Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Phòng trưng bày kiến trúc truuyển thống

Clock

10/10/2023

1. Cổng chùa Kim Liên (Kim Lien Pagoda gate)

Bất cứ ở đâu, từ nơi thôn quê đến chốn thị thành, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngôi chùa cổ kính đơn sơ hoặc khang trang bề thế. Hình ảnh mái chùa có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm thức của người Việt. Chùa Kim Liên được mệnh danh là “bông sen vàng trên mặt nước Tây Hồ” khi nằm ngay giữa trung tâm thành phố, hướng mặt ra phía hồ Tây đầy thơ mộng.Ngôi chùa này ngự tại địa phận phố Từ Hoa, thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội. Nhắc đến những ngôi chùa có kiến trúc đẹp cổ kính không thể không kể đến chùa Kim Liên. Nơi đây được xây dựng làm cung điện, đến nay vẫn giữ được những nét đặc trưng cung đình thời xưa. Từ xa nhìn lại, chùa Kim Liên hiện lên với cổng “Tam quan - Tứ trụ” - nét đẹp đơn sơ, mộc mạc nhưng vẫn toát lên sự uy nghiêm. Đây là cổng chùa duy nhất tại miền Bắc còn giữ được nét đặc trưng này, đồng thời là minh chứng cho sự kế thừa và phát huy những nét đẹp cổ truyền của dân tộc. Để nói rõ hơn về cụm từ “tam quan”, tam là ba, “quan” nghĩa là cửa, ở đây nói đến hệ thống cấu trúc 3 cửa dùng trong các công trình cổ thời phong kiến. Tứ trụ là 4 cột trụ được xây chắc chắn tạo thành 3 lối đi, 2 trụ chính ở giữa có kích thước lớn hơn so với 2 trụ phía ngoài rìa.

2 cánh cửa chùa Phổ Minh (2 doors of Pho Minh Pagoda)

Bộ cánh cửa chùa Phổ Minh gồm có bốn cánh, hai cánh hiện nay trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, hai cánh còn lại được Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tầm và đưa về lưu giữ từ năm 1961. Hiện nay hai cánh cửa này đang được trưng bày trên hệ thống trưng bày chính của bảo tàng, thuộc phần lịch sử giai đoạn triều Trần. Hai cánh cửa nằm ở gian giữa của tiền đường được tạo bằng 2 tấm gỗ lim lớn, to dày, cao 1m92, rộng 0,715m, nguyên khối, gồm 2 cách trang trí đối xứng. Ô trên được chạm trang trí 4 rồng chia làm 2 cặp đối xứng nhau, 2 cặp rồng lớn trong ô lá đề và 2 cặp rồng nhỏ. Các con rồng trang trí trên cánh cửa chùa Phổ Minh đều có đặc điểm đầu ngẩng cao, thân uốn khúc, đuôi chụm về phía đỉnh lá đề. Thân rồng hình tròn, thon, không có vảy, mào lửa dài. Hai rồng lớn thắt túi, miệng há, bờm và râu bay lên tạo mây lửa, thân rồng mập tròn cuốn thành khúc nhỏ dần về đuôi. Cả 2 rồng trong tư thế cuộn trong hình lá đề, xung quanh chấm mây lửa, giữa là bông sen nở. Mỗi rồng đều có 4 chân, 2 chân trước và 2 chân sau cầm dải mây xoắn, chân rồng có 3 móng vuốt. Phần dưới chạm 2 bông hoa cúc nở đối xứng, phía trên chạm lá đề, cánh sen kép, hàng dưới chạm sóng nước. Hai cánh cửa này nằm trong cụm di tích đền Trần - chùa Phổ Minh. Bộ cánh cửa là cấu kiện kiến trúc chất liệu gỗ có niên đại thời Trần còn lại duy nhất của ngôi chùa cổ Phổ Minh. Không giống những bộ cánh cửa thông thường, trên bộ cánh cửa này, đề tài trang trí chính được thể hiện là hình tượng rồng - một biểu tượng quen thuộc gắn với quyền lực của vua và triều đình trong các triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam. Hình tượng rồng không đơn thuần là đề tài trang trí làm tôn vẻ đẹp, sự uy nghi, tôn quý của bộ cánh cửa mà qua đó còn khẳng định quy mô kiến trúc, vị thế của di tích có bộ cánh cửa đó chính là chùa Phổ Minh - một công trình được xây dựng từ thời nhà Lý, đến thời Trần được mở rộng với quy mô to lớn hơn.

3. Rồng đá nền điện Kính Thiên (Carved Stone Dragon on the foundation of Kinh Thien Palace)

Điện Kính Thiên (được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông) - cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Đến 1886 điện bị phá hủy, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nay). Rồng đá trong hệ thống thành bậc điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa.

4. Nhà sàn đồng bào Thái (The Thai people's stilt house)

Nhà sàn là một sản phẩm văn hóa đặc sắc, giữ vị trí quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các DTTS. Với đồng bào Thái, trong bối cảnh giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, thì việc bảo tồn, gìn giữ các nếp nhà sàn truyền thống chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái là công trình tổng hợp giữa kiến trúc xây dựng, nghệ thuật trang trí, thiết kế hài hòa với thiên nhiên, thích ứng với khí hậu miền núi và mang dấu ấn văn hóa đặc trưng. Nhà của người Thái bao giờ cũng dựng theo hình thái của núi, sông suối, cánh đồng nơi mình sinh sống, thường là lưng tựa núi, hướng nhìn ra thung lũng. Sở dĩ như vậy vì gió thường 

thổi dọc thung lũng, cho nên áp lực của gió lên ngôi nhà sẽ là bé nhất.

Ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như: Gỗ, tre, nứa, song, mây, tranh, kè, cọ... Để làm được một ngôi nhà sàn, thì khâu chuẩn bị gỗ là công phu nhất. Sở dĩ như vậy là vì nhà sàn yêu cầu chất lượng gỗ tốt, bền bỉ trong môi trường tự nhiên, đủ sức chịu lực. Đồng thời, gỗ có mặt trong hầu hết các kết cấu quan trọng nhất của ngôi nhà sàn Thái truyền thống và được sử dụng để làm cột, kèo, quá giang, xà dọc, xà ngang. Gỗ làm cột nhà thường là cây gỗ to, được chặt vào mùa Đông để tránh mối mọt.

Đối với xà có thể chọn các loại gỗ khác, nhẹ hơn, không cứng bằng gỗ làm cột, nhưng tuyệt đối không thể bị mối, mọt. Công việc khai thác và vận chuyển gỗ đòi hỏi sự liên kết của các cá nhân trong cộng đồng làng, bản. Chính trong quá trình chuẩn bị ấy, tinh thần tương thân tương ái, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng người Thái được thể hiện rõ nét.

Dân tộc Thái quan niệm, con số may mắn phải là số lẻ, nên kết cấu nhà ở thường là nhà 3 gian hoặc 5 gian, nhà nào giàu thì 7 gian, tổng số cửa sổ và cửa chính cũng phải là con số lẻ. Hai cầu thang ở hai đầu ngôi nhà cũng là bậc lẻ 7, 9, 11 hoặc 13 bậc thang. Trong đó, “tang chan” là cầu thang bên phải dành cho phụ nữ, “tang quản” là cầu thang bên trái dành cho nam giới. Ngôi nhà được chia làm 3 tầng, tầng thứ nhất là gầm sàn dùng để chất củi, để nông cụ, tầng thứ hai là mặt sàn là nơi sinh hoạt của gia đình, tầng thứ 3 là gác trên là nơi cất giữ đồ vật quý”.

Nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái là công trình tổng hợp giữa kiến trúc xây dựng, nghệ thuật trang trí, thiết kế hài 

hòa với thiên nhiên, thích ứng với khí hậu miền núi và mang dấu ấn văn hóa đặc trưng. Tập quán sinh sống giữa những vùng thung lũng, gắn với ruộng đồng và rừng núi đã hình thành nên lối kiến trúc độc đáo, phù hợp với điều kiện thực tế. Sàn cao giúp ngôi nhà tránh được ẩm thấp, thú dữ; kết cấu nhà chắc chắn giúp công trình trụ vững giữa thời tiết khắc nghiệt vùng cao, tồn tại đến vài chục năm và được bao thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ đến tận hôm nay. Dưới đôi bàn tay tài hoa, khả năng tính toán chính xác và sự hợp sức của dân bản, những ngôi nhà sàn cứ thế lần lượt dựng lên dưới chân núi, ven thung lũng, hay cạnh những cánh đồng trải rộng, hình thành nên những cộng đồng làng bản có chung một nền văn hóa.

Trên thực tế, mỗi ngành dân tộc Thái, hay mỗi vùng miền sẽ có thói quen dựng nhà mang nét riêng, nhưng về tổng thể kiến trúc, kết cấu ngôi nhà đều như nhau. Nếu nhà sàn của dân tộc Thái trắng có 4 mái phẳng thì nhà của dân tộc Thái đen lại có mái khum khum hình mai rùa và có khau cút ở hai đầu mái nhà. Những người già trong trong bản giải thích rằng, mái nhà hình mai rùa gắn với truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa của đồng bào dân tộc Thái được thần rùa “Pua tấu” dạy cách làm nhà theo hình rùa đứng để tránh được lũ lụt và thú dữ. Còn khau cút là điểm nhấn đặc trưng vừa để trang trí vừa là vật thiêng, gắn với tín ngưỡng của dân tộc nên không thể thiếu khi dựng nhà.

 

5. Tứ trụ đình làng Đường Lâm (Four pillars at the gate of Duong Lam communal house)

Diện mạo của ngôi đình hiện nay được xây dựng theo kiểu chữ “Công”, gồm Nghi môn (cổng chính), sân đình, Tả mạc (nhà bên trái), Hữu mạc (nhà bên phải) và Đại đình (hay tòa Đại bái, tức tòa đình chính). Ngoài ra, ở bên ngoài đình (phía tay phải từ đình nhìn ra) có nhà Xích hậu. Đây là nơi tiếp khách, và là nơi chuẩn bị lễ trước khi vào đình. Nghi môn của đình gồm bốn trụ vuông xây gạch, hai trụ lớn và hai trụ nhỏ. Bốn đầu trụ tạo tác lồng đền hình vuông có chạm nổi tứ linh, trên đỉnh hai trụ lớn có hai con sư tử ngồi nhìn ra phía giữa, đỉnh hai trụ nhỏ đội hai bình hoa. Ba mặt trụ có các câu đối chữ Hán chạm nổi. Sân đình rộng, lát gạch, hai bên có Tả Hữu mạc, mỗi nhà có năm gian nhỏ. Đây là nơi thờ tổ tiên các dòng họ trong làng và người có công với làng…

 

