Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Lan can đá chùa Bút Tháp

Clock

11/12/2023

       Tên gọi: Lan can đá chùa Bút Pháp ( Stone railing of But Thap pagoda)

  • -  Mã số: H31

    -  Vị trí công trình, hiện vật: Chùa Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

  • - Tỷ lệ: 1/1

    -  Nơi trưng bày mô hình, hiện vật: Phòng trưng bày kiến trúc truyền thống Việt Nam - NEEC
  • Không chỉ là ngôi cổ tự giữ nhiều bảo vật quốc gia nhất nước ta, chùa Bút Tháp còn là di tích quốc gia đặc biệt ẩn chứa những thông điệp tinh tế trên từng bức chạm. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với tháp đá Báo Nghiêm, với bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, với Cửu phẩm liên hoa… mà trong từng nét chạm trổ trên lan can đá, không chỉ thể hiện sự độc đáo về nghệ thuật kiến trúc thời Lê - Nguyễn, mà còn ẩn chứa những thông điệp muôn đời về khoa cử và sự vinh hiển.

  • Mảng chạm khắc đá chùa Bút Tháp là một thành phần gắn với kết cấu kiến trúc, ở một mặt nào đó, nó đóng vai trò trang hoàng cho kiến trúc ngôi chùa, nhưng tách ra có thể xem nó như một tác phẩm nghệ thuật độc lập với một phong cách nghệ thuật riêng và một thế giới quan phong phú.

    Những tấm chạm khắc đá làm thành một lan can trang trí bao quanh bốn mặt tòa thượng điện, làm thành hai cánh gà hai bên. Cánh gà bên trái được tạo bởi 15 cột trụ hoa sen với chiều dài 22,86m, cánh gà bên phải gồm 14 cột trụ hoa sen, với chiều dài 20,86m. Chiều cao của lan can đá là 0,45m, chiều cao của trụ sen là 0,98m, những tấm trang trí bằng đá được thể hiện trên lan can, nằm xen kẽ bởi các cột trụ hoa sen, mỗi tấm nằm ngang có chiều dày là 14cm, cao 60cm và dài 130cm. Tất cả gồm 26 tấm đá, mỗi tấm được chạm nổi một hoặc đôi khi là hai cảnh. Nối từ Thượng điện sang nhà Tích Thiện Am, là một chiếc Cầu đá bắc nhịp qua một hồ sen nhân tạo dẫn sang tòa Tích Thiện Am, nơi có tòa Cửu phẩm liên hoa. Cầu đá được xây dựng kiểu ghép đá vòm cuốn, gồm năm lớp đá dẫn xuống ba cấp bậc. Hai bên thành cầu cũng là những bức chạm đá, mỗi bên 3 tấm, chạm cả hai mặt.

    Và ở đó hơn năm mươi tấm chạm khắc ở ba vị trí trung tâm: 26 tấm lan can tòa Thượng điện, 6 tấm trên Cầu đá và 23 tấm trên tháp Báo Nghiêm với đầy đủ các đề tài: từ những đề tài mang tính huyền thoại như con rồng, con phượng đến những đề tài hiện thực như hoa lá, chim thú các loài và cả hình ảnh con người từ nô bộc, dũng sỹ đến ông quan... hết sức sinh động, làm bớt đi vẻ cô tịch chốn thiền môn.

    Song, cái hay của những bức chạm khắc ở đây là mỗi một hoa văn: hoa lá, chim muông, v.v Chúng không đứng đơn lẻ như những họa tiết trang trí mà được kết hợp với nhau trong những bố cục hoàn chỉnh với những nội dung, ý nghĩa cụ thể. Chúng như tạo ra một thế giới sống động, phong phú và đa dạng. Những bức chạm ở đây được thể hiện với những phong cách nghệ thuật khác nhau, song tất cả đều nhất quán trong một cái nhìn cuộc sống lạc quan.

    Đặc điểm đầu tiên ta thấy được là hình thức kết cấu theo băng dải, một hình thức vốn có từ rất sớm trong nghệ thuật truyền thống, song cái đặc sắc của những bức hình trang trí ở đây là hình thức chia ô. Trên một băng dải dài hàng chục mét được chia làm nhiều ô hình chữ nhật nối tiếp nhau và mỗi tác phẩm được bố cục trong một khung hình khép kín.

    Đặc điểm thứ hai của nghệ thuật chạm đá chùa Bút Tháp là tất cả các tác phẩm được bố cục bằng hai hình thức chính là bố cục đăng đối và bố cục tự do. Và dù ở bất kỳ sự sắp xếp nào thì nó vẫn bộc lộ sự sáng tạo, tình cảm ngẫu hứng của người nghệ sỹ dân gian. Phong cách nghệ thuật cũng vậy, với hai phong cách chủ đạo là cách điệu và tả thực. Trong đó, hầu hết các tác phẩm đều có sự thống nhất hài hòa giữa hai phong cách trên và tất cả đều có chung một mục đích là toát lên cái khí, cái thần cho tác phẩm.

    Ngoài những giá trị nghệ thuật về kết cấu băng dải về bố cục và những thủ pháp nghệ thuật, sự độc đáo của những tấm chạm đá ở đây là một sắc thái đậm đà của nghệ thuật dân gian. Nhìn vào đó  không thấy sự gò bó của bất kỳ một nguyên tắc nào và người nghệ sỹ cũng không bị phụ thuộc quá nhiều vào hiện thực khách quan. Bằng những đường nét hình khối được chắt lọc mang tính biểu cảm cao, các tác phẩm chạm đá chùa Bút Tháp đã nói lên một cuộc sống với thiên nhiên hoa lá chim muông, v.v... tràn đầy sự sống. Mỗi tác phẩm như một thông điệp cho những ước mơ, khát vọng về một cuộc sống an lành, phồn thịnh.

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...