Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
06/03/2017
Chiều 28-2, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã làm việc tại tỉnh Khánh Hòa. Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho Khánh Hòa điều chỉnh cục bộ một số khu vực thuộc quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025; giao Bộ Xây dựng thống nhất, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ thông qua.
Nhiều hội nghề nghiệp không đồng tình
UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất điều chỉnh cục bộ 13 khu vực có tổng diện tích 495,8 ha thuộc khu đô thị ven biển với quy mô dân số 354.000 người, cao hơn 109.400 người. Sự thay đổi mang tính nhỏ lẻ, lượng dân số quy đổi này là khách du lịch nên không sử dụng ô tô riêng, các hạ tầng, công cộng cơ bản của khu dân cư.
Trong 13 khu vực điều chỉnh, có 8 khu vực phát triển trọng tâm với chiều cao tối đa của các công trình thương mại dịch vụ du lịch được khống chế theo 2 mức là gấp rưỡi (60 tầng) và gấp đôi (80 tầng) so với chiều cao tối đa đang khống chế. Có 4 khu vực kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; 1 đề xuất về hạ tầng giao thông. Các công trình muốn vượt trần khống chế cũ cần bảo đảm các quy định kiểm soát mới về độ thanh mảnh, diện tích lô đất tối thiểu, khoảng cách giữa các khối công trình, tăng diện tích sàn đỗ xe công cộng…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng nhiều hội nghề nghiệp không đồng tình với điều chỉnh cục bộ của Khánh Hòa vì các điều chỉnh này có từ 9-10 khu vực rơi vào trục đường ven biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Bộ Xây dựng ủng hộ Khánh Hòa nhưng trên cơ sở phải thực hiện bài bản, khoa học. Khánh Hòa xin điều chỉnh nhưng chưa nhấn mạnh được việc giải quyết hạ tầng, đặc biệt là vấn đề giao thông. Chủ yếu điều chỉnh cao tầng từ 40 lên 60, trong khi thiếu mặt cắt phía trước các khối cao tầng.
“Khánh Hòa cần bình tĩnh, xem xét từng khu vực một, chỗ nào nên lên tầng, chỗ nào không nên. Cũng xin “mở ngoặt đơn” là tuyệt đối không hợp thức hóa cho cái sai. Quyết định Chính phủ chỉ cho phép xây tối đa 40 tầng nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa cấp 47 tầng. Doanh nghiệp xây đến 43 tầng và đã cho ngừng thì phải chỉ đạo rõ ràng, không hợp thức hóa. Chỗ nào thực sự cần thiết thì nâng tầng” - ông Toàn nói.
Tiết kiệm đất ở sân bay Nha Trang
Đề xuất về nâng tầng, ông Toàn cho rằng sân bay Nha Trang (có diện tích quy hoạch làm Trung tâm Đô thị - Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang trên 61,1 ha) đã di chuyển, không còn khống chế trên không nên ưu tiên phát triển chiều cao về phía sau. Khuyến cáo không nên phê duyệt quy hoạch nhà ở thấp tầng, chia lô ở đây. “Phải tiết kiệm quỹ đất, đưa những công trình có chiều cao phù hợp. Việc chia ô cho khu dân cư thấp tầng chỉ mang lợi ích cho doanh nghiệp vì bán đất nhanh. Điều này là lãng phí” - ông Toàn nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ tháo gỡ 13 vấn đề khó khăn như: xây dựng đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong; hỗ trợ 980 tỉ đồng xây dựng đường bay số 2 sân bay quốc tế Cam Ranh, 300 tỉ đồng giải phóng mặt bằng dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong; hỗ trợ các dự án đặc thù trên 5.000 tỉ đồng; hỗ trợ các thiệt hại do lũ lụt, chống biến đổi khí hậu… Tổng số vốn Khánh Hòa đề xuất trung ương hỗ trợ trên 8.634 tỉ đồng. Trước mắt, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ kinh phí xây dựng đường băng số 2 với 50% vốn trung ương, 50% địa phương.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đi liền với phát triển là tăng cường quản lý quy hoạch, có sự điều chỉnh phù hợp đồng bộ giữa hạ tầng và đô thị. Hiện nay, Nha Trang phát triển quá nhanh thì điều chỉnh quy hoạch vẫn cần thiết.
Thủ tướng cho biết điều chỉnh chung vẫn phải làm, bên cạnh đó cho phép điều chỉnh cục bộ TP Nha Trang. Quy hoạch chung cần chú ý vẫn giữ Vân Phong là cảng biển trung chuyển quốc tế của Việt Nam.
“Tỉnh Khánh Hòa bàn bạc, thống nhất với Bộ Xây dựng để điều chỉnh một số khu vực, giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xử lý kiến nghị của tỉnh, lấy ý kiến các bộ hoàn thiện, thông qua” - Thủ tướng yêu cầu.
Đang tải...