Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Mô hình, Sa bàn nhà ở truyền thống

Clock

10/10/2023

Kiến trúc nhà ở truyền thống và việc tổ chức môi trường sống cộng đồng của các dân tộc trên đất nước Việt Nam là một hệ thống di sản quý giá. Tuy nhiên kiến trúc nhà ở không phải là một di sản bất biến, một mô hình cứng mà trái lại nó luôn biến đổi theo thời gian, thích ứng, kế thừa với những biến đổi của môi trường sống, từ tự nhiên tới xã hội.

1. Nhà Bắc Bộ

- Điểm đầu tiên có thể thấy qua từng nếp nhà truyền thống đó là sự cân xứng của chúng. Nếu chia căn nhà ra thành 2 phần bằng nhau ta sẽ thấy thiết kế của hai bên là giống hệt nhau. Yếu tố này rất quan trọng, bởi vì theo quan niệm phương Đông sự cân bằng, hài hòa là hình thái đẹp nhất phù hợp với quy luật vận hành của vũ trụ. Không chỉ vẻ bề ngoài của căn nhà, các thiết kế nội thất bên trong cũng được làm rất cân bằng. Điển hình nhất là sự bố trí, sắp đặt gian thờ. Các nội thất đồ thờ đều được sắp xếp đối xứng với nhau qua bố cục chính giữa của gian thờ.

- Nói đến căn nhà ta thường nghĩ nhiều hơn về tính cá nhân, riêng tư của chúng. Tuy nhiên với nhà truyền thống Bắc Bộ không gian sinh sống còn được thiết kế phù hợp với cả sinh hoạt cộng đồng làng xóm. Đầu tiên, những gian của căn nhà ở truyền thống Bắc Bộ thường được làm thông với nhau. Trừ những gian cần sự riêng tư như: gian buồng ngủ, gian cất trữ lương thực,… Không gian rộng rãi này là nơi mọi người tổ chức các sinh hoạt cộng đồng như ăn uống tụ tập con cháu, xóm làng. Sự gắn kết cộng đồng là một phần không thể thiếu của những ngôi nhà truyền thống Bắc Bộ. Thể hiện rõ tinh thần gắn kết của người Việt.

- Những căn nhà truyền thống Bắc Bộ được thiết kế theo hình khối giản lược, kết cấu đơn giản, khiêm tốn. Điều này có liên quan mật thiết đến tính cách của người dân ta: không phô trương, không xa hoa luôn chân chất, giản dị. Tuy nhiên sự đơn giản đó không mang ý nghĩa tuềnh toàng, tạm bợ. Từng nếp nhà cổ đều rất được chăm chút, đục chạm hoa văn tinh xảo thể hiện sự sang trọng của gia đình.

- Nhà truyền thống Bắc Bộ được làm từ bộ khung vững chãi từ gỗ tự nhiên. Bộ khung này được cấu thành từ rất nhiều hệ thống cấu kiện khác nhau như: hệ thống cột, hệ thống xà, hệ thống kẻ, hệ thống chồng rường, hệ thống kết cấu mái,….

- Một điểm có thể thấy rõ khi tham quan những căn nhà truyền thống Bắc Bộ đó là không gian sống và không gian thiên nhiên được làm giao hòa với nhau. Theo đúng kết cấu, kiến trúc cổ nhà nào cũng sẽ thiết kế cho mình một khu vườn.Khu vườn trồng cây xanh có rất nhiều tác dụng. Trước tiên, nó mang đến bầu không khí trong lành rất tốt với sức khỏe của gia đình. Tiếp đó, cây xanh còn có tác dụng điều hòa không khí, cản gió mùa Đông Bắc, cản gió nồm ẩm thổi vào trong căn nhà. Và kế đó, vườn cây là nơi gia đình sử dụng thành khu vực tăng gia sản xuất, trồng rau củ, cây ăn quả,..

2. Nhà cổ Đường Lâm

Đây chính là mô hình nhà của ông Hà Nguyên Huyến tại xóm Xui, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đây là kiểu nhà tiêu biểu cho nhà cổ ở vùng Bắc Bộ, có niên đại lên tới 200 năm.

 Cấu trúc khuôn viên gồm: nhà chính, 3 nhà phụ, khu vệ sinh, sân, giếng nước, bể nước mưa, cổng. Nhà chính: có hình khối và quy mô lớn hơn các công trình khác dùng để ở, thờ cúng, tiếp khách. Ngôi nhà chính được đầu tư công phu hơn những thành phần khác trong nhà về cả hình thức kiến trúc, vật liệu 

xây dựng… Nhà phụ ( nhà ngang): có tác dụng bổ trợ cho nhà chính về một số chức năng hoạt động, sinh hoạt và làm nghề phụ - làm tương. Sân: có hình chữ nhật vuông vắn phía trước nhà chính, sân vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ sinh hoạt, vừa tạo được sự thông thoáng cho nhà chính, sân là nơi tiến hành nghề thủ công.

 Cổng nhà được thiết kế dạng 2 tầng. Tầng trên có 2 mái, bờ nóc có đắp hoa văn trang trí bằng chất liệu vôi vữa. Tầng dưới cũng có dạng 2 mái, lợp ngói mũi để che cho lớp cánh cửa kiểu xoay. Đây là một hình thức cánh cửa khá phổ biến và đặc trưng ở Đường Lâm.

