Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Mô hình nhà cổ Tiền Giang

Clock

20/12/2023

Đây là mô hình nhà ở của nhà ông Bùi Ngọc Hưởng tại ấp Tân Phú, xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang với niên đại hơn trăm năm tuổi.

Ngôi nhà nằm trong một vườn rộng có nhiều cây cối xanh mát. Nhà có cấu trúc kiểu nhà chữ đinh sân trong, xếp đọi - kiểu nhà truyền thống vùng Nam bộ. Căn nhà được chính thiết kế nằm ngang với nhà trên và nằm dọc với nhà dưới, đây cũng là kiểu nhà gọi là đinh thuận, lưỡng hợp một âm, một dương. Giữa nhà trên và nhà dưới cách nhau bằng một sân trong, khoảng không gian sân trong giúp chiếu sáng và thông gió cho hai nhà. Chiều dài sân bằng chiều dài nhà dưới và cả chiều sâu nhà trên. Mặt sân luôn thấp hơn mặt sàn nhà trên và nhà dưới.

Nhà dưới là căn nhà dưới gồm 2 nếp nhà kiểu xếp đọi nối vách nhưng không nối mái. Toàn bộ nhà chính và nhà phụ đều có mái tứ trụ kiểu bánh ít.

Gian chính giữa là không gian thờ cúng tâm linh nên chỉ mở cửa chính cho thoáng, cửa đi được bố trí ở 2 gian tả hữu của gian thờ bằng hai bậc tam cấp có tay vịn.

Nhà có kết cấu kiểu xuyên trính có đầu dư, kèo chồng. Đặc trưng của cấu trúc kèo chồng đó là các thanh kèo được đặt nằm nghiêng theo chiều dốc của mái liên kết các đầu cột với nhau và đầu của thanh kèo nằm phía dưới được gác lên đuôi của thanh kèo nằm phía trên. Cấu trúc bộ vì có hai cột ở trung tâm (cột hàng nhất) nằm về hai phía đối xứng với đòn đông. Chúng được nối với nhau bằng một thanh dầm ngang (trính/trến), phía trên của trính còn có một trụ ngắn chống nóc. Đây là ngôi nhà có bộ khung sườn nhà gỗ cao cứng cáp, liên kết dọc bằng xuyên – ngang bằng trính, kết cấu kèo đỡ nóc kiểu trính đỡ cây chống đứng trên con đấu đỡ đòn dông. Dân gian gọi là kết cấu chày và cối, trỏng chéo (nghĩa là chống chéo). Đây là môtíp hay kiểu thức đỡ nóc xuất hiện và phổ biến ở vùng nam Trung bộ (Bình Định, Phú Yên). Với kỹ thuật này, trụ đã đóng một vai trò kết cấu quan trọng tương tự như cột giữa. Ngược lại, những hình thức khác như: trụ đỡ trực tiếp phía dưới hai kèo và đòn đông, hoặc trụ được cắt ngắn đi để không chạm đến giao điểm của hai kèo, thì thấy vai trò kết cấu của trụ đã bị giảm bớt. Thanh chính ngôi nhà có hình dáng thẳng và rộng do khoảng cách của hai cột cái lớn. Liên kết dọc bằng các thanh xuyên. Trên các hàng cột nhất tiền và hậu có các mộng luồn đỡ các xuyên nhất dọc; cứ lần lượt trên các hàng cột nhì, ba, đều có các mộng luồn đỡ thanh xuyên nhị, ba. Các hàng cột đều có đá kê chân tảng để tăng độ vững chắc cho bộ khung và chống ẩm cho bộ khung gỗ nhà. Liên kết ngang bằng các kèo ăn mộng luồn vào các hàng cột nhất, nhì, ba và cột hiên. Cửa cái của nhà trên mở ở cạnh dài của ngôi nhà, còn cửa chính của nhà dưới mở ở cạnh hồi ngôi nhà. Vì vậy, cửa chính ở nhà trên và nhà dưới sẽ được mở ra cùng một hướng, có chung mái hiên trước, tạo được sự đồng nhất cho toàn bộ ngôi nhà.

Nhà có chiều cao từ nền đến mái: 6m, chiều cao lấy sáng từ nền - giọt ranh: 2.2m Khoảng cách này cho thấy ngôi nhà có bộ mái lớn, hiên thấp chống được mưa nắng hắt vào hiên nhà.

Ngôi nhà có cổng mở vào cạnh dọc nhà. Nhà có 2 bậc tam cấp mở hai gian bên tránh khách lạ đi trực tiếp vào gian thờ cúng của gia đình. Các cột chính và cột phụ chia không gian nhà ra làm ba phần: gian chính giữa lẫn hai gian bên thờ phụng, tiếp khách, còn lại dùng làm nơi ngủ.

Nhà trên quan trọng vì là nơi thờ cúng tổ tiên nên thường bề thế, cao hơn nhà dưới, đây cũng là nơi sinh hoạt chủ yếu của nam giới. Nhà dưới là nơi ở chung của gia đình, nơi sinh hoạt thường xuyên của phụ nữ. Phòng khách thường chiếm toàn bộ diện tích nửa phía trước của nhà trên. Còn hai gian chái phía sau là nơi bố trí hai buồng ngủ. Nhà trên kê một bộ bàn ghế chính giữa, hai bên kê nhiều bộ phản.

Không gian nhà dưới là không gian nấu nướng, tiếp họ hàng thân quen như anh chị em trong gia đình. Không gian ngoài ngôi nhà sẽ là khoảng sân vườn, chiều dài và rộng của nó sẽ là khoảng bằng chiều dài của nhà dưới – chiều sâu nhà trên nên rộng rãi và thoáng mát.

Ngôi nhà sử dụng hoàn toàn các vật liệu xây dựng truyền thống, Mái ngói hai tầng dày chồng lên nhau giúp cách nhiệt. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, với hai lớp dày chồng lên nhau được thiết kế nghiêng theo hệ vì kèo tạo khả năng chống chọi lại mưa bão giúp công trình trở nên vững chắc, an toàn hơn.

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...