Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
20/12/2023
Đây là mô hình nhà ở của ông Vi Văn Hành, thôn Khòn Thống, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Nhà trình tường có hai tầng: phía trên là người ở, phía dưới nhốt gia súc, phía ngoài có hai lớp tường, có cửa sổ nhỏ, cửa đi chắc chắn giúp chống lại thổ phỉ và giặc cướp, trong nhà có lỗ châu mai để bắn ra ngoài. Nhà lợp ngói âm dương và thường làm theo kiểu ba gian đứng không có chái ở hai phía đầu hồi. Nhà trình tường có chiều sâu dài hơn mặt tiền, có nhiều buồng và có bếp ở phía sau. Sàn gác bằng gỗ để chứa các công cụ sản xuất và trữ lương thực, thực phẩm. Sàn ở cũng được làm bằng gỗ, ít vật dụng trong nhà. Mặt sàn được sử dụng làm nơi tiếp khách. Đối với những ngôi nhà trệt là nhà nhà đã chuyển gia súc, gia cầm nuôi bên ngoài, vật dụng được sử dụng nhiều hơn như giường, bàn ghế…Bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí cao và trang trọng của ngôi nhà, thường được đặt chính diện cửa ra vào và phía trước của bếp. Việc cất dựng một ngôi nhà cũng mang nhiều nét đẹp trong phong tục tập quán và đậm tính nhân văn: Đầu tiên là việc chuẩn bị nguyên vật liệu và lương thực, thực phẩm phục vụ cho việc xây dựng một ngôi nhà. Đó là tục cho mhau vay mượn vật liệu như ngói, gỗ và giúp nhau đi lấy gỗ trên rừng. Đến ngày cất dựng nhà, bà con dân bản sẽ tự động đến giúp đỡ mà không cần gia chủ đến nhờ. Việc xây cất nhà cửa sẽ được thầy Mo, Tào xem xét ngày giờ kỹ lưỡng, nếu kị hoặc xung sẽ phải chờ sang năm khác hoặc lấy tuổi của người khác trong gia đình như cha, anh em trai hoặc con. Ngôi nhà trình tường truyền thống sau khi cất dựng xong thường có khuôn viên hẹp với một khoảng sân nhỏ. Các nhà được làm theo dãy dài, chung tường với nhau và có cửa thông sang nhà nhau. Có những dãy nhà dài tới 56-60m. Chính kiến trúc xây nhà này đã tạo nên bản làng truyền thống của người Tày- Nùng khăng khít, keo sơn, quần tụ theo lối mật tập. Mỗi ngôi nhà như một pháo đài kiên cố.
Đang tải...