Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
21/12/2023
Ở Hải Phòng, vùng đất ven biển phía Đông Bắc của Tổ quốc, ít nhất từ thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII) trở đi, mỗi xã, làng, người dân đều dựng đình làm ngôi nhà chung của cộng đồng, nơi ban bố chính lệnh của triều đình, đồng thời cũng là trụ sở của chính quyền làng xã. Đình cũng là nơi tôn thờ những người có công với đất nước, xóm làng làm thành hoàng/người bảo trợ cho cuộc sống tinh thần của người dân. Ngôi đình thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, gắn kết cộng đồng làng xã. Xưa, qua bàn tay tài hoa của người thợ dân gian Hải Phòng, rất nhiều ngôi đình đã được xây dựng có giá trị về lịch sử văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Trải qua thăng trầm của lịch sử, đến nay nhiều đình làng chỉ còn đọng lại trong ký ức của người dân. Song vẫn còn không ít ngôi đình rất nổi tiếng được mọi người biết và nhắc đến như đình Kiền Bái (huyện Thủy Nguyên), đình Hàng Kênh, Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân), đình Nhân Mục, Cung Chúc, Quán Khái (huyện Vĩnh Bảo)… cũng đủ cho chúng ta tự hào về một nền kiến trúc điêu khắc đình làng truyền thống ở vùng đất Hải Phòng. Trong số những tuyệt tác nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc đó, đình Hàng Kênh nổi bật là công trình để đời về hình khối kiến trúc, đậm sắc hương về nghệ thuật chạm khắc. Trải hơn 300 năm thăng trầm của lịch sử, đình vẫn được bảo lưu gần như nguyên vẹn một công trình kiến trúc gỗ to lớn, bề thế, có hình chữ công gồm 7 gian tiền tế, 3 gian ống muống, 3 gian hậu cung và đặc biệt còn giữ được nguyện vẹn hệ thống ván sàn lòng thuyền hiếm có (ngoài đình Hàng Kênh ở Hải Phòng chỉ còn đình Kiền Bái lưu giữ được thôi). Dưới góc độ tín ngưỡng, một số quan điểm cho rằng hình thức “ván sàn lòng thuyền” là biểu hiện của cặp “âm dương” đối đãi, thông tầng, “thiên - địa” giao hòa đem lại nguồn sức mạnh vô biên của vũ trụ, trời đất, phản ánh ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Về kết cấu kiến trúc, phần sàn nhà được lát ván (thường bằng gỗ) còn phần lòng thuyển là khoảng không gian gian chính giữa tòa công trình, thường để nền đất nện phẳng (sau này mới lát gạch). Tại vị trí thấp nhất của ngôi đình, diễn ra các nghi thức, nghi lễ trong lễ hội hàng năm. Đứng trước thánh thần “bậc tối linh, tối thượng” con người luôn nhỏ bé để được sự che chở, ban phước lành, sức khỏe và hạnh phúc của vị bản cảnh thành hoàng.
Về ứng xử Nho giáo, “ván sàn” gắn với một trong ba chức năng cơ bản của ngôi đình làng, là trung tâm hành chính của cộng đồng làng xã, nơi các quan viên, chức sắc làm việc, xử kiện, đấu tụng… Do vậy, hình thức trên góp phần quan trọng trong bộ máy hành chính làng quê. Tại khu vực “ván sàn” việc phân thứ, bậc rất rõ ràng, vị trí ngồi phân chia theo địa vị của từng người. Có thể nói, gắn với ứng xử Nho giáo, ngôi đình làng như một tiểu triều đình, là công cụ quan trọng của chính quyền phong kiến trong việc quản lý, điều hành làng xã
Trong lòng đình Hàng Kênh còn bảo tồn được hàng trăm mảng chạm khắc gỗ tinh xảo, với đề tài chủ đạo Long - Phượng, đã đưa ngôi đình trở thành một Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc sống động, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm.
Điều cuốn hút du khách đến với đình Hàng Kênh chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm khắc trên gỗ còn ở chỗ các nghệ nhân dân gian đã sử dụng các thủ pháp chạm lộng, chạm bong, chạm thủng tinh xảo, tạo cho thế giới điêu khắc ở đây trở nên vô cùng sống động. Tại các mặt ngoài ván gió, ván nong, xà nách, “cốn”, cánh gà, đầu dư, kẻ, bẩy đều được chạm khắc dày đặc với chủ đề chính là rồng, phượng, mây, hoa và lá thiêng... Trên các mảng chạm nổi, chạm bong kênh hay chạm lộng, thường ở trung tâm là rồng chầu hoa cúc mãn khai/mặt trời, giao long, rồng đàn, rồng ổ, rồng bố - mẹ - con quấn quýt bên nhau, vuốt râu rồng, rồng kéo chân phượng, trâu…
Theo một số nhà nghiên cứu dân tộc học, mĩ thuật thì rồng là mây, mưa, là linh vật tầng trời, có khả năng giao hoan với muôn loài. Vì vậy, mới sinh ra đàn rồng con. Tại đây, chúng ta cũng bắt gặp hình tượng đôi rồng (yếu tố dương) chầu con trâu (mặt trăng/yếu tố âm), rồng nâng cá chép... Phải chăng, người xưa như muốn thông qua các tác phẩm điêu khắc này để gửi gắm khát vọng cầu âm dương hòa hợp, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi. Đó cũng là một tâm thức thường trực trong tư duy liên tưởng của dân gian trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp truyền thống ở nước ta.
Đang tải...