Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
23/05/2025
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ (25-31/5), đồng thời để tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTH thuốc lá), Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá, đặc biệt là đẩy mạnh việc triển khai Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội, Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt 5 nội dung chính sau:
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới đã và đang phải đối mặt. (Ảnh minh hoạ)
Thứ nhất, kiện toàn Tiểu ban Chỉ đạo PCTH thuốc lá của đơn vị, xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hoạt động PCTH thuốc lá năm 2025 tại đơn vị.
Thứ hai, tiếp tục phổ biến và chỉ đạo thực thi nghiêm quy định của Luật PCTH thuốc lá: Tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Luật PCTH thuốc lá.
Thứ ba, tiếp tục phổ biến các quy định về cấm hút thuốc lá nơi làm việc, các địa điểm công cộng, các phương tiện giao thông...; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của thuốc lá.
Thứ tư, đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị; có hình thức động viên khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác PCTH thuốc lá. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện và yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc.
Thứ năm, giám sát thường xuyên việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc.
Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày (25-31/5): Treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá.
Lồng ghép tuyên truyền tác hại thuốc lá/ thuốc lào/ thuốc lá điện tử/ thuốc lá nung nóng trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của cơ quan, đơn vị.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nơi làm việc không khói thuốc, kinh nghiệm giám sát việc thực thi các quy định về môi trường không khói thuốc.
Tổ chức tìm hiểu về tác hại của thuốc lá/ thuốc lào/ thuốc lá điện tử/ thuốc lá nung nóng bằng các hình thức truyền thông phù hợp.
Khi cần các thông tin về Luật PCTH thuốc lá: Tài liệu truyền thông PCTH thuốc lá; Tư vấn cai nghiện thuốc lá; Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…; Hướng dẫn về kiểm tra, giám sát hoạt động PCTH thuốc lá, đề nghị cơ quan, đơn vị tìm hiểu và tải về từ trang thông tin điện tử của Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá: www.vinacosh.gov.vn.
Các đơn vị cần thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về nội dung "cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng".
Bộ Xây dựng giao Cục Y tế Giao thông vận tải là cơ quan thường trực có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và tổng hợp báo cáo việc thực hiện nội dung hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2025 của các đơn vị trong toàn ngành. Phối hợp với các cơ quan truyền thông ngành tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá.
Bộ Xây dựng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai kịp thời các nội dung trên và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Xây dựng trước ngày 10/6/2025 (qua Cục Y tế Giao thông vận tải - Địa chỉ: 73 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội) để tổng hợp.
Tại Việt Nam, với hơn 15 triệu người hút thuốc, việc sử dụng thuốc lá hiện đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm với con số ước tính lên tới hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm. Nghiên cứu của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022 cho thấy, chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hàng năm ở Việt Nam ước tính là 108 nghìn tỷ đồng. Con số này lớn hơn 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế từ sản phẩm thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Báo Xây dựng
Đang tải...