6. Nhà dân gian Bắc Bộ (Northern folk house)

Trước năm 1954, nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, dù là nhà giàu hay nghèo, cũng chủ yếu là các kiểu nhà dân gian 1 tầng có mặt bằng hình chữ nhật và được phân theo gian số lẻ, chẳng hạn 5 gian hay 3 gian 2 chái, cấu trúc chủ yếu bằng gỗ hoặc tre, mái lợp ngói hoặc thảo mộc (rơm rạ, tranh, bổi, lá cọ…). Trong khuôn viên nhà thường có ngôi nhà chính và 1-2 nhà phụ nằm vuông góc với nhà chính tạo thành bố cục hình thước thợ hay chữ U, tất cả đều quây quần quanh một sân trời rộng thoáng, phía trước sân thường là vườn cây và đôi khi có cả ao cá. Người Việt luôn coi trọng việc chọn đất làm nhà: “Lấy vợ hiền hòa, chọn nhà hướng nam”. Ngoài ra, họ còn dựa vào thuyết phong thủy để xây nhà trên thế đất tụ linh, tụ phúc... phù hợp với vận mạng của gia chủ. Nhà thường được kết cấu ba gian hai trái, gỗ tốt dùng để làm khung nhà. Nhà ở của cư dân đồng bằng Bắc bộ thường được làm bằng khung xoan, mít hay tre có kết cấu vững chắc với vì kèo ba bốn cột, liên kết bởi xà ở đầu và bậu ở chân cột. Xoan, mít hay tre sau khi được chọn lựa, để tránh bị tượng mối mọt và tăng độ bền, trước khi dựng nhà người ta thường mang đi ngâm ở các ao, hồ khoảng 1-2 năm. Nhà thường được làm với kết cấu ba gian hai trái, đối với những nhà khá giả thì có thể nhiều hơn và nguyên vật liệu làm khung nhà được chọn có thể là những cây gỗ tốt hơn. Mái của ngôi nhà được thiết kế có độ dốc lớn để thoát nước mưa và tránh dột, tận dụng không gian từ độ dốc lớn làm thành gác, kệ lửng thêm chỗ để kho chứa thóc lúa, ngô khoai… Mái đưa ra xa chân tường vừa tạo nên bóng râm vừa tránh mưa hắt vào các chân cột gỗ và tường đất nện. Từ đó tạo nên hiên nhà giúp che nắng (tránh ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào trong nhà), đồng thời nới rộng không gian sử dụng tiện ích cho ngôi nhà. Chất liệu lợp mái tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà có thể là ngói hoặc tranh.

7. Cổng nhà bằng gạch ở Bắc Bộ (Brick gate of Northern Delta house)

Khi nhắc về những ngôi làng truyền thống của vùng quê Bắc Bộ, có lẽ hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tiềm thức của mỗi người, đó chính là cây đa, bến nước, sân đình. Thế nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến một hình ảnh vô cùng thân thương, mà bất kỳ người con xa quê 

nào cũng thấy xúc động mỗi khi trở về, đó là chiếc cổng làng, cổng nhà.

Cổng nhà gắn liền vơi sự phát triển của mỗi ngôi nhà, từ những chiếc cổng thô sơ bằng đất, bằng đá, cho đến những chiếc cổng được xây bằng ngói, gạch vững chắc, đều là một phần hồn cốt của quê hương, của gia đình.

Cổng nhà không chỉ là nơi chốn ra vào mà còn là một không gian gắn liền với ký ức tuổi thơ, với cả quá trình trưởng thành của mỗi người.

Cổng nhà, đường làng, cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình vẫn chưa bao giờ là xưa cũ, nó luôn gợi ra rất nhiều cảm xúc, chỉ đơn giản là nghe tiếng bước chân mình vang nhẹ trên con ngõ trở về nhà, trong một ngày làng quê bình yên cũng đủ khiến tâm hồn của mỗi người xao xuyến.

 

8. Nhà thờ đá Phát Diệm – Kim Sơn (Phat Diem Stone Cathedral)

Nhà thờ đá Phát Diệm là quần thể nhà thờ Công giáo được đánh giá đẹp nhất Việt Nam. Công trình tọa lạc trên diện tích 22 ha ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng từ năm 1875 đến năm 1899, được thiết kế độc đáo, thể hiện sự sự giao hòa giữa Phật giáo với Thiên Chúa giáo và cũng là nét kết hợp văn hóa Đông – Tây đậm nét nhất. Tất các các hạng mục được bố trí theo một mặt bằng tổng thể hình chữ “Vương”. Không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rõ nét: trước là hồ nước, sau là núi. Theo quan niệm người Á Đông “Tiền có thủy, hậu có sơn”. Mong muốn mọi việc diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống. Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ. Trong đó có một nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá. Phương đình (tháp chuông); ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. Toàn bộ phần mộc, nội thất nhà thờ và các bức vách hai bên được làm 

bằng gỗ lim thân lớn. Lợp mái là ngói mũi hài, loại ngói truyền thống ở các đình chùa.

Nhà thờ Phát Diệm độc đáo ở chỗ mặc dù là công trình Công giáo. Nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam với vô số mái cong hình mũi thuyền.

Nhà thờ Phát Diệm được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu đá và gỗ lim. Gỗ được lấy từ nhiều địa phương như Nghệ An, Thanh Hoá, Sơn Tây…. Còn đá được đưa về từ núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30 km. Đá quý hơn lấy ở núi Nhồi gần tỉnh lỵ Thanh Hóa, cách 60 km. Có những cây gỗ nặng tới 7 tấn, những phiến đá nặng đến 20 tấn đã được vận chuyển bằng phương tiện thô sơ hồi cuối thế kỷ XIX.

Nhà thờ đá Phát Diệm còn có nhiều chi tiết được chạm trổ rất tinh xảo. Quanh công trình được bài trí vô số hình tượng thân thuộc. Tinh hoa nghệ thuật ở nhà thờ đá Phát Diệm còn thể hiện rõ sự hài hòa giữa nghệ thuật chạm khắc đá và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam như biểu tượng thánh giá (biểu trưng đạo Công giáo) ngự trên đài sen (biểu trưng Phật giáo), những chữ “vạn” của nhà Phật khắc trên mấy đóa hoa mân côi, các phù điêu đá, gỗ chạm khắc hình ảnh Chúa Jesus và các vị thánh; trong đó các vị thánh trang phục theo kiểu Việt nhìn thật sống động mà gần gũi, quen thuộc như xem tranh dân gian; cột đá chạm hình hoa sen biểu hiện các giai đoạn “sinh - lão - bệnh - tử” theo triết lý nhà Phật. Ấn tượng hơn nữa là Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ được tạo dựng hoàn toàn bằng đá, cung thánh sơn son thếp vàng chói lọi với nhiều hoa văn, họa tiết chạm trổ tinh tế, công phu nhưng vẫn tạo cảm giác thật dịu dàng, yên bình bởi thiết kế bình dị và quen mắt theo nguyên lý Dịch học của phương Đông “trời tròn, đất vuông”. Nơi đây còn có một câu Kinh thánh được chạm khắc lên đá bằng Việt ngữ thời sơ khai.