 Ngôi nhà chính gồm 5 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc. Nội thất thiết kế theo lối nội tự ngoại khách: 3 gian chính giữa ngôi nhà, áp sát tường hậu là nơi bài trí bàn thờ, ngăn cách với phía ngoài nơi tiếp khách bằng ngưỡng cửa gỗ. Nhà có hiên nhỏ, gian giữa tạo vách ngăn với bậc thềm và sân nhà bằng tấm giại gỗ cách điệu kiểu thượng song hạ bản, hai cột hiên chính có treo đôi câu đối. Nhà mở hai cửa chính hai bên gian giữa, cửa kiểu thượng song hạ bản; 2 gian dĩ xây tường kín mặt tiền mở cửa sổ hai bên.

Ngôi nhà gắn liền với mảnh sân trước nhà là một cảnh quan quen thuộc, đặc trưng, điển hình, vì dân ở đấy họ quen với những thứ nhỏ bé, các khoảng cách, cự ly không gian vừa phải, ấm cúng.

Đây cũng là công trình chính thể hiện được kiến trúc địa phương qua vật liệu được xây bằng gạch ong, tạo điểm nhấn về vật liệu cho vùng đồi gò trung du Bắc bộ. Ngôi nhà còn gìn giữ được gần như nguyên vẹn quy mô, chiều cao, màu sắc, hình thức, thể loại, vật liệu xây dựng, chức năng...vv.

3. Sa bàn làng cổ Đường Lâm

Xã Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây, nằm bên bờ phía Nam sông Hồng, cạnh Quốc lộ 32, nằm trong vùng chân núi Ba Vì, gần các sông Hồng, sông Đà, sông Tích, sông Đáy. Làng có cảnh quan của vùng trung du, vùng bán sơn địa với những đồi gò, những “rộc” sâu, những ruộng ven sông với địa hình phong phú và đa dạng, kết hợp với ruộng lúa và hoa màu tươi tốt tạo nên cảnh quan đẹp cho làng. Trong làng có nhiều ngõ xóm vẫn giữ được nhiều nhà tường xây đá ong cổ có giá trị bảo tồn cao.

Kết cấu làng, xóm có cấu trúc cụm nọ gắn liền với cụm kia trên một địa điểm nào đó, đường đi lối lại trong làng thường được đặt theo trục dọc của làng, toả tia đến các xóm trong làng. Đường vào làng có thể đi bằng đường chính hoặc đường phụ, điểm này đã làm cho làng Đường Lâm vừa có tính chất đóng vừa mang tính chất mở.

Nhà xây chủ yếu bằng vật liệu đá ong. Nhà thấp 1 tầng, hai mái, dáng cổ vẫn còn giữ lại đến hôm nay. Bố cục kiến trúc trong khuôn viên nhà làng Mông Phụ phổ biến kiểu nhà chính và nhà phụ vuông góc với nhau theo kiểu “thước thợ”, kiểu nhà chính và nhà phụ song song với nhau theo kiểu “tiền khách hậu tự”, thường là những nhà giàu có, nhà trưởng họ. Nhà có hướng nhìn về phía Nam và Đông Nam. Các thành phần của chủ yếu của nhà ở truyền thống của Đường Lâm gồm có: Cổng, tường rào, sân, vườn, nhà chính, nhà phụ, bếp, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một số nhà rộng còn có bình phong, giếng nước và một số ít gia đình còn có ao.

4. Nhà cổ dân gian Thái Bình

Đây là mô hình nhà của ông Phạm Xuân Miễn ở xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Ngôi nhà mang các yếu tố đặc trưng nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ: Nhà chính 3 gian 2 chái; nhà có 2 mái lợp ngói mũi hài, nhà xây 1 tầng, nền thấp, kết cấu gỗ. Khuôn viên nhà gồm: cổng, vườn cây, sân, nhà chính, nhà bếp tạo nên mô hình sinh thái khép kín. Nhà chính nhìn ra sân rộng. Hiên mở 3 gian trước nhà. Hai gian chái nhà xây kín phần hiên. Hai gian hồi xây kín cả phần hiên thành 2 gian buồng. Cột hiên của 2 gian hồi kiểu cột có đấu ở đầu cột, hai gian hồi đều mở 2 cửa sổ ra sân để lấy sáng và thông thoáng cho gian nhà. Từ sân xây 1 bậc chạy suốt 5 gian nhà, từ bậc nhất này lại xây thêm 2 bậc ở 3 gian chính giữa nhà tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm của ngôi nhà.

Ngôi nhà có mặt bằng bố cục đối xứng 3 gian 2 chái bao gồm ba gian giữa và hai gian buồng nằm về hai phía của gian giữa. Phía trước nhà có hiên chạy dài suốt chiều ngang 3 gian giữa. Bên trong nhà, giữa 3 gian giữa và hai gian buồng được ngăn cách bởi vách ngăn bằng gỗ (bức thuận), mặt hướng ra gian giữa được chạm trổ công phu. Phía trong cùng của gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, phía trước ban thờ là bộ bàn ghế tiếp khách khi có việc trọng đại. Không gian hai bên ban thờ là chỗ ngủ của chủ nhà, phía trước kê bộ bàn ghế uống nước và tiếp khách hàng ngày. Hai gian buồng là nơi cất trữa lương thực và đồ quý giá, một bên là phòng ngủ của con trai đã có vợ.

