Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Mô hình quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Clock

11/12/2023

Mô hình quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Chào mừng các bạn đến với mô hình quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trước mắt các bạn, là thủ đô Hà Nội tương lai - thủ đô ngàn năm tuổi của Dân tộc Việt Nam.

Hà Nội là môt thủ đô đã trải qua nhiều biến động lịch sử quan trọng, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến không gian kiến trúc của thành phố. Trong thế kỷ 20, Hà nội đã nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch. Lúc mang dáng dấp một đô thị châu Âu, lúc lại được mở rộng địa giới, phát triển đa cực, đơn cực.Đồ án quy hoạch năm 1998 đánh dấu một bước chuyển biến nghiên cứu sâu sắc về quy hoạch Thủ đô. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đô thị, những áp lực bắt đầu xuất hiện. yêu cầu về một quy hoạch mới đã được đặt ra. Ngày 29.5.2008, Quốc hội nước Việt Nam đã ra nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh hành chính địa giới Thủ đô Hà nội từ 921 km2 lên thành 3.344,6 km2 - với tổng dân số là 6.499 triệu người.  Theo đó, Thủ đô Hà nội mới bao gồm Thành phố Hà nội cũ, toàn bộ tỉnh Hà tây, Huyện Mê linh - Tỉnh Vĩnh phúc và 4 xã thuộc Huyện Lương sơn - Tỉnh  Hòa bình. Với các đơn vị hành chính gồm 10 quận, 1 thị xã, và 18 huyện ngoại thành. Mục tiêu xây dựng Hà nội thành một thành phố Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại; Xứng tầm là Trung tâm chính trị, Hành chính, Trung tâm Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục, Đào tạo và Khoa học Công nghệ quan trọng của cả nước, đồng thời là một trong những Trung tâm kinh tế, giao dịch, Du lịch,và  thương mại  của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà nội đã có ý tưởng phát triển 70% dành cho không gian xanh, còn lại, 30% là dành cho không gian đô thị. Không gian đô thị được phát triển theo mô hình Chùm đô thị , gồm một đô thị trung tâm hạt nhân, 5 đô thị vệ tinh , 3 đô thị sinh thái cùng các thị trấn hiện hữu khác. Hệ thống đô thị này được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mỗi liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và Quốc gia. Phát triển không gian đô thị được dựa trên kết nối các yếu tố tự nhiên và văn hóa truyền thống, như hệ thống sông hồ, làng mạc hiện hữu, giữ gìn bản sắc văn hóa và làng nghề. Đô thị hạt nhân và các thành phố vệ tinh được gắn kết với nhau qua hệ thống giao thông công cộng đồng bộ cùng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại khác. Giữa các đô thị, là các khoảng không gian xanh có chức năng vùng đêm, tạo cảnh quan, hình thành không gian văn hóa giải trí ngoài trời và tăng cường màu xanh cho thành phố.

Sau đây, chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu mô hình phát triển không gian Thủ đô Hà nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đô thị Trung tâm hạt nhân được xác định là Trung tâm Chính trị, Văn hóa, Lịch sử, Dịch vụ, Y tế đào tạo chất lương cao không chỉ của Khu vực Hà nội  mà còn là của cả nước. Đô thị Trung tâm gồm 2 khu vực - Khu vực nội đô hiện hữu - chủ yếu bảo tồn cải tạo, hạn chế xây dựng mật độ cao và các công trình cao tầng và Khu vực mở rộng được phát triển theo hướng hiện đại và xây dựng nhiều công trình cao tầng.

Khu vực nội đô hiện hữu là khu vực kiểm soát gia tăng dân số, đặc biệt là khu vực đường vành đai 2 trở vào, với nhiều di sản di tích của vùng văn hóa Thăng long cổ và Văn hóa Tràng an cần thiết phải bảo tồn. Khu vực này sẽ được cải thiện về hạ tầng, chỉnh trang kiến trúc, cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái.