Trải qua hơn 100 năm tồn tại với những tác động từ thiên tai, chiến tranh nhưng công trình vẫn vững chãi và gìn giữ được nguyên trạng cho đến ngày nay. Quần thể kiến trúc nhà thờ đá Kim Sơn đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1988.

9. Văn miếu Quốc Tử Gíam

Hà Nội tự hào có vô số sự hùng vĩ, lịch sử và những câu chuyện huyền diệu có thể mê hoặc hầu hết mọi du khách. Ẩn chứa những điểm tham quan thanh bình và yên bình, thành phố này sở hữu một kho tàng mang đậm dấu ấn lịch sử, được coi là trường đại học quốc gia đầu tiên của nước ta - Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nằm ở phía Nam Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu được vua Lý Thánh Tông thành lập vào năm 1070, cách đây gần 1000 năm, là ngôi đền thờ Khổng Tử. Năm 1076, con trai ông thành lập  một trường học hoàng gia chỉ dành cho những thành viên thuộc tầng lớp thượng lưu như hoàng tử, quý tộc và quan chức.

Trường học hoàng gia, được coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam,  được mở cửa trong khoảng 700 năm và đào tạo hàng trăm học giả và quan lại nổi tiếng. Bất chấp chiến tranh, thiên tai liên miên, Văn Miếu vẫn giữ được giá trị kiến ​​trúc, văn hóa quý giá. Có diện tích hơn 54000 mét vuông, Văn Miếu được bao quanh bởi một bức tường gạch cổ, bao gồm năm sân theo các phong cách khác nhau.

Sân thứ nhất (Đại Trung Môn): Cổng bên trái và bên phải lần lượt được gọi là 

Thành Đức và Đạt Tài, thể hiện sự kỳ vọng của Nhà vua đối với học giả học bác uyên thâm.

Tại đây, trên mỗi đầu cổng có biểu tượng con cá. Truyền thuyết kể rằng, hàng năm, Trời tổ chức một cuộc thi cá chép, con nào có thể vượt qua những con sóng mạnh nhất để nhảy sang phía bên kia thác sẽ biến thành một con rồng mạnh mẽ. Con cá đó chính là đại diện các học giả. Chỉ bằng cách học tập chăm chỉ và cố gắng không ngừng nghỉ,họ mới có đủ kiến ​​thức và thông minh để vượt qua tất cả các kỳ thi và trở thành quan lại phụng sự triều đình.

Vào thời kỳ đó, các sĩ tử được học tất cả về học thuyết của Khổng Tử, văn học và văn hóa Trung Quốc. Có 3 vòng thi, đó là: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Trường hợp ai không may mắn hoặc không đủ tài năng sẽ phải đợi 3 năm tiếp theo mới được tham gia kỳ thi.

Sân thứ hai:

Tại đây có một công trình được coi là biểu tượng của Hà Nội, hình ảnh quen thuộc in trên mặt sau tờ tiền 100.000 đồng, chính là Khuê Văn Các. Công trình kiến ​​trúc độc đáo này được xây dựng vào năm 1805 với bốn cột đá quét vôi trắng. Kiến trúc này mang đậm triết lý âm – dương. Có cao có thấp, có gió có nước, có trời có đất. Nền gạch hình vuông, hình tượng tượng trưng cho đất, trời hiện diện trong kiến ​​trúc thượng tầng bằng gỗ được trang trí bằng bốn mặt trời tròn, được viền bằng gỗ, tỏa ánh sáng ra bốn hướng. Rồng ngự trên mái, chầu nguyệt. Khuê là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời và toàn bộ chòm sao có hình dạng giống chữ "Văn học" trong tiếng Hán. Nó hàm ý mong muốn một nền giáo dục thịnh vượng và phát triển, mãi tỏa sáng như sao Khuê giữa bầu trời. Bên trong sân, một chiếc chuông đồng hàng nghìn năm tuổi được treo trên trần nhà và chỉ rung vào những dịp tốt lành. Hai bên Khuê 

Văn Các có hai cổng nhỏ: Súc văn (văn chương hàm ý, súc tích) và cổng Bí văn (văn chương trau chuốt, sáng sủa).

Sân thứ ba:

Sân thứ ba có diện tích hình vuông, còn được gọi là giếng Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh). Ý nghĩa đằng sau đó là hình vuông tượng trưng cho đất còn hình tròn trên đỉnh đình tượng trưng cho trời, tất cả cùng nhau tạo nên sự hài hòa giữa trời và đất. Giếng này có chức năng như một tấm gương hấp thụ tinh hoa tốt nhất của vũ trụ.

Hơn thế nữa, ngoài việc giúp cho bầu không khí Văn Miếu thêm trong lành, thanh tịnh, giếng còn là nơi để các sĩ tử nhìn lại chính mình, ăn mặc chỉnh tề trước khi bước vào khu vực linh thiêng, trang trọng.