Ngôi nhà có kết cấu gỗ kiểu kẻ truyền, tiền kẻ hậu kẻ, tường hồi bít đốc tay ngai. Vì kèo là yếu tố cơ bản để tạo nên cấu trúc của một ngôi nhà. Mỗi bước cột có hai vì kèo nằm 

theo chiều sâu của nhà với cột được đặt trực tiếp lên chân đá tảng. Kết cấu kiểu bộ vì kèo trốn cột. Tại ở đầu các cột sử dụng kỹ thuật xẻ mộng để liên kết câu đầu, xà và kẻ ngồi. Việc trốn một hàng cột cái tiền trong một vì kèo đồng thời lược bớt một vài thanh xà dọc đã khiến cho lòng nhà rộng hơn không bị vướng cột, tạo nên không gian rộng nằm trước bàn thờ tổ tiên ở gian giữa. Đồng thời cũng tạo nên một không gian sinh hoạt và không gian tiến hành các nghi lễ gia đình được tiến hành thuận tiện hơn.

Mái ngôi nhà gồm các thành phần: Hoành, rui, mè, gạch màn, ngói mũi. Để đỡ được các cấu kiện mái trên, kiến trúc phần mái của ngôi nhà còn bao gồm những bộ phận quan trọng như: câu đầu, thượng lương, con rường. Trang trí trên bờ nóc có đặt gạch hoa chanh, bít đốc ở hai đầu mái.

5. Nhà người Hà Nhì

Đây là mô hình nhà ông Lý Khờ Sỳ tại thôn Lao Chải, xã Trình Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Nhà trình tường Hà Nhì là một trong những kiến trúc độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao. Người Hà Nhì sống tập trung chủ yếu tại hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Nhà trình tường của đồng bào các dân tộc ở vùng cao đều được làm bằng đất, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt giúp giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Kiến trúc nhà trình tường của người Hà Nhì có phần đặc biệt hơn là được làm dạng hình hộp, vuông vức. Mái nhà dốc ngắn, được lợp bằng cỏ gianh. Các ngôi nhà nằm san sát nhau, nhìn xa như những chiếc nấm khổng lồ mọc bên sườn núi, ẩn hiện trong sương mây tạo nên khung cảnh thơ mộng. Do sống trên núi có rất nhiều đá, nên móng nhà đào không được sâu, nếu chẳng may gặp hòn đá to thì họ phải đốt lửa để hòn đá bửa ra, đánh đi rồi mới xếp đá làm móng. Phần nổi trên mặt đất khoảng 40 - 50cm để chống mưa làm sụt móng, nhà của họ chiều rộng không kém chiều dài bao nhiêu, nên trông ngôi nhà tựa hình vuông, từ trên núi cao nhìn xuống giống như những cái nấm khổng lồ. Khuôn để trình tường là gỗ dài chừng 2 - 2,5m, rộng 50 - 60cm, sâu 40 - 50cm được khóa chặt bởi những thanh gỗ ngang sau đó họ đổ đất vào khuôn rồi dùng chày giã cho chặt. Đất khai thác quanh nhà, chủ yếu là đất đỏ pha sỏi không được khô quá và cũng không được ướt quá. Nếu đất khô thì không có sự kết dính, còn đất ướt thì khi lên tường dễ bị xệ. Ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì được làm từ 2 - 3 tháng mới xong. Phía trong ngôi nhà cũng có các bức tường ngăn thành các căn buồng nho nhỏ cho con cái và vợ chồng chủ nhà. Điều đáng chú ý là nhiều nhà dựng một bức tường làm bình phong. Theo giải thích của gia chủ là để chắn gió giữ ấm cho ngôi nhà. Do sống trên núi cao quanh năm lạnh giá, nhất là mùa đông thường có mưa tuyết, nên nhà của người Hà Nhì rất ít cửa sổ, các cửa sổ rộng 40x40cm, nằm gần mái, thực ra đó là các lỗ thông hơi và lấy ánh sáng ít ỏi. Bếp thường nằm ở phía bên phải trong ngôi nhà, nhiều hộ đắp bếp lò nấu cám lợn và nấu rượu và thức ăn ngay cạnh sạp ngủ của gia chủ. Mặc dù bếp lò có ống khói thông hơi, nhưng trong nhà vẫn đen kịt màu bồ hóng. Họ đun nấu trong nhà là để ngôi nhà ấm áp, nhất là mùa đông rét mướt. Bếp là nơi quan trọng sau chỗ thờ cúng, sau khi dựng nhà xong, trước khi dọn vào ngôi nhà mới, chủ nhà phải lên núi Nhìu Cồ San tìm một hòn đá đặt vào cạnh bếp làm Thần giữ lửa. Theo quan niệm của họ, đá sinh ra lửa, vì thế họ mang đá về để giữ cho ngọn lửa trong nhà không bao giờ được tắt. Người Hà Nhì nếu thiếu lửa thì họ không thể sống nổi để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt trên núi cao. Nhà của người Hà Nhì lợp bằng cỏ, một thứ cỏ thân dài và cứng, họ lợp dày đến cả mét, nên nhiều ngôi nhà sau 20 - 30 năm mới phải lợp lại. Sống trên núi cao lạnh giá quanh năm sương mù dày đặc, nên nhiều mái nhà địa y mọc xanh rờn nom rất cổ kính.