Khu vực mở rộng phía nam sông Hồng là chuỗi khu đô thị phía đông đường vành đai 4, bao gồm Đan phượng, Hoài đức, Hà đông, Thường tín. Đây là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, thương mại, tài chính cấp vùng và quốc gia, với mật độ cao, dân số dự kiến khoảng 1,2 đến 1,3 triệu người, được ngăn cách với khu vực nội đô hiện hữu bằng vùng đệm vành đai xanh sông Nhuệ. Chuỗi khu đô thị mới này sẽ góp phần thu hút rất lớn dân số dịch chuyển từ trong nội đô thành phố ra ngoài, và tiếp nhận nhiều dự án từ hơn 750 đồ án, dự án đang được rà soát, cập nhật.

Khu vực mở rộng phía bắc sông Hồng gồm các đô thị Gia lâm, Yên Viên, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, có số dân dự kiến khoảng 1,7 đến 1,9 triệu người. Đây là một bộ phận thiết lập đô thị trung tâm nhằm đảm bảo ý tưởng chủ đạo đô thị Hà nội là thành phố hai bên sông. Đây sẽ là các không gian văn hóa, lấy cây xanh., mặt nước là chủ đạo, hình thành trục động lực kinh tế cầu Nhật Tân - Nội Bài, gắn với Trung tâm Tài chính., Thương mại, Dịch vụ.

Các đô thị vệ tinh, mỗi đô thị sẽ mang những chức năng đặc thù riêng, đồng thời sẽ hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm hạt nhân về nhà ở, về đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ và giải quyết công ăn việc làm cho người dân bản địa cũng như dân nhập cư.

Đô thị Sóc sơn - đô thị công nghiệp dịch vụ hàng không

Đô thị Sơn tây - Đô thị Văn hóa du lịch

Đô thị Hòa lạc - Đô thị khoa học công nghệ

Đô thị Xuân mai - Đô thị dịch vụ công nghiệp

Đô thị Phú xuyên Phú Minh - Đô thị công nghiệp phục vụ nông nghiệp, đầu mối giao thông vùng

Các đô thị vệ tinh này được kết nối với đô thị trung tâm bởi các tuyến giao thông bắc nam, đông tây, tây bắc, đông nam, tây nam và đông bắc. Ngoài ra chúng được kết nối với nhau bằng hệ thống đường vành đai bắc nam Phúc thọ, Phú xuyên và đường vành đai 5.

3 thị trấn sinh thái là Phúc thọ, Quốc oai, Trúc sơn được nâng cấp từ các thị trấn hiện hữu, có chức năng dịch vụ tổng hợp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp làng nghề và giải quyết việc làm tại chỗ. Các đô thị này được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo phát triển hài hòa với môi trường cảnh quan xung quanh và các khu dân cư lân cận.Các thị trấn - Định hướng đến năm 2030 có 9 thị trấn đô thị hóa vào đô thị trung tâm, 5 thị trấn phát triển thành các đô thị vệ tinh và đô thị sinh thái, 8 thị trấn hiện có vẫn là trung tâm huyện và trung tâm hỗ trợ vùng nông thôn, lập thêm 2 thị trấn, thị tứ mới tại phía bắc sông Hồng là trung tâm huyện lỵ của các xã còn lại thuộc phía bắc sông Hồng.

Hà nội xanh, với mục tiêu xây dựng Hà nội là thành phố xanh bền vững về môi trường, gắn kết hài hòa các yêu tố tự nhiên, xã hội, con người - Một thành phố cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển mới

Quy hoạch chung Hà nội đưa ra ý tưởng xây dựng hệ thống mạng lưới không gian xanh, nhấn mạnh vào những hình ảnh đặc trưng về cây xanh, mặt nước của Hà nội. Đó là hành lang xanh, vành đai xanh, không gian xanh, các nêm xanh và các trục không gian xanh  trong thành phố. Hành lang xanh là không gian bảo tồn vùng nông nghiệp, nông thôn, hạn chế sự phát triển lan tỏa của đô thi trung tâm, các đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái. Vành đai xanh tạo không gian đệm phân tách giữa khu vực đô thị cũ và đô thị mở rộng của đô thị trung tâ, kiểm soát phát triển, đồng thời là không gian mở tự nhiên gắn với hoạt động công cộng ngoài trời, bảo vệ xóm làng hiện hữu. Các nêm xanh kết nối giữa vành đai xanh và hàng lang xanh, phân tách giữa các chuỗi đô thị mở rộng của đô thị trung tâm, cùng những công viên, mặt nước, tạo nên các không gian xanh đa dạng, tiêu biểu cho thủ đô, tạo điều kiện cho tất cả người dân thành phố được tiếp cận với không gian mở.