Phía trong sân chính là khu vực nhà bia. Con rùa đội trên lưng mình tấm bia ghi tên của các vị tiến sĩ đỗ đạt thời xưa, như một minh chứng biểu hiện cho nền văn hiến bất diệt của dân tộc Việt Nam. Trên bia viết triết lý của triều đại đó và liệt kê thông tin về các kỳ thi và các tiến sĩ. Trước đây có 116 tấm bia, nhưng đến nay chỉ còn 82, do ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh. Việc chạm trổ, điêu khắc những con rùa đội bia tiến sĩ này đã phản ảnh được đặc trưng kiến trúc của triều đại. Trong văn hóa Việt Nam, con rùa là là một trong tứ linh: Long (rồng), Lân (kỳ lân), Quy (rùa), Phụng (phượng. Rùa không chỉ là con vật gần gũi, thân thuộc với đời sống tinh thần của người Việt Nam, mà còn biểu  hiện cho tuổi thọ và trí tuệ, giống như những gì nó mang trên lưng, kiến ​​thức và những sĩ tử đỗ đạt, thành danh…

Bước vào khu thứ tư: Khu Đại Thành với cửa Khổng sân Trình, đây là khu quan trọng nhất của Văn Miếu với điện Đại Thành thờ Khổng Tử, Tứ Phối cùng  

Thập Triết. Ngay giữa chánh điện có một bàn thờ điển hình hiện hữu trong mỗi ngôi nhà của các gia đình Việt Nam. Bàn thờ luôn được đặt ở vị trí trung tâm, thiêng liêng nhất của ngôi nhà, nơi mọi người thờ cúng tổ tiên. Trong bàn thờ phải có 5 yếu tố cơ bản gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ chứa đầy lễ vật và hương khói.

Bên phải và bên trái của sân hành lễ có 2 ngôi nhà ban đầu dùng làm nơi đặt 207 ô vuông thờ 72 vị đệ tử danh giá nhất của Khổng Tử và Chu Văn An. Ở trung tâm là Bái Đường (Nhà hành lễ), nơi diễn ra các nghi lễ. Tòa nhà đứng trên hai bức tường được chống đỡ bởi chín cây cột, được bao bọc bởi những con rồng tưng bừng cúi lạy mặt trăng. Hạc đậu trên lưng rùa ở hai bên bàn thờ có thể được coi là biểu tượng của sự hòa hợp giữa trời và đất. Bát khí bằng gỗ tượng trưng cho tám loại vũ khí của quan văn sĩ. Phía sau là điện Đại Thánh, nơi thờ Khổng Tử và 4 đệ tử thân cận của ông: Nhan Hồi, Tăng Sâm Tử Tư và Mạnh Tử. Cũng trong điện đại thành này, ở hai bên đầu hồi còn thờ  10 bài vị bằng đá hay còn gọi là Thập Triết (Mười học trò giỏi nhất của khổng Tử).

Trước kia đã có một thời kỳ đây là khu đền Khải thánh, thờ thân phụ, thân mẫu của Khổng Tử, nhưng đã bị phá hủy. Khu nhà Thái Học mới được thành phố Hà Nội xây dựng lại năm 1999 để tôn vinh văn hóa truyền thống, kỷ niệm 1000 năm của Thăng Long – Hà Nội và dành cho các sĩ tử quốc gia. Các thiết kế của sân Thái Học dựa trên kiến ​​trúc truyền thống hài hòa với sự hài hòa với các điểm tham quan xung quanh của Văn Miếu. Kiến trúc nhà Thái Học mô phỏng kiến trúc dân tộc gồm nhà tả vu, hữu vu, tiền đường, hậu đường, nhà để chuông, trống và các công trình phụ trợ... Các vật liệu chính để xây dựng là gỗ lim, ngói mũi hài và gạch.

Sân thứ năm được làm bằng 2 tầng. Tầng trệt có một bức tượng của Chu Văn An, một nhà giáo tuyệt vời và là hiệu trưởng đầu tiên của Học viện Imperia, người đã dành cả cuộc đời của mình cho giáo dục Việt Nam. Ngoài ra còn có hình ảnh và cổ vật về giáo dục Nho giáo ở Việt Nam vào thời điểm đó. Tầng trên là nơi mọi người thờ ba vị vua đóng góp nhiều nhất trong việc xây dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

10. Tháp Bình Sơn – Sông Lô (Binh Son Tower)

Tháp Bình Sơn tọa lạc trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh, thuộc thị trấn Tam Sơn (Sông Lô - Vĩnh Phúc) được mệnh danh là tòa tháp "đẹp nhất xứ Bắc" mang kiến trúc tiêu biểu thời Lý - Trần ở Việt Nam.

Tương truyền, Tháp Bình Sơn có 15 tầng trên nóc tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở, bằng đất nung, tạo cho toàn thân tháp dáng vươn lên khá đẹp. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn lại 11 tầng cao 16,5m không kể bệ tháp và phần chóp tháp đã bị mất. Tháp Bình Sơn có bình đồ hình vuông, nhỏ dần về phía 

ngọn, với mỗi chiều tầng dưới cùng là 4,45m, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55m.

Toàn tháp được xây dựng từ những viên gạch nung không tráng men, với loại vuông và chữ nhật. Từ bệ tháp đến hết tầng 2, có chiều cao dưới 6m hoa văn hoàn chỉnh nhất. Ở hai tầng này có họa tiết trang trí kỹ lưỡng với hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi, cùng mô típ "sư tử hí cầu"… Từ tầng thứ ba trở lên, trang trí vẫn còn, nhưng càng lên cao, chiều ngang mặt tháp càng bị thu hẹp, thì trang trí cũng giảm dần. Mặt ngoài của gạch ốp này đều có trang trí hoa văn rất phong phú như hoa chanh, hình lá đề, sư tử vờn cầu, rồng uốn khúc ... Có viên gạch được khắc một hình trang trí, có hình lại do 2 viên hoặc 4 viên ghép lại mới thành. Đường nét trang trí ở đây rất tinh tế, phóng khoáng, hình dáng chắc khỏe, mang đầy sinh khí của nghệ thuật dân tộc thời kỳ phong kiến tự chủ cường thịnh thời Lý - Trần (Thế kỷ XII - XIII).

Vào năm 1969, tháp Bình Sơn đã từng bị ngập nặng khiến tỉnh Vĩnh Phúc phải cho dựng khung sắt cùng vành đai thép để giai cố tránh tháp bị sụp đổ. Năm 1972, tháp Bình Sơn được phục dựng lại bởi tay nghề của nhiều nghệ nhân, kĩ thuật viên, … nhằm trở về với dáng vẻ nguyên bản nhất.