6. Nhà sàn Mường

Đây là mô hình nhà ông Đinh Văn Dục, xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Người Mường tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Kiến trúc nhà sàn của người Mường trước hết hấp dẫn du khách bởi hình dáng bên ngoài giống như con rùa. Tích xưa truyền lại, người Mường cổ thường cư trú, sinh sống theo từng bản làng với hình thái tổ chức xã hội đặc thù mà người xưa gọi là chế độ “lang đạo”. Trong đó, các dòng họ thuộc tộc Mường như Bạch, Hà, Đinh, Quách…

mỗi họ lại chia nhau cai quản mỗi vùng đất khác nhau. Đứng đầu mỗi Mường có các Lang cun, dưới Lang cun có các Lang xóm hoặc Đạo xóm, cai quản một xóm. Theo người cao tuổi ở bản Lác (Mai Châu, Hoà Bình), trong áng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường có đoạn kể rằng: có một vị lang đầu tiên cai quản xứ Mường trên là lang Đá Cần đi bẫy và bắt được một con rùa. Con rùa van nài Lang đừng giết thịt nó, đổi lại, rùa sẽ trả ơn bằng cách mách cho vị lang nọ cách làm nhà sàn để tránh thú dữ. Rùa dạy: “Bốn chân tôi là bốn cột cái/ Hai mai tôi là hai mái nhà/ Xương sống tôi là đòn nóc/ Chặt cây lim làm cột/ Lạt buộc bằng cây giang/ Cỏ gianh dùng để lợp”. Sau đó, vị lang này đã thả rùa và quay về bản dựng nhà theo như lời rùa. Từ đó, nhà sàn của người Mường ra đời. Khi nhà sàn được dựng lên, các cột cái trong nhà sàn được chôn sâu dưới đất làm trụ rất vững chãi, sàn nhà làm cao ráo cách mặt đất khoảng cách từ 2,5-3 m, lối đi xuống là chiếc cầu thang. Tuy nhiên đến nay, người Mường lại biến tấu cách dựng nhà bằng cách: có thể không chôn cột mà nâng cột lên mặt đất kê lên những phiến đá, sàn nhà cũng không làm cao như trước. Cách làm này giúp họ tránh được tình trạng mối mọt đục khoét làm giảm tính bền của cây cột cái. Mặc dù vậy, về mặt kết cấu chung, nguyên tắc cơ bản về kiến trúc ngôi nhà cũng không có sự thay đổi nhiều, vẫn giữ nguyên được nếp nhà sàn truyền thống. Người Mường rất thận trọng trong chọn hướng nhà, họ quan niệm làm nhà đúng hướng sẽ đem lại tài lộc, may mắn đến cho gia đình và theo quan niệm của người Mường, làm nhà không được ngược hướng với đồi núi. Nhà có 4 mái, hai mái trước và sau có hình thang cân; hai mái đầu hồi có hình tam giác cân. Mái lợp bằng cỏ tranh đan lại thành từng phên dài từ 1,2m đến 1,5m; có nơi lợp bằng lá cọ hoặc rạ đan thành từng phên giống như cỏ tranh.

