Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
21/12/2023
Tên gọi: Ngói úp nóc gắn lá Đề lệch trang trí rồng thời Lý
- Mã số: H35
- Vị trí công trình, hiện vật: Hoàng thành Thăng Long, Số 19C Hoàng Diệu, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội
- Tỷ lệ: 1/1
- Nơi trưng bày mô hình, hiện vật: Phòng trưng bày kiến trúc truyền thống Việt Nam - NECC
Nghệ thuật điêu khắc thời Lý là một nét son rực rỡ trong lịch sử của nền nghệ thuật Việt Nam.
Nền điêu khắc ấy định hình trong hoàn cảnh lịch sử đặc trưng, khi đất nước mới thoát khỏi cảnh nghìn năm nô lệ, người dân được hưởng cuộc sống ấm no, thịnh vượng. Trong cuộc sống thái bình ấy, Phật giáo – một tôn giáo mang đậm triết lý nhân văn phát triển mạnh mẽ và trở thành quốc giáo dưới thời Lý.
Điêu khắc đời Lý thường hướng vào đề tài thiên nhiên như mây, nước, hoa sen, hoa cúc… và đặc biệt là hình tượng lá đề và con rồng xuất hiện xuyên suốt trong các công trình kiến trúc. Theo sử tích của Phật giáo, Đức Phật đã thành đạo dưới cây bồ đề nên loài cây này đã trở thành biểu trưng cho sự giác ngộ của Phật. Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, hình tượng lá đề được sử dụng rất nhiều trong trang trí điêu khắc như vòm cửa chùa tháp, cung điện thời Lý. Hình tượng lá đề thường lồng ghép với hình tượng rồng, phượng trong một tổng thể hài hòa, giàu thẩm mỹ.
Ngói lá đề là loại ngói cung điện độc đáo nhất châu Á. Chất liệu đểm làm ngói là loại đất nung có màu đỏ son, rắn chắc, qua hàng trăm năm nhưng vẫn tươi màu, các chi tiết chạm khắc còn nguyên nét sắc sảo. Hình lá đề gắn trên ngói ống diềm mái hay trên các loại ngói úp nêu trên dường như là một phát minh quan trọng của thời Lý, nó đã tạo nên một sự khởi sắc mới cho nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.
Đang tải...