Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ PHÚ QUỐC, TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2040

Clock

10/07/2024

Ngoài khơi bờ biển dài 3.260 km hình chữ 's' của Việt Nam, rải rác là những hòn đảo đẹp tuyệt vời. Trong số đó, có một nhóm 22 hòn đảo gọi là Phú Quốc, nổi bật một mình với vẻ đẹp riêng biệt, nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc. Phú Quốc cùng với các hòn đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.

Lịch sử & liên kết vùng:

Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Nằm gần kề cửa ngõ Tây Nam của Vương quốc Campuchia… Phú Quốc nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, có lợi thế quan trọng trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nhất là chuỗi các điểm du lịch nổi tiếng như Singapo, Phuket, Bali, Hongkong, Nhật Bản, JeJu... tạo ra hấp lực đối với các tập đoàn đầu tư xuyên quốc gia. Đảo ngọc là một mắt xích quan trọng để kết nối các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, giải trí tầm cỡ quốc tế. Phú Quốc hội đủ các lợi thế về địa lý, tự nhiên, kinh tế, xã hội để phát triển nền kinh tế mở cửa, hướng ngoại và trở thành điểm nhấn về kinh tế - xã hội, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội vùng đồng    ,bằng sông Cửu Long và cả nước phát triển.

Những dấu tích đầu tiên của thời kỳ Văn hoá Óc Eo (thế kỷ 5 TCN) được tìm thấy tại bãi Trường, chứng tỏ Phú Quốc là một vùng đất định cư từ lâu đời. Mãi đến năm 1671, một thương nhân người Hoa tên Mạc Cửu cùng gia đình của mình chạy nạn từ Lôi Châu, Quảng Đông đến vùng đất phía Nam của Đàng Trong (khi đó thuộc đất Chân Lạp) xin tị nạn và lập trấn Hà Tiên.

Năm 1714, Mạc Cửu tự xin sáp nhập vùng đất này (toàn bộ vùng Hà Tiên trấn) vào Đàng Trong của chúa Nguyễn. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui. Khi thực dân Pháp đặt chân đến đây, đã công nhận nó thuộc về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và tiến hành xây dựng những trại giam được gọi là Nhà lao Cây Dừa và tiếp tục được chính quyền Sài Gòn trưng dụng, mở rộng thành trại giam tù binh Cộng sản.

“Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,

Non non, nước nước gẫm nên xinh…”

Hay

“Hà Tiên thuỷ tú sơn kỳ

Nhớ người khai khẩn khắc ghi ân tình..”

Những câu thơ trên đã gợi ra hình ảnh của xứ Hà Tiên nói chung và đảo Phú Quốc nói riêng có được cảnh sắc hữu tình, giao thương sầm uất thế nào. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đảo Phú Quốc vẫn tươi nguyên màu xanh của biển, của những bãi cát trắng phẳng lì.

Có thể di chuyển từ đất liền tới Phú Quốc qua 2 phương thức, đó là đi máy bay với ngày càng đa dạng các chuyến bay nội địa và quốc tế, hoặc có thể lựa chọn đi thuyền, phà hoặc tàu cao tốc. Song tàu cao tốc vẫn là lựa chọn chiếm ưu thế. Các tuyến tàu cao tốc đi Phú Quốc có khá nhiều, trong đó Phú Quốc Express và Superdong là những cái tên nổi bật nhất. Chính vì vậy, việc kết nối với 2 thành phố trung tâm của Kiên Giang là Hà Tiên và Rạch Giá – cửa ngõ đất liền phía Tây Nam của Tổ quốc rất thuận tiện, thúc đẩy liên kết và hợp tác chặt chẽ trong vùng, kết nối thị trường vùng và liên vùng với thị trường quốc gia và quốc tế.

Phú Quốc đang đóng vai trò là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng hàng đầu của tỉnh Kiên Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo vị thế dẫn dắt và thúc đẩy quá trình phát triển vùng, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông kết nối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo nên liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương cũng như khu vực.

Phú Quốc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nhưng bị chi phối mạnh bởi quy luật của biển nên khí hậu ôn hòa hơn so với đất liền. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả Phú Quốc được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đồng thời Phú Quốc cũng là trung tâm thương mại, dịch vụ ở tầm cỡ khu vực và quốc tế, là đô thị biển đảo, độc đáo và đặc sắc, là khu vực có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Nội dung quy hoạch

Theo Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 6-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ, đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, Phú Quốc phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Theo Đồ án quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trở thành một đô thị biển đảo, là trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ diện tích đất tự nhiên 589,27km2  của thành phố Phú Quốc gồm: 2 phường (Dương Đông, An Thới); 7 xã (Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu) và các khu vực nghiên cứu khả năng phát triển, xây dựng trên biển tại phía bắc và phía nam đảo Phú Quốc. Phú Quốc có chiều dài đảo là 50km và nơi rộng nhất ở phía Bắc đảo là 25km.

