Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
11/12/2023
Tên gọi: Nhà dân gian Nam Bộ - Nhà cổ Đại Điền (Southern folk house – Dai Dien ancient house)
- Mã số: M07
- Vị trí công trình, hiện vật: xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre
- Tỷ lệ: 1/50
- Nơi trưng bày mô hình, hiện vật: Phòng trưng bày kiến trúc truyền thống Việt Nam - NECC
Nhà ba gian Nam Bộ là kiểu nhà đặc trưng của người Nam Bộ thời xa xưa, được hiểu nôm na là kiểu nhà có 3 phòng, 1 phòng lớn và 2 phòng nhỏ 2 bên. Do đó, ông bà ta đặt một cái tên thân thương đó là ngôi nhà 3 gian và chúng thường là kiểu nhà đặc trưng ở khu vực Nam Bộ của nước ta. Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) là công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ năm 1890. Vào năm 1904, nhà cổ Huỳnh Phủ được hoàn thành và mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của xứ Huế.
Ngôi nhà được xây dựng theo cấu trúc xuyên trính (có hai cột ở trung tâm, vì kèo nằm về hai phía đối xứng đòn đông và được nối với nhau bằng một thanh dầm ngang còn được gọi là trính hay trến). Nền nhà cổ Huỳnh Phủ thì được xây tam cấp, lót gạch Tàu với kiến trúc hình chữ nhất, gồm 3 phòng chính và thêm 2 phòng nhỏ ở đầu hồi. Gian thứ nhất là nơi thờ Phật, tổ tiên trong gia đình và thường được dùng để sinh hoạt chung với bề ngang khoảng 17m, chiều dài tầm 25m. Hệ thống vì kèo, xuyên trính của nhà cổ Huỳnh Phủ đều được chạm trổ công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Nhà nằm trên khu đất rộng 500m2 giữa vườn cây trái sum sê. Chủ căn nhà là ông Huỳnh Ngọc Khiêm hay còn gọi là Hương Liêm. Ông vốn là người con đất Huế nhưng cùng vợ và chín người con vào miền Nam lập nghiệp. Cả gia đình ông di chuyển bằng ghe bầu xuất phát từ Huế vượt biển xuôi về phương Nam. Khi đến giáp sông Cái thuộc vùng Cù Lao Minh, phương tiện bị hỏng và họ không thể đi được nữa. Ông quyết định cắm sào và khai phá từ mé sông Cái trở vào. Nhờ chăm chỉ làm nông, ông trở nên giàu có. Ngoài đất do chính mình khai phá, ông còn mua lại đất của những nông dân nghèo nhập vào để cuối cùng ông có một gia tài đồ sộ, gần 2.000 mẫu đất. Chính quyền thời bấy giờ cho ông làm đến chức tri huyện. Giàu có, ông nghĩ đến việc tạo dựng cho mình một cơ ngơi. Ông trở về Huế chiêu nạp thợ thuyền và mua sắm vật liệu. Nhiều loại gỗ quý được ông kết thành bè thả theo con nước về đến Thạnh Phú.
Sau 14 năm xây dựng, năm 1904, ngôi nhà hoàn thành mang đậm nét kiến trúc theo phong cách Huế. Nhà có 48 cây cột tròn, lớn, hoàn toàn bằng gỗ lim và căm xe. Bước vào trong, khách tham quan sẽ bị choáng ngợp bởi hình ảnh những bức chạm khắc vô cùng tinh tế và công phu. Nhiều hình thù rất thân thuộc trong đời sống hàng ngày như cua, cá, tôm, kì lân, phụng được thể hiện rất tỉ mỉ. Tất cả như một bức tranh dân gian sống động mang rõ nét đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Đang tải...