Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
11/12/2023
Tên gọi: Nhà thờ đá Phát Diệm – Kim Sơn (Phat Diem Stone Cathedral)
- Mã số: MO2
- Vị trí công trình, hiện vật: Ninh Bình
- Tỷ lệ: 1:50
- Nơi trưng bày mô hình, hiện vật: Phòng trưng bày kiến trúc truyền thống Việt Nam - NECC
Nhà thờ đá Phát Diệm là quần thể nhà thờ Công giáo được đánh giá đẹp nhất Việt Nam. Công trình tọa lạc trên diện tích 22 ha ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng từ năm 1875 đến năm 1899, được thiết kế độc đáo, thể hiện sự sự giao hòa giữa Phật giáo với Thiên Chúa giáo và cũng là nét kết hợp văn hóa Đông – Tây đậm nét nhất. Tất các các hạng mục được bố trí theo một mặt bằng tổng thể hình chữ “Vương”. Không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rõ nét: trước là hồ nước, sau là núi. Theo quan niệm người Á Đông “Tiền có thủy, hậu có sơn”. Mong muốn mọi việc diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống. Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ. Trong đó có một nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá. Phương đình (tháp chuông); ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. Toàn bộ phần mộc, nội thất nhà thờ và các bức vách hai bên được làm bằng gỗ lim thân lớn. Lợp mái là ngói mũi hài, loại ngói truyền thống ở các đình chùa.
Nhà thờ Phát Diệm độc đáo ở chỗ mặc dù là công trình Công giáo. Nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam với vô số mái cong hình mũi thuyền.
Nhà thờ Phát Diệm được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu đá và gỗ lim. Gỗ được lấy từ nhiều địa phương như Nghệ An, Thanh Hoá, Sơn Tây…. Còn đá được đưa về từ núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30 km. Đá quý hơn lấy ở núi Nhồi gần tỉnh lỵ Thanh Hóa, cách 60 km.Có những cây gỗ nặng tới 7 tấn, những phiến đá nặng đến 20 tấn đã được vận chuyển bằng phương tiện thô sơ hồi cuối thế kỷ XIX.
Nhà thờ đá Phát Diệm còn có nhiều chi tiết được chạm trổ rất tinh xảo. Quanh công trình được bài trí vô số hình tượng thân thuộc. Tinh hoa nghệ thuật ở nhà thờ đá Phát Diệm còn thể hiện rõ sự hài hòa giữa nghệ thuật chạm khắc đá và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam như biểu tượng thánh giá (biểu trưng đạo Công giáo) ngự trên đài sen (biểu trưng Phật giáo), những chữ “vạn” của nhà Phật khắc trên mấy đóa hoa mân côi, các phù điêu đá, gỗ chạm khắc hình ảnh Chúa Jesus và các vị thánh; trong đó các vị thánh trang phục theo kiểu Việt nhìn thật sống động mà gần gũi, quen thuộc như xem tranh dân gian; cột đá chạm hình hoa sen biểu hiện các giai đoạn “sinh - lão - bệnh - tử” theo triết lý nhà Phật.Ấn tượng hơn nữa là Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ được tạo dựng hoàn toàn bằng đá, cung thánh sơn son thếp vàng chói lọi với nhiều hoa văn, họa tiết chạm trổ tinh tế, công phu nhưng vẫn tạo cảm giác thật dịu dàng, yên bình bởi thiết kế bình dị và quen mắt theo nguyên lý Dịch học của phương Đông “trời tròn, đất vuông”. Nơi đây còn có một câu Kinh thánh được chạm khắc lên đá bằng Việt ngữ thời sơ khai.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại với những tác động từ thiên tai, chiến tranh nhưng công trình vẫn vững chãi và gìn giữ được nguyên trạng cho đến ngày nay. Quần thể kiến trúc nhà thờ đá Kim Sơn đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1988.
Đang tải...