Định hướng phát triển thành phố Phú Quốc đến năm 2040 phù hợp với quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua chiến lược phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Quy hoạch định hướng thành phố phát triển có tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt phù hợp với điều kiện thực tiễn, đúng quy định pháp luật;

Quy hoạch, phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị-văn hóa.

Thành phố Phú Quốc sẽ có không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

 Tính chất

- Là đô thị biển - đảo có sức hấp dẫn, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.

- Là khu kinh tế biển có vị thế đặc biệt; trung tâm dịch vụ du lịch, sinh thái biển - đảo tổng hợp, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng của quốc gia và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế.

- Là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế.

- Là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực.

- Có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh và quốc phòng của Quốc gia.

 

* Phú Quốc còn thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn, nhiều công trình dự án mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đã, đang và sẽ được triển khai xây dựng tại hòn đảo xinh đẹp này, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của Phú Quốc phát triển nhanh hơn, manh hơn và bền vững hơn. Các ông lớn bất động sản ở Phú Quốc có thể kể đến như VINGROUP, BIM LAND thuộc BIM Group, MeyLand thuộc Tân Á Đại Thành, SUN GROUP…

Hệ thống khu vực cửa ngõ

  • Với đặc trưng của một thành phố biển đảo, cửa ngõ tiếp cận đô thị Phú Quốc bằng đường thủy là khu vực cửa ngõ quan trọng – tạo ấn tượng đối với du khách khi đến với Phú Quốc, cụ thể: Cảng hành khách quốc tế Dương Đông, An Thới, Bãi Vòng hiện hữu (mở rộng, nâng cấp) và khu vực cảng Vịnh Đầm (quy hoạch nâng cấp, mở rộng). Thiết kế các khu cảng với đường nét hiện đại, dễ tiếp cận và thuận lợi cho hoạt động của cảng (chủ yếu là dịch vụ nghề biển), kết hợp với quảng trường và các dãy phố dịch vụ, tạo không gian nhộn nhịp sầm uất của phố cảng. 
  • Cửa ngõ tại khu vực ngã ba Suối Mây: Là điểm đón hướng tiếp cận từ Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hướng trung tâm thành phố tại phường Dương Đông. Vị trí này có tầm nhìn đẹp, cần được thiết kế ấn tượng và khai thác lợi thế về hướng nhìn để tạo cho du khách cảm nhận về một thành phố Phú Quốc hiện đại, phát triển, tuy nhiên vẫn phải ứng xử hài hòa với thiên nhiên. 
  • Cửa ngõ khu vực đô thị phía Nam: Là điểm đón hướng tiếp cận từ Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hướng khu vực đô thị phía Nam đảo (An Thới), tổ chức tại phía Bắc rạch Cầu Sấu thuộc dự án khu đô thị hồ Suối Lớn. Khuyến khích tổ chức các quảng trường, khoảng lùi tạo ấn tượng không gian đón tiếp vào đô thị. 

Về khung thiết kế đô thị tổng thể

  • Các trục phát triển: kiểm soát tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi và hình thức kiến trúc công trình đối với trục phát triển chính đô thị theo hướng Bắc Nam; trục dọc bờ biển và 02 trục chính đô thị hướng ra biển tại Bãi Trường. 
  • Các không gian công cộng ven biển: Toàn bộ không gian cây xanh công viên, quảng trường ven biển của thành phố đều được tổ chức thành không gian mở công cộng, cho người dân và du khách tiếp cận, sử dụng. Khuyến khích phát triển các công trình cảnh quan làm biểu tượng, cầu cảnh quan trên biển nhằm tạo thêm điểm nhìn từ biển vào bờ tại các khu vực công cộng (như Bà Kèo, Dương Đông, Bãi Trường, Bãi Ông Lang, Cửa Cạn, Bãi Dài, Bãi Vòng, Bãi Sao, Rạch Vẹm, Bãi Thơm…). 
  • Các không gian công cộng ven sông Dương Đông, sông Cửa Cạn và các nhánh suối, kênh, các hồ Suối Lớn, hồ Rạch Cá, hồ Dương Đông: Cải tạo, hình thành dải không gian công cộng, quảng trường và tuyến phố trung tâm dọc theo sông Dương Đông trên cơ sở giữ lại cấu trúc mặt nước hiện hữu gắn với cảnh quan cây xanh và đô thị ven sông, đồng thời bổ sung mặt nước, quảng trường, công viên để kết nối liên hoàn hệ thống nước, cây xanh sinh thái và các quảng trường – công viên công cộng ven sông Cửa Cạn và các hồ lớn trên địa bàn. 