Hà nội văn hiến - những giá trị về văn hóa và truyền thống lâu đời của Hà nội sẽ vẫn được giữ gìn và tôn vinh để Hà nội mãi là biểu tượng văn hiến, nơi sáng lập những giá trị đặc trưng của Thủ đô nước Việt nam xã hội chủ nghĩa, và là nơi quy tụ và đào tạo những nhân tài cho đất nước.  Những không gian văn hóa nội đô quen thuộc hay những không gian văn hóa nổi tiếng đất kinh kỳ đều được bảo tồn, tôn vinh. Ngoài ra, để phát huy và kết nối các nền văn hóa tiêu biểu xứ Đoài, văn hóa Hòa bình, văn hóa Tràng an, Quy hoạch chung đề xuất xây dựng những Trung tâm văn hóa của Thủ đô và của Quốc gia , gắn với hành lang sông Hồng, khu vực thành Cổ loa, thành cổ Thăng long, Tây Hồ Tây và trên trục Ba vì - Hồ Tây. Quy hoạch lại hệ thống các trường đại học để đào tạo nhân tài cho đất nước

Hà nội văn minh, hiện đại - đôthị Hà nội sẽ gắn liền với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ với các trục hướng tâm và các tuyến vành đai, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông thông qua phát triển mạng giao thông  công cộng xe buýt nhanh, hệ thống 6 tuyến tàu điện ngầm và các hệ thống đường tầng từ vành đai 3 trở vào. Quy hoạch hệ thống điện, cấp nước, thoát nước được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo khả năng phòng chống lũ lụt cũng như khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hệ thống hạ tầng xã hội được cải thiện đáng kể với mục tiêu "Vì con người", đạt chuẩn quốc gia về mục đích sử dụng, thông qua cơ cấu để giảm tải cho khu vực trung tâm và chia sẻ chức năng cho các khu vực phát triển đô thị.

 Hạ tầng kinh tế cũng được định hướng tạo sức cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Trong tương lai, hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo sẽ có cơ sở vật chất tốt hơn. Các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng sẽ được di chuyển ra ngoài nội đô,đến các đô thị vệ tinh. Các bệnh viện được cải tạo, nâng cấp bên cạnh các tổ hợp công trình y tế đa chức năng chất lượng cao, được xây dựng mới tại khu vực ngoại ô Hà nội.  Người dân Hà nội sẽ có cơ hội nghỉ ngơi tốt hơn với các không gian du lịch được quy hoạch cho  nghỉ ngơi cuối ngày, cuối tuần, tại các huyện ngoại thành phía nam, phía bắc sông Hồng. Hệ thống thể dục thể thao cũng được hoàn thiện với Trung tâm thể thao quốc gia Mỹ đình, xây mới khu thể thao thành phố Hà nội phía bắc sông Hồng, phục vụ ASIAD hoặc OLYMPIC trong tương lai, với 200 ha. Sẽ không còn các khu công nghiệp ô nhiễm trong thành phố, thay vào đó là các công trình dịch vụ, các công viên cây xanh hoặc nơi vui chơi giải trí cho tất cả mọi người. Các khu hội chợ triển lãm thương mại quốc tế cùng các trung tâm buôn bán và mua sắm cấp vùng, cấp khu vực sẽ cùng làm tôn thêm vẻ đẹp  hiện đại và nét năng động của thành phố, đem lại tiện ích và phát triển kinh tế cho Thủ đô. Khu vực sông Hồng sẽ là khu vực có cảnh quan đẹp, hấp dẫn. Khu vực giữa vành đai 3 ,4 sẽ là khu phát triển đại diện cho một Hà nội vươn cao

Tất cả trong một Hà nội hòa bình, một thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Một Thủ đô hiện đại đầy sức sống của nước Việt nghìn năm. Để hình ảnh rồng thiêng Thăng long Hà nội mãi vút bay.

 

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...