Cấu trúc ngôi nhà chia làm 3 phần. Mặt trên cùng là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình. Sàn nhà là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, còn gầm sàn nhà dùng để đựng các dụng cụ sản xuất, nhốt các gia súc, gia cầm. Nhà thường có nhiều cửa sổ, bởi thế nên trong nhà luôn ấm vào mùa đông và mát mẻ, thoáng đãng vào mùa hè. Một ngôi nhà sàn thường được chia thành các gian, nhà càng nhiều gian chứng tỏ gia đình đó càng khá giả. Nhà sàn Mường thường dựng bằng gỗ, những trụ cột, xà ngang thường là những loại gỗ tốt, không bị mục đến hàng trăm năm như gỗ lim xanh, mài, lái. Cột cái luôn là cột dựng đầu tiên bởi đây được coi là cột thiêng, là vị trí đặt bàn thờ tổ tiên ngay sau cột. Nhưng chỉ có một số nhà mới có bàn thờ tổ tiên, vì theo phong tục của người Mường, chỉ con trai trưởng của dòng họ mới được lập bàn thờ tổ tiên. Kết cấu ngôi nhà sàn thường được dựng theo cơ sở " vì kèo " đúng hơn là một mạng trung gian giữa "vì cột" và "vì kèo'' các cột gỗ được lắp ráp và nối lại với nhau thành bộ khung chắc chắn mà không cần một dây buộc hay đinh sắt vít lại. Nhà sàn Mường có 2 cầu thang, cầu thang chính được đặt ở đầu hồi bên phải, cầu thang phụ ở đầu hồi bên trái. Cầu thang chính dành cho khách đến chơi và đàn ông trong nhà, Thông thường trước nhà, gần lối đi chính và gần cầu thang hay gần các gốc cây trước nhà người Mường có đặt chum nước nhỏ, một gáo múc nước làm bằng những ống tre, nứa để cho khách rửa chân mỗi khi lên nhà. Cầu thang phụ dành cho phụ nữ trong gia đình, gia chủ làm bếp, chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc sau khi đi làm nương về lên nhà. Các bậc cầu thang phải là số lẻ bởi quan niệm dân gian Mường quan niệm số lẻ là số may mắn. Nhà sàn được làm theo thông thuỷ, giữa các gian thường không có vách ngăn một cách chắc chắn, chỉ có sự phân biệt mang tính chất tượng trưng. Không gian nhà được chia theo cả chiều dọc và chiều ngang. Từ cầu thang chính bước vào phần giữa sàn nhà, phía ngoài là để tiếp khách, phía trong là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Trong nhà, theo chiều dọc, phía trên có các cửa sổ (cửa voóng), chỗ ngồi gần cửa voóng thường dành cho người cao tuổi còn phía dưới dành cho lớp trẻ, khi ngồi không được quay lưng vào cửa voóng. Theo chiều ngang, phía ngoài dành cho nam giới, phía trong dành cho nữ giới. Một phần không thể thiếu và quan trọng nhất trong ngôi nhà sàn Mường chính là bếp. Bếp được coi là linh hồn của ngôi nhà sàn Mường, đây không chỉ là nơi chuẩn bị các thức ăn mà còn là nơi diễn ra các hoạt động chính trong gia đình và cộng đồng. Bếp chính được đặt bên trong và gian dưới nhà sàn, nơi có cửa sổ và gần vại nước. Ở gian khách cũng có một bếp phụ, chỉ dùng để sưởi, hong khô các vật dụng và đun nước pha trà. Trên bếp chính ở gian trong, người ta làm một cái giá treo cao và vững chắc để sấy khô các lương thực, thực phẩm như ngô, lúa, thịt trâu, thịt bò.

7. Nhà người Nùng

Đây là mô hình nhà ở của ông Vi Văn Hành, thôn Khòn Thống, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Nhà trình tường có hai tầng: phía trên là người ở, phía dưới nhốt gia súc, phía ngoài có hai lớp tường, có cửa sổ nhỏ, cửa đi chắc chắn giúp chống lại thổ phỉ và giặc cướp, trong nhà có lỗ châu mai để bắn ra ngoài. Nhà lợp ngói âm dương và thường làm theo kiểu ba gian đứng không có chái ở hai phía đầu hồi. Nhà trình tường có chiều sâu dài hơn mặt tiền, có nhiều buồng và có bếp ở phía sau. Sàn gác bằng gỗ để chứa các công cụ sản xuất và trữ lương thực, thực phẩm. Sàn ở cũng được làm bằng gỗ, ít vật dụng trong nhà. Mặt sàn được sử dụng làm nơi tiếp khách. Đối với những ngôi nhà trệt là nhà nhà đã chuyển gia súc, gia cầm nuôi bên ngoài, vật dụng được sử dụng nhiều hơn như giường, bàn ghế…Bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí cao và trang trọng của ngôi nhà, thường được đặt chính diện cửa ra vào và phía trước của bếp. Việc cất dựng một ngôi nhà cũng mang nhiều nét đẹp trong phong tục tập quán và đậm tính nhân văn: Đầu tiên là việc chuẩn bị nguyên vật liệu và lương thực, thực phẩm phục vụ cho việc xây dựng một ngôi nhà. Đó là tục cho mhau vay mượn vật liệu như ngói, gỗ và giúp nhau đi lấy gỗ trên rừng. Đến ngày cất dựng nhà, bà con dân bản sẽ tự động đến giúp đỡ mà không cần gia chủ đến nhờ. Việc xây cất nhà cửa sẽ được thầy Mo, Tào xem xét ngày giờ kỹ lưỡng, nếu kị hoặc xung sẽ phải chờ sang năm khác hoặc lấy tuổi của người khác trong gia đình như cha, anh em trai hoặc con. Ngôi nhà trình tường truyền thống sau khi cất dựng xong thường có khuôn viên hẹp với một khoảng sân nhỏ. Các nhà được làm theo dãy dài, chung tường với nhau và có cửa thông sang nhà nhau. Có những dãy nhà dài tới 56-60m. Chính kiến trúc xây nhà này đã tạo nên bản làng truyền thống của người Tày- Nùng khăng khít, keo sơn, quần tụ theo lối mật tập. Mỗi ngôi nhà như một pháo đài kiên cố.

8. Nhà Rường Huế

Đây là mô hình nhà ở của gia đình ông Nguyễn Hữu Thông tại sô 313 Bùi Thị Xuân, phường Đúc, thành phố Huế.