Tháp Bình Sơn với hình khối thanh thoát, đường nét mềm mại, trang trí phong phú điêu luyện, là di tích lịch sử và di tích nghệ thuật có giá trị cao của nước ta. Đây cũng được xem là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay.

11. Cá chép hóa rồng (The carp transforming into a dragon)

Sự tích câu chuyện cá chép hoá rồng là một huyền thoại cổ của người dân Châu Á và đã được truyền miệng cho đến ngày nay. Theo truyền thuyết, khi trời đất mới được hình thành, Trời đã tạo mưa giông và sấm chớp. Nước cũng được tạo ra từ mưa và tạo nên sông, biển cũng như các sinh vật dưới nước. Trời đã tạo ra rồng, con vật bay lượn trên trời để phun nước xuống trần gian tạo mưa. Tuy nhiên, số lượng rồng rất ít, không đủ để làm mưa đầy đủ khắp nơi. Vì vậy, Trời tổ chức cuộc thi để chọn loài động vật nào có thể trở thành rồng. Theo cuộc thi, các sinh vật cần vượt qua 3 đợt sóng lớn để thể hiện sức mạnh và tài năng của mình. Cuộc thi kéo dài một tháng, có sự tham gia của nhiều loài động vật khác nhau. Cuối cùng, chỉ có cá chép đặc biệt có thể vượt qua và hoá rồng. Con cá chép này có viên ngọc quý trong miệng và phát sáng lấp lánh. Với sự xuất hiện của gió, mây từ cá chép, gió mưa và trời đẩy nước lên cao, chú cá chép đã vượt qua 3 đợt sóng và vượt qua cửa Vũ Long Môn bằng cách nhả viên ngọc. Từ đó, chú cá chép được công nhận hoá rồng.

Ý nghĩa cá chép vượt Vũ Môn hóa rồng gắn liền với truyền thuyết “Cá chép hóa rồng” của dân tộc Việt. Hình ảnh cá chép vượt Vũ Môn hóa rồng trở thành biểu tượng của sự may mắn, can đảm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách. Bên cạnh đó, từ một cá nhỏ bé, nhưng đã không nản lòng, quyết tâm vượt qua được Vũ Long Môn, vẫy đuôi, râu, sừng tự nhiên mọc đủ, hình dạng oai phong, rạng rỡ. Cá chép hóa rồng phun nước khắp nơi, làm cho đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi, giúp muôn loài sinh sôi phát triển. Chính vì thế, hình ảnh cá chép vượt Vũ Long môn cũng được xem là biểu tượng cho sự an lành và sung túc, thịnh vượng trong cuộc sống, may mắn về tài lộc trong kinh doanh, và công thành danh toại trong thi cử, sự nghiệp. Hình ảnh này cũng đã được sử dụng rất nhiều trong hội họa, điêu khắc, nghệ thuật, tranh đồng, hay các sản phẩm đồ đồng phong thủy khác...

 

12. Gác chuông chùa Keo (Keo pagoda’s bell tower)

Tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Di tích quốc gia đặc biệt - Chùa Keo là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn bảo tồn được hầu như nguyên vẹn kiến trúc xưa. Trong quần thể kiến trúc của ngôi chùa có tuổi đời 4 thế kỷ này thì công trình nổi bật nhất phải kể đến là Gác chuông nằm phía sau chùa, đây được đánh giá là gác chuông to, đẹp vào hàng bậc nhất trong các gác chuông của chùa cổ ở Việt Nam. Gác chuông chùa Keo được làm hoàn toàn bằng gỗ, có độ cao 11,04m chia làm 3 tầng, 12 mái, tượng trưng như một bông hoa sen vươn lên giữa vùng quê Thái Bình. Mỗi tầng của gác chuông được làm 4 mái, mỗi mái đều có đầu đao cong mềm mại. Kết cấu gỗ của công trình sử dụng hệ thống “chồng đấu tiếp rui”, chưa hề gặp trong kiến trúc gỗ Việt Nam truyền thống. Tỷ lệ giữa các tầng kiến trúc của gác chuông rất cân đối, tỷ lệ hợp lý giữa các bờ nóc, bờ thẳng, bờ mềm, độ vươn của bờ nóc gác đao được hài hoà trong tổng thể kiến trúc. Các chi tiết chạm khắc trang trí mỹ thuật tinh xảo càng tôn thêm vẻ đẹp lộng lẫy của tòa gác chuông. Theo đánh giá của giới nghiên cứu, gác chuông chùa Keo là một trong những công trình sáng giá nhất trong toàn bộ kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện còn tồn tại.

Không phải ngẫu nhiên mà gác chuông Chùa Keo được coi là biểu tượng của Thái Bình; là đối tượng của nhiều loại hình nghệ thuật như tranh, ảnh, thơ, ca. Có thể một trong những lý do là bởi nhìn bề ngoài gác chuông có vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, thâm nghiêm song không kém phần đồ sộ, lộng lẫy, thể hiện chiều sâu văn hoá của mảnh đất, con người Thái Bình. Song thực chất ẩn chứa trong nó là một giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo khác biệt, góp phần làm cho kiến trúc chùa Keo trở thành một công trình kiến trúc Phật giáo sáng giá nhất trong toàn bộ kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện tồn.

