Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
02/04/2024
Theo tinh thần của sự phục hưng Châu Á, kinh tế phát triển nhanh đã biến đổi các đô thị với tốc độ chóng mặt, kéo theo những vấn đề: Trẻ hóa đô thị để nâng cao chất lượng sống; Xây dựng đô thị giàu sức cạnh tranh hơn; Gìn giữ bản sắc, bảo tồn di sản gắn liền với thích ứng phát triển…
Trẻ hóa đô thị được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau trong kiến trúc đương đại. Sự trẻ hóa diễn ra từ việc cải tạo nhằm thổi sức sống mới vào một tòa nhà cũ, tái phát triển một khu phố cũ, đến thiết kế các tòa nhà hoàn toàn mới và chuyển đổi toàn bộ thành phố. Đã có những ví dụ thành công về các dự án có vai trò là chất xúc tác thúc đẩy quá trình trẻ hóa đô thị mạnh mẽ như: Bảo tàng Guggenheim đã làm trẻ hóa Bilbao, sự hồi sinh của Cheonggyecheon ở Seoul, khu Clarke Quay ở Singapore…
Thực tiễn cho thấy kiến trúc đã trải qua nhiều chu kỳ phát triển, biến đổi và hồi sinh – “trẻ hóa” nhiều lần qua hàng thiên niên kỷ. Kiến trúc cổ điển đã được “trẻ hóa” trong thời kỳ Phục hưng, trải qua một số lần thay đổi. Trong thế kỷ 20, chủ nghĩa Hiện đại đã diễn giải lại với sự trẻ hóa mạnh mẽ, từ phong cách Quốc tế, chủ nghĩa Kiến tạo, cho đến Giải Kiến tạo, chủ nghĩa Tối giản và thậm chí, cả phong cách Hiện đại nhiệt đới.
Nhiều thành phố ở các quốc gia đang phát triển đang ưu tiên xu hướng trẻ hóa đô thị mới như một phương tiện xúc tác để mở rộng cơ sở hạ tầng, tiếp thị du lịch và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Từ việc cải tạo khu tập thể cũ nhằm tái sinh diện mạo và chất lượng sống nơi đô thị, xây dựng không gian công cộng, phát triển không gian xanh từ những nơi vốn ô nhiễm đến tái sử dụng thích ứng di sản công nghiệp…đều là những loại hình góp phần thúc đẩy sự tái sinh diện mạo và chất lượng sống trong lòng đô thị hiện đại.
Những khu tập thể được xây dựng từ thế kỷ trước giờ đây xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân, cùng với hiện tượng cơi nới chuồng cọp đã ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị .
Về vấn đề này, trong năm 2022, Hà Nội đã hoàn thành chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. Thành phố cũng rà soát 11 dự án, trong đó 10 chung cư cũ đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại. Mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định lập kế hoạch chi tiết để xây dựng lại 23 chung cư cũ ở khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Giải pháp cải tạo các khu tập thể hết niên hạn không chỉ nâng cao chất lượng công năng và tính thẩm mỹ cho không gian nhà ở của người dân mà còn góp phần khoác “tấm áo mới” cho diện mạo đô thị.
Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh. Quá trình “bê tông hóa” đô thị kéo theo sự thiếu hụt những những không gian sinh thái đáp ứng nhu cầu thư giãn, nâng cao sức khỏe tinh thần cho người dân.
Việc xây dựng thêm nhiều sân chơi tái chế, biến bãi rác thành công viên xanh vừa đáp ứng nhu cầu gặp gỡ, kết nối của cộng đồng vừa góp phần xây dựng môi trường đô thị đáng sống.
Hà Nội đang trong quá trình xây dựng và cải tạo vùng ven sông Hồng để hướng tới một không gian sinh thái công cộng, một trong số đó là “Dự án cải tạo bờ vở sông Hồng” tại ngõ Bạch Đằng (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Trước năm 2021, khu vực này là một bãi rác tự phát. Nhằm biến “bãi rác” thành một không gian đa chức năng cho cộng đồng, dự án gồm các hoạt động: dọn sạch rác tích tụ và tập huấn về phân loại rác; xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt bằng phương pháp sinh học; trồng vườn và cây che; làm sân chơi cho trẻ em.
Mô hình thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường sống đô thị, xây dựng không gian sinh thái nhân văn nơi cộng đồng gặp gỡ, tìm những khoảng xanh trong lành để thư giãn tinh thần, tham gia các hoạt động ý nghĩa, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng hệ sinh thái bản địa.