Gọi là nhà rường bởi vì có nhiều rường cột, rường kèo, mè với lối kiến trúc theo chữ Đinh, Khẩu hoặc chữ Công. Gian trong nhà rường được tính bằng các hàng cột trong nhà, không có vách ngăn. Mặc dù chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc Trung hoa, nhưng nhà rường Huế vẫn mang nét riêng biệt của người Việt. Cái khác của mẫu thiết kế nhà rường Việt so với Trung Quốc, theo phân tích của từ điển bách khoa thế giới, thì có bốn điểm cụ thể: nhà rường cổ Việt dốc mái thẳng, dùng đòn bẩy kê đỡ mái hiên, cột to phình ở phần dưới và chạm trổ nhiều. Trung Quốc thì mái dốc võng xuống, đỡ mái hiên bằng hệ con xơn, cột thanh mã, tròn đầu và không chạm trổ mà sơn màu lòe loẹt. Vì tránh mưa bão nên ở Huế thường thiết kế nhà rường không cao, cũng là để không vượt quá chiều cao của Hiển Lâm Các – cấu trúc cao nhất trong Đại Nội. Do mái nhà có độ dốc lớn để nước mưa thoát được nhanh nên nhà rường có diện tích nhỏ. Nếu nhà đông người, gia chủ phải xây thêm các nhà phụ, nhà ngang. Để bù đắp cho sự khiêm tốn về kích thước nhà, người Huế cho chạm khảm các kèo, xà và vách ngăn. Nhà rường Huế được trang trí bằng các mảng chạm nổi tứ quý, bát bửu, hoa, lá và chữ thọ cách điệu theo lối phù trầm, chạm lộng.

Các cột cái và cột quân là ranh giới ngăn chia không gian cho ngôi nhà. Các không gian được tạo nên theo các nguyên tắc và triết lí phương Đông truyền thống. Triết lý ấy giải thích rằng vạn vật vốn sinh ra từ cái đơn thuần nhất (Thái Cực) nhưng cái đơn nhất ấy lại bao hàm hai nửa đối lợp luôn tương tác với nhau (Lưỡng Nghi). Từ đó mới tỏa ra bốn phương, tám hướng (Tứ Tượng, Bát Quái) để sinh thành muôn loài. Chính vì thế mà để dựng một ngôi nhà rường, việc đầu tiên là phải xác định được điểm trung tâm (người Huế gọi là điểm Giáp Chuông). Đây là điểm giao nhai giữa hai đường tim nhà 

(theo trục Bắc – Nam và trục Đông – Tây). Từ điểm này người ta mới tính ra các phía Tiền (phía trước, được xem là phía Nam), Hậu (phía sau, phía Bắc), Tả (bên trái, phía Đông) và Hữu (bên phải, phía Tây). Thiết kế nhà rường Huế thường có 5 gian, gồm 3 gian chính và 2 gian phụ (thường gọi là chai), cá biệt cũng có nhà đến 7 gian (5 gian 2 chái). Gian giữa là không gian trang trọng nhất là gian trung bố trí nơi thờ Phật và gia tiên, đây cũng là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung, phòng ăn, nơi bố trí đồ cúng trong những dịp tế lễ. Hai gian tả, hữu và 2 chái tả hữu đều bố trí phòng ngủ bằng các buồng được ngăn bằng vách ngăn.

Mỗi đòn, kèo của nhà rường Huế là một bức họa nối, với đủ loại đề tài, hoa văn Mái nhà rường được lợp bằng ngói liệt với hai lớp dày chồng lên nhau. Do vậy, mùa hè rất mát, mùa Đông thì ấm áp. Hệ mái của nhà rường Huế thường có độ dốc lớn để phù hợp với vùng đất có lượng mưa cực đoan. Nhà rường thường gồm 4 mái, lợp bằng ngói liệt hay ngói âm dương, lợp tranh. Dù lợp ngói hay lợp tranh thì mái cũng được lợp rất dày để tăng tác dụng cố định bộ khung xuống nền nhà và để cách nhiệt. Vườn xung quanh nhà rường cũng được thiết kế rất công phu, phức tạp. Ví dụ như tại đây không trồng cây tùng, bách vì đây là các loại cây chỉ trồng ở các lăng, tẩm. Nhà rường thường bố trí Đông trồng Đào, Tây trồng liễu, trước Cau sau Chuối… Nền nhà thường đắp bằng đất sạch, có trộn thêm vôi, tro để chống mối, chống ẩm và được đầm chặt bằng nhiều lớp. Có nơi, trên nền đất yếu, người ta còn biết dùng cả kỹ thuật khoan nhồi cọ để gia cường cho nền nhà.Với người giàu có, nền nhà thường được bó vỉa bằng đá thanh, đá cẩm thạch: người bình thường thì dùng đá tổ ong, đá núi hay gạch vồ để bó vỉa. Mặt nền thì lát gạch Bát Tràng, gạch hoa tráng men, thậm chí chỉ để nền đất không.

9. Sa bàn cụm nhà Rường

Đặc trưng của đô thị Huế không mang tính điển hình của một thành phố thương nghiệp sầm uất. Được chọn làm Kinh đô của Đại Việt dưới thời vua Gia Long, Huế có hệ thống cung điện, lăng tẩm mang đậm kiến trúc cung đình đặc trưng của triều Nguyễn, tất cả đều mang vẻ trầm mặc, uy nghiêm, cổ kính của kiến trúc truyền thống.

Việc thiết lập kinh đô trên vị trí vốn là những làng nông nghiệp đã tạo nên sự hiện diện của lăng tẩm, phủ đệ quý tộc nằm rải rác trong không gian đô thị và các làng xã ven đô tạo thành một thành phố công viên, thành phố vườn. Cây xanh và cảnh quan thiên nhiên ở thành phố Huế đã tạo thành dải nối khuôn viên này với khuôn viên khác, nối phố này với phố khác, làng này với làng khác tạo thành sự liên kết tự nhiên là đặc trưng không gian đô thị Huế.

