đạo về giải pháp tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến thủ tục quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp thuộc khu vực ngoài phạm vi phát triển đô thị trên địa bàn thành phố.
Phối cảnh dự án xây dựng khu công nghiệp. Ảnh minh họa
Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, được hình thành trước khi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực. Tổng diện tích các cụm công nghiệp theo hiện trạng là 1.330ha, đã thu hút được 3.864 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với khoảng 57.255 lao động, tổng vốn đăng ký đầu tư là 7.400 tỷ đồng, tổng doanh thu gần 7.000 tỷ đồng.
Trong số này có 3 cụm công nghiệp tập trung gồm cụm công nghiệp Chương Mỹ rộng 50 ha; cụm công nghiệp Sơn Tây rộng 70 ha; cụm công nghiệp Phúc Thọ rộng 55 ha.
Sau khi nhận được báo cáo giải pháp tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến thủ tục quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp thuộc khu vực ngoài phạm vi phát triển đô thị trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội đã đồng ý nguyên tắc phân loại và giải quyết thủ tục quy hoạch 3 trường hợp cụm công nghiệp theo báo cáo, đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Cụ thể, trường hợp 1 (có đủ 2 điều kiện), cụm công nghiệp có trong quy hoạch xây dựng (quy hoạch thô thị) và có trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP. Hà Nội.
Trong trường hợp này Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt quy hoạch chi tiết và lấy ý kiến thống nhất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Trường hợp 2 (có 1 trong 2 điều kiện), cụm công nghiệp có trong quy hoạch (quy hoạch đô thị) nhưng không có trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP. Hà Nội hoặc ngược lại.
Trong trường hợp này Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát từng trường hợp cụ thể, báo cáo Thành phố xem xét, quyết định.
Trường hợp 3 (không đáp ứng điều kiện nào), cụm công nghiệp không có trong quy hoạch xây dựng (quy hoạch đô thị) và quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP. Hà Nội.
Trường hợp này tạm thời giữ nguyên hiện trạng tồn tại cụm công nghiệp (có thời hạn), từng bước di dời, chuyển đổi chức năng theo Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có liên quan, trên cơ sở xác định, phân loại các cụm công nghiệp theo 3 trường hợp nêu trên. Bên cạnh đó, giải quyết thủ tục quy hoạch, đầu tư, đất đai theo chức năng và thẩm quyền, báo cáo UBND TP. Hà Nội theo quy định.
(Nguồn:chinhphu.vn)
Đang tải...