Các trục không gian chính

            Các trục Bắc - Nam: đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu

- Các trục Đông - Tây: trục đường nối đường tránh Dương Đông đi DT.973C (Hàm Ninh)

- Các tuyến cảnh quan:

+ Tuyến cảnh quan ven biển (tuyến cảnh quan chạy dài từ bãi Cửa cạn đến Mũi xếp - An Thới và tuyến cảnh quan từ Bãi Thơm chạy xuống Bãi Vòng).

+ Tuyến cảnh quan ven sông Dương Đông, sông Cửa Cạn, rạch cầu sấu.

+ Tuyến cảnh quan dọc các mạch suối và các khu vực hồ nước cảnh quan xuyên suốt trong từng khu vực phát triển đô thị.

 

Định hướng phát triển không gian

Mô hình cấu trúc phát triển đô thị

Thành phố Phú Quốc phát triển theo mô hình đa trung tâm, hình thành chuỗi đô thị tập trung bao gồm:

- Trung tâm đô thị - du lịch chính tại khu vực phường hiện hữu (Dương Đông, An Thới) và các trung tâm mới tại Cửa Cạn, Bãi Trường.

- Chuỗi đô thị - du lịch với mật độ thấp theo trục chính Bắc - Nam An Thới

- Cầu Trắng, trục giao thông vòng quanh đảo Bãi Vòng - Bãi Thơm - Rạch Tràm

- Rạch Vẹm - Gành Dầu - Cửa Cạn - Dương Đông - Bãi Trường - Bãi Khem kết nối cảng biển An Thới, Bãi Đất Đỏ, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

- Khung thiên nhiên gồm vườn quốc gia, rừng phòng hộ, các công viên đô thị, công viên chuyên đề và không gian mở được bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, tạo lập không gian cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn cho người dân và du khách đến trải nghiệm.

Trên đảo lớn Phú Quốc có các tuyến đường vòng quanh đảo, đường trục chính Bắc - Nam và các tuyến đường nhánh đến các xã; có tuyến đường biển nối với quần đảo Thổ Chu, nối đảo lớn Phú Quốc với đất liền và cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Phân vùng phát triển

Không gian thành phố Phú Quốc được chia thành 13 khu vực phát triển, cụ thể như sau:

- Phân khu 1 (Khu vực Dương Đông)

+ Thuộc phường Dương Đông và một phần xã Cửa Dương, xã Dương Tơ, Quy mô khoảng 6.192 ha.

+ Tính chất: Là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thể dục thể thao; trung tâm tài chính, trung tâm đô thị du lịch và thương mại, khu đô thị - du lịch hỗn hợp chính của thành phố Phú Quốc.

- Phân khu 2 (Khu vực Bãi Trường)

+ Thuộc xã Dương Tơ, có phạm vi, ranh giới như sau: phía Bắc giáp sân bay; phía Nam giáp phường An Thới; phía Đông giáp dãy núi Bảy Rồng; phía Tây giáp biển. Quy mô khoảng 2.485 ha.

+ Tính chất: Là khu chức năng đô thị - du lịch hỗn hợp chính, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ công cộng.

- Phân khu 3 (Khu vực Bãi Ông Lang - Cửa Cạn)

+ Thuộc xã Cửa Dương và xã Cửa Cạn. Quy mô khoảng 4.461 ha.

+ Tính chất: Là khu đô thị - du lịch hỗn hợp chính phía Bắc của thành phố, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, trung tâm giáo dục chuyên nghiệp và công nghệ cao; khu đô thị sinh thái kết hợp sân gôn và khu tái định cư.

- Phân khu 4 (Khu vực Bãi Vòng)

+ Thuộc khu vực phía Nam xã Hàm Ninh, Quy mô khoảng 2.132 ha.

+ Tính chất: Là khu đô thị phía Đông sân bay gồm chức năng dịch vụ du lịch hỗn hợp, khu đô thị sinh thái kết hợp sân gôn, bảo tồn phát huy giá trị khu dân cư làng chài ven biển.

- Phân khu 5 (Khu vực Bãi Sao)

+ Thuộc phường An Thới, Quy mô khoảng 442 ha.

+ Tính chất: Là khu đô thị du lịch hỗn hợp với cấu trúc mở, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, thể thao biển.

- Phân khu 6 (Khu vực An Thới)

+ Thuộc phường An Thới. Quy mô khoảng 1.454 ha.

+ Tính chất: Là đô thị chức năng du lịch hỗn hợp, khu đô thị cảng, thương mại, dịch vụ du lịch; không gian bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống cách mạng.

- Phân Khu 7 (Khu vực Vịnh Đầm)

+ Thuộc xã Dương Tơ,  Quy mô khoảng 482 ha.