Nhà ở có sân vườn là một nét riêng tạo nên đặc trưng của Cố đô Huế, nhà vườn xuất hiện ở khắp nơi trong thành phố nhưng tập trung nhiều nhất là ở Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Kim Long. Nhà rường được bao quanh bởi những hàng rào cây, trong đó hàng rào phía trước và hai bên thường là các hàng cây dâm bụt, ô rô, chè tàu được cắt tỉa tỉ mỉ, dày dặn như tường xây. Còn hàng rào phía sau được tạo thành bởi những bụi tre dày để chắn gió bất lợi.

Khi các đại gia đình Huế - nơi cư trú của tam tứ đại đồng đường phân rã, sự ra đời của các tiểu gia đình tách khỏi ra đình lớn khiến các khu vườn bị xé nhỏ để phục vụ việc xây dựng của các gia đình mới. Vì vậy bên cạnh những ngôi nhà vườn cổ kính nên thơ đã mọc lên những kiến trúc cao tầng hiện đại.

10. Nhà dài Ê đê

Đây là mô hình nhà dài của già làng A Ma H'Rink, buôn Akothong, phường Thắng Lợi, tỉnh Dak Lak.

Nhà dài là ngôi nhà lớn của một đại gia đình và là nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ của người Ê-đê. Là nơi ở chung có khi là của cả một dòng họ và thường xuyên được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất nên có huyền thoại rằng nhà dài như tiếng chiêng ngân (vì đứng ở đầu nhà dài đánh chiêng thì cuối nhà chỉ còn nghe rất nhỏ, ra khỏi nhà là không còn nghe thấy tiếng chiêng nữa).Nhà dài của người Ê đê là nhà sàn, làm bằng tre nứa và bằng gỗ, mặt sàn và vách tường bao quanh nhà làm bằng thân cây bương hay thân tre già đập dập, mái lợp cỏ tranh. Nhà dài thường được lợp bằng cỏ tranh. Tranh lợp từng cụm, ngọn thả xuôi mái, gốc bẻ gập xuống vào bên trong. Người Ê đê thường làm nhà theo hướng Bắc- Nam. Nhìn từ xa ngôi nhà có hình dáng một cái thuyền. Nhà dài có 8 hàng chân cột với đường kính là 40cm và xà dọc có độ dài từ 11-17,5m.

Bố cục nhà dài truyền thống của người Ê Đê chia làm hai phần: nửa phía trước gọi là "Gah" chứa các vật dụng như ghế chủ, ghế khách, bếp chủ, ghế dài Kpan, cồng chiêng và là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung trong gia đình. Nửa phía sau là "Ôk" là chỗ ở của các đôi vợ chồng, đặt bếp nấu ăn chung. Phía trước cửa nhà của người Ê Đê có hai cầu thang, một dành cho khách và một dành cho người nhà khi lên xuống, mỗi cầu thang có khoảng 5-7 bậc, làm bằng gỗ quý, được đẽo bằng tay và phía đầu cầu thang nơi tiếp giáp với hiên nhà được tạc hình mặt trăng lưỡi liềm, dưới hình lưỡi liềm được tạc hai bầu vú căng tròn, tượng trưng cho uy quyền của người phụ nữ trong gia đình. Dưới mái nhà dài là không gian diễn xướng cồng chiêng, không gian lễ hội, hát kể sử thi, dệt thổ cẩm, sinh hoạt cộng đồng...Trong ngôi nhà dài truyền thống, các nét điêu khắc, trang trí, tạo hình đều phỏng theo mô típ chế độ mẫu hệ, tín ngưỡng phồn thực. -Theo phong tục của người Êđê, trước khi lập một buôn làng mới, các tộc người Êđê thường cử người có uy tín (thường là người phụ nữ đứng đầu dòng họ) đi tìm bến nước; người tìm ra bến nước được gọi là chủ bến nước và là chủ buôn làng. tính cộng đồng với tinh thần bình đẳng, dân chủ, bác ái, quy định mối quan hệ này bao giờ cũng dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ và đoàn kết, cộng đồng bao giờ cũng được đặt cao hơn cá nhân và cá nhân thể hiện mình thông qua đời sống của cộng đồng.

11. Nhà cổ Tiền Giang

Đây là mô hình nhà ở của nhà ông Bùi Ngọc Hưởng tại ấp Tân Phú, xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang với niên đại hơn trăm năm tuổi.

Ngôi nhà nằm trong một vườn rộng có nhiều cây cối xanh mát. Nhà có cấu trúc kiểu nhà chữ đinh sân trong, xếp đọi - kiểu nhà truyền 

thống vùng Nam bộ. Căn nhà được chính thiết kế nằm ngang với nhà trên và nằm dọc với nhà dưới, đây cũng là kiểu nhà gọi là đinh thuận, lưỡng hợp một âm, một dương. Giữa nhà trên và nhà dưới cách nhau bằng một sân trong, khoảng không gian sân trong giúp chiếu sáng và thông gió cho hai nhà. Chiều dài sân bằng chiều dài nhà dưới và cả chiều sâu nhà trên. Mặt sân luôn thấp hơn mặt sàn nhà trên và nhà dưới.