Không chỉ mang lại những giá trị tích cực trên phương diện môi trường và xã hội, “trẻ hóa đô thị” còn thúc đẩy bảo tồn những giá trị di sản, một trong số đó là phương pháp tái sử dụng, biến quỹ đất công nghiệp bỏ hoang thành không gian văn hóa sáng tạo.
Nhiều nhà máy, cơ sở công nghiệp là minh chứng và biểu tượng bước tiến của quá trình công nghiệp hóa của thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tại một thời điểm lịch sử. Tuy nhiên, sự tồn tại của những khu công nghiệp bỏ hoang, những nhà máy đứng trên bờ vực lỗi thời và lạc hậu, không còn giá trị sử dụng theo thời gian cũng gây lãng phí diện tích đất, ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến diện mạo đô thị.
Giải pháp để khai thác một cách hiệu quả, cân bằng giữa các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội là biến những quỹ đất này thành không gian văn hóa sáng tạo – một loại hình phát triển thích ứng di sản công nghiệp, đảm bảo sự tiếp nối bền vững những giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm là công trình đường sắt trọng yếu tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, nay đã có kế hoạch di dời theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 vừa qua, di sản công nghiệp trăm năm tuổi này được cải tạo trở thành không gian cho những triển lãm sắp đặt, trưng bày điêu khắc, pavilion truyền cảm hứng.
Đây là loại hình tái sử dụng thích ứng, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đánh thức “dòng chảy di sản” trong lòng đô thị với một diện mạo mới mang vẻ đẹp của sức sống nghệ thuật.
Công ty PVCHB – đơn vị đang thực hiện nghiên cứu giải pháp “trẻ hóa đô thị” thông qua phương pháp “Phát triển thích ứng di sản công nghiệp” chia sẻ trong đồ án nghiên cứu: “Nhà máy xe lửa Gia Lâm với vị trí chiến lược trong quá khứ, tầm vóc và lịch sử xứng đáng là một công trình di sản công nghiệp, trong những nghiên cứu quy hoạch hiện tại hướng tới tương lai vẫn đóng vai trò quan trọng có thể sẽ là cú hích đầu tiên cho những nỗ lực kiến tạo mô hình “Không gian văn hóa – Sáng tạo cộng đồng” hiệu quả, ấn tượng và bền vững bao gồm: Bảo tàng đường sắt Gia Lâm, Không gian sáng tạo, Công viên nghệ thuật”.
Việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân, tạo cơ hội phát triển du lịch, thương mại, văn hóa dựa trên di sản công nghiệp. Những hoạt động như vậy cũng giúp đô thị có được sức sống mới, trẻ trung, năng động hơn, “thay da đổi thịt” bức tranh về công nghiệp văn hóa, sáng tạo của thành phố.
Không chỉ có các khu công nghiệp, đô thị hôm nay còn hiện hữu những không gian mang giá trị lịch sử, gắn liền với những thăng trầm của dòng chảy thời đại. Hoạt động chuyển đổi những không gian như vậy thành nơi giao lưu văn hóa nghệ thuật…giúp cải thiện kiến trúc cũ và nuôi dưỡng giá trị văn hóa cổ xưa trong lòng đô thị hiện đại.
Khu di tích 22 Hàng Buồm trăm năm về trước đã từng là Hội quán Quảng Đông – nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng của người Quảng Đông và là nơi giao thương, buôn bán giữa các thương nhân Hoa Kiều, được trùng tu và phục dựng vào cuối năm 2018, nay trở thành không gian trưng bày triển lãm nghệ thuật. Mang tên gọi chính thức là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, nơi đây trở thành một điểm hẹn của những người đam mê nghệ thuật.
Trong Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo năm 2021, tại khu di tích này, nhóm nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, Vũ Xuân Đông và KTS di sản Nguyễn Hoàng Phương đã thực hiện Triển lãm “Ký ức 22 Hàng Buồm”, trong đó trưng bày và kể lại những câu chuyện về lịch sử của không gian 22 Hàng Buồm. Không gian trưng bày những kỷ vật của một thời đã qua, đưa khách tham quan trở về quá khứ, khám phá những câu chuyện về sự đời, về con phố hay những nhân vật đã bị lãng quên, để bảo tồn và gìn giữ lịch sử sống mãi với thời gian.
Với các loại hình đa dạng, “trẻ hóa đô thị” là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, “trẻ hóa đô thị” được kỳ vọng sẽ mang đến những tác động tích cực trên mọi phương diện kinh tế, môi trường, văn hóa, xã hội, góp phần tái sinh diện mạo và nâng cao chất lượng cuộc sống của đô thị hiện đại.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1-2024)
Đang tải...