13. Quần thể chùa Tây Phương (Tay Phuong pagoda)

Chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc tự 崇福寺) là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Câu Lâu ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Chùa Tây Phương thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Việt và là minh chứng một nền văn hóa lâu đời của xứ Đoài…Theo nhiều thông tin còn lưu giữ lại thì chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thế kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau gồm có chùa: Chùa Hạ, chùa Trung, Chùa Thượng. Mỗi tòa đều có kiến trúc riêng rẽ nhưng lại kết hợp thành một quần thể.Từ chân núi, phải trải qua 239 bậc lát đá ong thì mới đến đỉnh núi và cổng chùa.Chùa Tây Phương gồm ba nếp nhà song song: bái đường, chính điện và hậu cung. Mỗi nếp có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tường xây toàn bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần tạo thành một không khí rất thô sơ mộc mạc, điểm những cửa sổ tròn với biểu tượng sắc và không; các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh trong khắc hình cánh sen.Chùa Tây Phương gồm ba nếp nhà song song: bái đường, chính điện và hậu cung. Mỗi nếp có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tường xây toàn bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần tạo thành một không khí rất thô sơ mộc mạc, điểm những cửa sổ tròn với biểu tượng sắc và không; các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh trong khắc hình cánh sen. Xung quanh diềm mái của ba tòa nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung, các đầu đao mái cũng bằng đất nung đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng giàu sức khái quát và khả năng truyền cảm. Nơi đây còn là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Khắp chùa chỗ nào có gỗ là có chạm trổ. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long… đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc Việt: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù… rất tinh xảo được tạo ra dưới bàn tay thợ tài hoa.

14. Mô phỏng gian chính nhà truyền thống Bắc Bộ (The main compartment of the traditional Northern house)

Gian chính giữa thường được làm to hơn hai gian còn lại. nhìn ra cửa chính của ngôi nhà. Gian chính giữa là gian thờ gia tiên sẽ có phần nội thất như: án gian, cửa võng thờ nhiều lớp được đục chạm cầu kỳ, hoành phi câu đối, đại tự.

Đối với những ngôi nhà có kiến trúc truyền thống ngày xưa như nhà gỗ, nhà mái ngói ba gian, năm gian thì đồ nội thất của gia đình đó chính là bàn ghế trường kỷ xưa, sập gụ tủ chè,… Bộ bàn ghế 

trường kỷ xưa mang đến ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống tinh thần của người Việt. Điểm nổi bật của dòng bàn ghế trường kỷ xưa đều được làm theo những tích cổ xưa, những hình ảnh truyền thống như rồng, dáng phượng, hoa sen được chạm trổ tỉ mỉ, trau chuốt. Vì thế, gia đình nào mà sở hữu được những bộ bàn ghế trường kỷ xưa này hẳn sẽ gặp nhiều may mắn, bình an, hạnh phúc. Bộ trường kỷ xưa được xem là một trong những món đồ thân quen, hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày. Bàn ghế trường kỷ để trưng bày ở phòng khách, tiếp đãi khách uống nước, làm bàn ăn cơm trong gia đình mỗi dịp đoàn tụ. Hay có khi trở thành chiếc phản để ngả lưng trong những ngày hè oi nóng. Ngoài ra bàn ghế trường kỷ còn tượng trưng cho vị thế gia đình. Đa số các thiết kế nội thất của gia đình trưởng họ hay con cả đều không thể thiếu sự có mặt của bộ bàn ghế sang trọng này trong nội thất ngôi nhà. 

Án gian là nơi đặt ngai, bài vị, bát hương, vật phẩm cúng lễ,… Chính vì vậy nó chính là món đồ không thể thiếu trong tất cả các mẫu nhà thờ gia tiên. Vị trí của án gian sẽ quyết định vị trí của khu vực thờ tự. Điều đó có nghĩa kê án gian đúng thì việc lắp đặt các nội thất đồ thờ khác cũng đúng, chuẩn mực. Án gian sẽ được đặt tại trung tâm của mẫu nhà thờ. Đây là nơi theo như quan niệm tụ tập linh khí của cả căn nhà, đặt vị trí thờ tự ở đây là rất hợp lý và phong thủy. Khi kê án gian tuyệt đối không được kê sát tường phải chừa ra một khoảng trống nhỏ. Từ vị trí của án gian, ta sẽ xác định được vị trí của hoành phi. Đây là tấm gỗ lớn, nằm ngang treo chính giữa ở phía trên án gian. Trên hoành phi sẽ có đục chạm nổi một hàng chữ cổ. Những chữ cổ này sẽ được làm nổi bật bằng cách sơn son thếp vàng rất đẹp mắt. Hàng chữ trên hoành phi có ý nghĩa trong việc răn dạy con cháu phải sống có đức, có tài. Vị trí đặt giúp cho con cháu khi bước chân vào căn nhà sẽ 

luôn nhìn thấy đầu tiên và nhớ đến lời dặn dò của ông cha. 

Hoành phi sẽ đi cùng với bộ câu đối. Câu đối thường bố trí thành từng cặp.Trên câu đối sẽ đục nổi những hàng chữ cổ. Cũng giống với ý nghĩa của hoành phi, câu đối mang nhiều ý nghĩa tốt lành. Đó cũng chính là những lời răn dạy của người xưa hướng con người về lối sống tích cực, có đạo đức. 

Y môn có vị trí nằm dưới bức hoành phi, y môn thường được đục chạm các hoa văn họa tiết rất đẹp mắt. Những mẫu hoa văn là hình ảnh cây cối, chim muông, con vật,… rất độc đáo. Y môn mang đến cảm giác sang trọng và tạo nên sự bề thế cho mẫu nhà thờ gia tiên Bắc Bộ. Trong nội thất đồ thờ độc đáo nhất có thể phải kể đến cửa võng. Bởi cửa võng được làm rất kỳ công. Cửa võng nằm dưới y môn, cong cong hình chữ M. Những mẫu hoa văn hoa lá, con vật được đục thủng rất đẹp mắt. Những lỗ thủng này khi ánh sáng lọt vào tạo những vệt sáng to nhỏ đẹp mắt gia tăng sự huyền ảo cho khối công trình. 

15. Hoa văn Bát Bửu (The Eight Treasures)

Bát bửu là đề tài xuất hiện từ lâu trong mỹ thuật cổ của dân tộc Việt Nam, trong đó người xưa “xã hội hóa”, “âm linh hóa” những đồ vật được coi là vật báu và tạo cho chúng những ngữ nghĩa, nội dung tinh thần biểu tượng khác nhau. 