Nhà dưới là căn nhà dưới gồm 2 nếp nhà kiểu xếp đọi nối vách nhưng không nối mái. Toàn bộ nhà chính và nhà phụ đều có mái tứ trụ kiểu bánh ít.

Gian chính giữa là không gian thờ cúng tâm linh nên chỉ mở cửa chính cho thoáng, cửa đi được bố trí ở 2 gian tả hữu của gian thờ bằng hai bậc tam cấp có tay vịn.

Nhà có kết cấu kiểu xuyên trính có đầu dư, kèo chồng. Đặc trưng của cấu trúc kèo chồng đó là các thanh kèo được đặt nằm nghiêng theo chiều dốc của mái liên kết các đầu cột với nhau và đầu của thanh kèo nằm phía dưới được gác lên đuôi của thanh kèo nằm phía trên. Cấu trúc bộ vì có hai cột ở trung tâm (cột hàng nhất) nằm về hai phía đối xứng với đòn đông. Chúng được nối với nhau bằng một thanh dầm ngang (trính/trến), phía trên của trính còn có một trụ ngắn chống nóc. Đây là ngôi nhà có bộ khung sườn nhà gỗ cao cứng cáp, liên kết dọc bằng xuyên – ngang bằng trính, kết cấu kèo đỡ nóc kiểu trính đỡ cây chống đứng trên con đấu đỡ đòn dông. Dân gian gọi là kết cấu chày và cối, trỏng chéo (nghĩa là chống chéo). Đây là môtíp hay kiểu thức đỡ nóc xuất hiện và phổ biến ở vùng nam Trung bộ (Bình Định, Phú Yên). Với kỹ thuật này, trụ đã đóng một vai trò kết cấu quan trọng tương tự như cột giữa. Ngược lại, những hình thức khác như: trụ đỡ trực tiếp phía dưới hai kèo và đòn đông, hoặc trụ được cắt ngắn đi để không chạm đến giao điểm của hai kèo, thì thấy vai trò kết cấu của trụ đã bị giảm bớt. Thanh chính ngôi nhà có hình dáng thẳng và rộng do khoảng cách của hai cột cái lớn. Liên kết dọc bằng các thanh xuyên. Trên các hàng cột nhất tiền và hậu có các mộng luồn đỡ các xuyên nhất dọc; cứ lần lượt trên các hàng cột nhì, ba, đều có các mộng luồn đỡ thanh xuyên nhị, ba. Các hàng cột đều có đá kê chân tảng để tăng độ vững chắc cho bộ khung và chống ẩm cho bộ khung gỗ nhà. Liên kết ngang bằng các kèo ăn mộng luồn vào các hàng cột nhất, nhì, ba và cột hiên. Cửa cái của nhà trên mở ở cạnh dài của ngôi nhà, còn cửa chính của nhà dưới mở ở cạnh hồi ngôi nhà. Vì vậy, cửa chính ở nhà trên và nhà dưới sẽ được mở ra cùng một hướng, có chung mái hiên trước, tạo được sự đồng nhất cho toàn bộ ngôi nhà.

Nhà có chiều cao từ nền đến mái: 6m, chiều cao lấy sáng từ nền - giọt ranh: 2.2m Khoảng cách này cho thấy ngôi nhà có bộ mái lớn, hiên thấp chống được mưa nắng hắt vào hiên nhà.

Ngôi nhà có cổng mở vào cạnh dọc nhà. Nhà có 2 bậc tam cấp mở hai gian bên tránh khách lạ đi trực tiếp vào gian thờ cúng của gia đình. Các cột chính và cột phụ chia không gian nhà ra làm ba phần: gian chính giữa lẫn hai gian bên thờ phụng, tiếp khách, còn lại dùng làm nơi ngủ.

Nhà trên quan trọng vì là nơi thờ cúng tổ tiên nên thường bề thế, cao hơn nhà dưới, đây cũng là nơi sinh hoạt chủ yếu của nam giới. Nhà dưới là nơi ở chung của gia đình, nơi sinh hoạt thường xuyên của phụ nữ. Phòng khách thường chiếm toàn bộ diện tích nửa phía trước của nhà trên. Còn hai gian chái phía sau là nơi bố trí hai buồng ngủ. Nhà trên kê một bộ bàn ghế chính giữa, hai bên kê nhiều bộ phản.

Không gian nhà dưới là không gian nấu nướng, tiếp họ hàng thân quen như anh chị em trong gia đình. Không gian ngoài ngôi nhà sẽ là khoảng sân vườn, chiều dài và rộng của nó sẽ là khoảng bằng chiều dài của nhà dưới – chiều sâu nhà trên nên rộng rãi và thoáng mát.

Ngôi nhà sử dụng hoàn toàn các vật liệu xây dựng truyền thống. Mái ngói hai tầng dày chồng lên nhau giúp cách nhiệt. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, với hai lớp dày chồng lên nhau được thiết kế nghiêng theo hệ vì kèo tạo khả năng chống chọi lại mưa bão giúp công trình trở nên vững chắc, an toàn hơn.

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...