+ Tính chất: Là khu đô thị du lịch hỗn hợp, giải trí du lịch biển; khu tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ hậu cần cảng.

- Phân khu 8 (Khu vực Bãi Khem và Mũi Ông Đội)

+ Thuộc phường An Thới, Quy mô khoảng 187 ha.

+ Tính chất: Là khu dịch vụ du lịch, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, thể thao biển.

- Phân khu 9 (Khu vực ven biển phía Đông)

+ Thuộc xã Bãi Thơm. Quy mô khoảng 2.015 ha.

+ Tính chất: Là khu dịch vụ du lịch, khu đô thị - du lịch hỗn hợp, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu giải trí thể thao biển, sân gôn.

- Phân khu 10 (Khu vực ven biển phía Bắc)

+ Thuộc xã Gành Dầu, Quy mô khoảng 713 ha.

+ Tính chất: Là khu đô thị du lịch hỗn hợp; khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, kết hợp tham quan rừng; tham quan làng nghề, khu bảo tồn sinh vật biển.

 

- Phân khu 11 (Khu vực ven biển phía Tây Bắc)

+ Thuộc xã Gành Dầu và xã Cửa Cạn. Quy mô khoảng 1.208 ha.

+ Tính chất: Là khu dịch vụ du lịch; khu nghỉ dưỡng cao cấp, giải trí sân gôn có casino gắn với các khu resort, thể thao biển, tham quan làng nghề...

- Phân khu 12 (Khu vực quần đảo Nam An Thới)

+ Phạm vi, ranh giới: gồm toàn bộ các đảo phía Nam An Thới, thuộc phường An Thới. Quy mô khoảng 738 ha.

+ Tính chất: Là khu dịch vụ du lịch, khai thác tổ chức các hoạt động tham quan, ngắm cảnh, bảo tồn môi trường biển; vui chơi, giải trí biển.

Các dự báo phát triển đô thị

 Quy mô dân số:

- Đến năm 2030, dự báo dân số toàn đô thị khoảng 400.000 người

- Đến năm 2040, dự báo dân số toàn đô thị khoảng 680.000 người

Quy mô đất đai:

- Đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 9.950 ha (gồm 5.590 ha hiện trạng, 4.360 ha xây dựng mới);

- Đến năm 2040: Đất xây dựng đô thị khoảng 14.785 ha,

Định hướng sử dụng đất quy hoạch

Diện tích tự nhiên thành phố Phú Quốc là 58.927 ha, định hướng sử dụng đất quy hoạch thành phố Phú Quốc theo các giai đoạn quy hoạch như sau:

            * Đến năm 2030

- Đất xây dựng đô thị khoảng 9.950 ha,

- Đất nông nghiệp khoảng 2.508 ha.

- Đất lâm nghiệp khoảng 37.196 ha.

- Đất khác khoảng 9.273 ha.

* Đến năm 2040

- Đất xây dựng đô thị khoảng 14.785 ha

- Đất nông nghiệp khoảng 2.508 ha.

- Đất lâm nghiệp khoảng 37.196 ha.

- Đất khác khoảng 4.439 ha.

 

Trụ sở hành chính, cơ quan cấp thành phố sẽ được xây dựng mới tại khu vực hai bên đường Cách mạng Tháng 8 (cuối khu vực sân bay cũ) thuộc phường Dương Đông (khoảng 16 ha). Trụ sở hành chính, cơ quan cấp phường sẽ bố trí theo quy hoạch phân khu; có thể nghiên cứu bổ sung theo nhu cầu phát triển của đô thị.

Đáng chú ý, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được định hướng nâng cấp, cải tạo đến năm 2030 đạt công suất 10 triệu hành khách/năm; sau năm 2030 công suất 18 triệu hành khách/năm. Cảng biển bao gồm các khu bến Phú Quốc có thể đón tàu tổng hợp đến 30.000 tấn kết hợp bến khách, phà biển, bến du thuyền phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố Phú Quốc.

Thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt đối với các khu vực phát triển phía Bắc và Đông Bắc đảo, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài quý hiếm, đặc hữu, phục hồi hệ sinh thái rừng đối với Vườn Quốc gia Phú Quốc; bảo vệ hệ sinh thái thảm cỏ biển, động vật biển quý hiếm, rạn san hô...

Thành phố Phú Quốc trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch mới luôn cần chú trọng bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng, hệ thống sông suối tự nhiên, các không gian ven biển, các không gian sinh hoạt công cộng, các giá trị thiên nhiên, nhân văn cấp có các bản sắc riêng của địa phương; đồng thời, chủ động xây dựng các phương án, giải pháp bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là khu vực ven biển, đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng của những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Phú Quốc đến năm 2040 sẽ là khu kinh tế có vị thế đặc biệt; trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế. Phú Quốc trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế.

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...