Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Làm gì để các đô thị lớn hết cảnh ngập úng?

Clock

27/05/2025

Theo TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), vấn đề ngập úng tại các đô thị lớn lâu nay được ví như “cơm bữa”, trong khi hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư cho hệ thống thoát nước lại chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Hạ tầng, quy hoạch thiếu đồng bộ

Thưa ông, tại sao Việt Nam chưa giải quyết được thực trạng ngập úng cục bộ tại các đô thị lớn? Các địa phương đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết hệ thống úng ngập, nhưng những dự án này đã thực sự hiệu quả?

TS Nguyễn Hồng Tiến: Chuyện cũ nhắc lại, mỗi năm cứ đến mùa mưa, vấn đề ngập úng lại trở nên "nóng" hơn. Có nhiều nguyên nhân khiến thực trạng ngập úng cục bộ, chưa thể giải quyết, trước tiên là do hệ thống tiêu thoát nước đô thị đã cũ và yếu kém. Hệ thống tiêu thoát nước tại các thành phố hầu hết được xây dựng trên nền các đô thị cũ, chưa hoàn chỉnh và còn chắp vá.

Làm gì để các đô thị lớn hết cảnh ngập úng?- Ảnh 1.

TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng).

Các thành phố trong quá trình phát triển, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, tầm nhìn và vốn đầu tư khác nhau, nên đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và tiêu thoát nước nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước.

Một số đô thị ở Tây Nguyên hoặc miền núi phía Bắc, nhiều nơi có địa hình lòng chảo, bao quanh là núi khiến lượng nước mưa đổ dồn về trung tâm rất lớn như ở thành phố Hà Giang.

Mưa lớn vượt quá công suất tiêu thoát nước cộng với lũ từ thượng nguồn đổ về, khiến mực nước lên mức báo động 2 dẫn tới nước từ thành phố thoát xuống chậm, gây ngập úng cục bộ.

Còn tại thành phố Đà Lạt, mật độ xây dựng dày đặc, khắp nơi bị bê tông hóa, phát triển nhà kính, nhà lưới thiếu kiểm soát khiến không gian dành cho nước và đất không còn. Nước không thể thấm tự nhiên vào đất nên chảy tràn ra đường tạo thành các con suối giữa phố.

Một số vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng các đê bao lớn bảo vệ khu dân cư, đê ngăn mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... khiến cho không gian trữ nước của khu vực này bị thu hẹp, nước đổ dồn về khu vực trũng thấp, gây ngập ở khu vực đô thị.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, ngập úng càng xảy ra thường xuyên. Chính quyền hai thành phố đã chi hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các hệ thống chống ngập úng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, kết quả chưa như mong đợi. TP.HCM, điển hình có dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, đã hoàn thành 96% nhưng vẫn "đắp chiếu" do vướng mắc về thanh toán và pháp lý.

Hà Nội, nhiều diện tích ao hồ tự nhiên bị san lấp để xây dựng đô thị đã làm giảm khả năng điều tiết nước. Các dự án như trạm bơm Yên Nghĩa hay cải tạo mương Thụy Khuê bị chậm tiến độ do thiếu vốn và khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Kết quả, những khu vực như Cầu Giấy, Hà Đông, hay Bắc Từ Liêm thường xuyên biến thành "sông" sau mưa.

Để xảy ra thực trạng này, công tác quy hoạch đã thực sự tốt hay chưa, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Tiến: Phải nói thẳng, công tác quy hoạch thoát nước đô thị còn nhiều vấn đề. Quy hoạch chưa gắn kết với tổ chức không gian cũng như quy hoạch sử dụng đất đô thị, chậm điều chỉnh hoặc thiếu liên kết vùng và liên kết hệ thống thủy lợi…

Đơn cử, theo quy hoạch, tại TP.HCM, đến năm 2020 phải xây dựng 104 hồ điều tiết, nhưng cho đến nay hầu như chưa có hồ điều tiết nào hoàn thành, hoặc cần xây dựng và phát triển 6.000km cống, nhưng hiện mới chỉ đạt hơn 60 - 70% trong khi đó nhiều kênh, rạch đang bị lấn chiếm thu hẹp dòng chảy.

Các giải pháp chống ngập thường không đa dạng về quy mô, phần lớn là các dự án có quy mô lớn, phạm vi rộng nên triển khai khó khăn hoặc thời gian triển khai quá dài do thiếu vốn, thay đổi cơ chế, chính sách, các thủ tục hành chính như hồ sơ, đấu thầu... giải phóng đền bù, ví dụ dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM.

Cùng với đó là công tác quản lý vận hành và khai thác hệ thống thoát nước. Việc đô thị hóa mất kiểm soát, phát triển đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng không đồng bộ đang là những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến tình trạng ngập lụt ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Bất cập từ rác thải xây dựng

Thưa ông, rác thải xây dựng cũng là một nguyên nhân dẫn đến ngập úng đô thị?

TS Nguyễn Hồng Tiến: Đúng vậy! Các đô thị Việt Nam hiện nay đang trong quá trình phát triển và như một "đại công trường xây dựng".

Quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, cát, sỏi gây vương vãi, tập trung vào các hố ga, miệng cống làm giảm tiết diện tải nước, làm tăng độ nhám của hệ thống, cản trở quá trình di chuyển của dòng chảy khiến cho tình trạng ngập úng thêm trầm trọng.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa đầu tư xây các công trình hạ tầng kỹ thuật với các công trình thoát nước chưa chặt chẽ; công tác quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị còn bất cập, chưa được quan tâm, không đảm bảo chi phí cho khối lượng nạo vét hệ thống thoát nước hằng năm.

Đề cao trách nhiệm chính quyền các cấp

Vậy theo ông, các cấp chính quyền đã thực sự quan tâm đến hệ thống thoát nước đô thị hay chưa?

TS Nguyễn Hồng Tiến: Tôi cho rằng, nhiều cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực thoát nước đô thị, trong khi, đây phải là vấn đề được quan tâm chính.

Nguồn vốn để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước là rất lớn và cần phải được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn vốn không có hoặc rất hạn chế và vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ODA.

Chúng ta chưa phát huy được năng lực quản lý, cũng như sự tham gia của cộng đồng. Năng lực quản lý của chính quyền địa phương trong quản lý thoát nước chưa hiệu quả, lúng túng trong giải quyết các vấn đề cụ thể.

Cùng với đó là việc người dân xây dựng nhà trái phép; san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch, ao hồ. Khai thác nước ngầm quá mức, xả rác bừa bãi xuống hố ga, kênh, cống khiến cho công tác quản lý càng khó khăn.

Trước những bất cập đó, chúng ta cần có những giải pháp gì, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Tiến: Nhằm giảm thiểu cũng như nâng cao khả năng chống chịu của các đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu và ngập úng, hành động của chính quyền đô thị các cấp rất quan trọng.

Các nhiệm vụ này cần được xem xét trong bài toán phân tích chi phí, lợi ích tổng thể của xã hội (đối tượng bị ngập, khả năng chống chịu) và chi phí đầu tư xây dựng, lợi ích kinh tế, xã hội mà các giải pháp chống ngập đem lại.

Làm gì để các đô thị lớn hết cảnh ngập úng?- Ảnh 2.

Nếu không có các giải pháp căn cơ, Việt Nam tiếp tục đối mặt với thực trạng ngập úng cục bộ tại các đô thị lớn.

Cần xây dựng bản đồ hiện trạng ngập úng, bản đồ dự báo ngập úng đô thị tương ứng với giai đoạn quy hoạch. Lập bản đồ cao độ nền toàn đô thị đề quản lý xây dựng.

Rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước; quy hoạch thoát nước theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.

Phân lưu vực thoát nước hợp lý có tính đến yếu tố liên kết vùng, đề xuất các khu vực không ngập úng để có các giải pháp bảo vệ, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước; các khu vực chấp nhận việc sống chung với ngập úng để có giải pháp cảnh báo cho người dân khu vực này phòng tránh an toàn và hiệu quả.

Các địa phương cần rà soát các dự án thoát nước trên địa bàn, cần thiết sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh... Dự án đầu tư xây dựng mới phải đồng bộ (hệ thống thoát nước, đê bao, công trình ngăn triều, hệ thống bơm hỗ trợ) có tính đến biến đổi khí hậu cho từng lưu vực thoát nước phù hợp với khả năng nguồn vốn.

Cần ưu tiên kiểm soát nước mưa tại nguồn (hộ gia đình, công trình) với các giải pháp kỹ thuật thu gom và tái sử dụng nước mưa được khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp xây dựng hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa như giảm thuế, hỗ trợ thiết bị trữ nước...

Giải quyết ngập úng - bài học từ các nước phát triển

Thưa ông, để đúc rút kinh nghiệm chống úng ngập cho Việt Nam, xin ông chia sẻ đôi chút về những bài học của các nước trên thế giới?

TS Nguyễn Hồng Tiến: Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, họ rất quan tâm tới vấn đề giải quyết ngập úng đô thị, nhiều thành phố đã lấy giải pháp công trình là chính trong giải quyết vấn nạn ngập nước đô thị.

Theo đó, một số thành phố của Hà Lan, Đức xây dựng để bao bảo vệ thành phố, thiết lập hệ thống đê chắn nước biển, nước sông từ xa, đặt cống ngăn triều...

Một số thành phố tại Nhật Bản thì đào sông nhân tạo thoát nước, xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước, hệ thống các hầm chứa nước tạm, hệ thống hồ điều tiết, lắp đặt hệ thống máy bơm công suất lớn....

Cùng với đó là tôn cao cốt nền. Đây không chỉ là những giải pháp bổ sung mà còn giúp cư dân thành phố bị ngập dễ dàng hơn trong việc thích nghi với hoàn cảnh và giảm thiểu các rủi ro như: Thay đổi quan điểm trong quy hoạch không gian theo xu hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên, để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước trong các đồ án quy hoạch đô thị.

Cùng với đó, một số nơi thay đổi lối sống, điều tiết dân số, giảm mật độ công trình xây dựng tại cộng đồng; giảm mức độ bê tông hóa bề mặt, tăng cường khả năng tham gia tự điều tiết của hệ thống sinh thái tự nhiên, thích nghi để sống chung hòa bình và thân thiện với tự nhiên…

Trân trọng cảm ơn ông!

Báo Xây dựng

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...