Theo Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế thì bát bửu là tám thứ quý của tiên. Thường được kết thành bộ trong nghệ thuật trang trí. Mặc dù được du nhập từ Trung Hoa nhưng có thể thấy dòng chảy phát triển của bộ đề tài Bát bửu trong nghệ thuật trang trí truyền thống nói chung và nghệ thuật cung đình nhà Nguyễn nói riêng đã được Việt hóa theo tâm thức người Việt một cách nhuần nhuyễn. Thời Nguyễn là thời kì được lưu giữ nhiều nhất, hay nói cách khác hoa văn Bát Bửu đã được cung đình hoá Trong văn hoá truyền thống của Việt Nam có 3 trường phái tôn giáo cùng tồn tại, ảnh hưởng lẫn nhau, tạo nên sự cộng hưởng tín ngưỡng trong văn hoá Việt. Do tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của 3 tôn giáo mà hình tượng bát bửu cũng được chia làm 3 loại: bát bửu đạo giáo, bát bửu nho giáo và bát bửu phật giáo. Tuỳ vào quan niệm của mỗi tôn giáo mà người ta sẽ đưa vào những thành tố trang trí có liên quan. Hình tượng bát bửu luôn được hợp với dải lụa mềm mại, uốn lượn hay các biến thể hoa lá cách điệu . -Nho giáo:bao gồm cặp cánh chuồn (cánh buồm) tượng trưng cho học hành đỗ dạt cao, hai cây bút, sách, kiếm, bầu rượu (bầu thái cực), lẵng hoa, lục huyền (đã rút ra khỏi bao được một nửa), kim khánh, cái quạt. -bát bửu Phật giáo: hoa văn chữ Vạn, bảo bình, hoa sen, ốc tù và, cái lọng, hồ lô, lá đề, độc lư bốn chân, bánh xe luôn hồi và một số vật khác như lá sen, nút huyền bí, cái táng, đôi cá… -Đạo giáo: Trước hết là các vật quý gắn liền với bát tiên gồm cái quạt của Chung Ly Quyền, cái nậm thần (bầu rượu) của Lý Thiết Quài, bộ sanh tiền của Tào Quốc Cựu, cái lẵng hoa của Lam Thái Hòa, ống sáo trúc và cặp roi của Hàn Tương Tử và bông sen của tiên bà duy nhất trong bát tiên là Hà Tiên Cô. Ngoài ra còn có những thống kê khác với bát bửu Đạo giáo bao gồm thêm các vật quý như nấm linh chi, quạt ba tiêu, thanh kiếm, phất trần, gậy trúc, bầu rượu, đàn tỳ bà, cái tiêu (sáo thổi dọc), dép cỏ, túi thiêng, trống cá (ngư cổ), cây thuốc...

Theo các nhà nghiên cứu, số 8 trong Bát Bửu chỉ là một con số ước lệ, tượng trưng; theo thống kê có tới gần một trăm vật khác nhau của hình tượng Bát Bửu.Nhưng khi sử dụng trong một trang trí nhất định chỉ được dùng 8 vật được chọn. Chọn 8 vật này thì sẽ không chọn những vật khác. Cũng có một số hình tượng Bát Bửu phổ biến xuất hiện trong cả Nho, Phật, Đạo giáo, tuy nhiên chúng sẽ mang ý nghĩa khác nhau tùy thuộc từng tôn giáo.

16. Nhà rường Huế

17. Tháp Yên Ngựa (Yen Ngua Tower)

Quần thể kiến trúc văn hóa Chăm hay còn được gọi là tháp Bạc. Đây là một quần thể bao gồm bốn tháp trong đó có một tháp cổng phía Đông, một tháp ở cổng phía Nam hay còn gọi là tháp Bia, tháp Yên Ngựa và tháp chính. 

Tháp Yên Ngựa (Kosagrha) kiến trúc độc nhất vô nhị của Bình Định. Tháp này có hai tầng với phần mái cong như hình yên ngựa rất độc đáo, cao khoảng 10m, được xây theo bình đồ hình chữ nhật, chiều dài 12m, chiều rộng 5m. Do chỉ là một kiến trúc phụ có chức năng như một nhà kho (nơi người Chăm xưa dùng để đồ tế lễ) nên tháp yên ngựa có hình dáng và cấu trúc mô phỏng ngôi nhà sàn dân gian. Cửa chính mở ra phía Đông, dẫn sâu vào lòng tháp, thông với cửa trổ ra ở phía Bắc và Nam. Ðặc biệt mái tháp được tạo dáng lõm ở giữa, vút lên ở hai đầu, giống hình yên ngựa. Ðế tháp hơi nhô ra so với thân tháp, xây giật cấp vuông vức tạo thành bệ đỡ vững chắc. Thân tháp có phù điêu các hình người, hình thú, hình chim ở phần thân tháp đang trong tư thế dang tay như muốn nâng bổng cả tòa tháp lên.

 

18. Tượng Vishnu cưỡi Garuda (Statue of Vishnu riding Garuda)

Garuda là một loài chim thần trong Ấn Độ giáo và ảnh hưởng sang Phật giáo. Trong Ấn Độ giáo, Garuda là một con vật cưỡi của thần Vishnu, nó được biểu hình bằng một con chim săn mồi có đầu người, với ba mắt và mỏ đại bàng. Garuda – Kim Sí Điểu qua các câu chuyện thần thại đều là vị thần mạnh nhất, đều uy dũng với ánh sáng hoàng kim chói lóa. Nên Kim Sí Điểu là biểu trưng cho ánh sáng, lòng dũng cảm và ý chí cương trực bất diệt. Ánh sáng hoàng kim của Kim Sí Điểu có thể tiêu trừ các ma chướng, tà khí, tà pháp tác động lên chúng sinh.

19. Phố cổ Hội An (Hoi An ancient town)

Được hình thành và phát triển từ thế kỷ 16, Hội An - đô thị cổ nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, từng là một trong những thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực. Giai đoạn từ thế kỷ 16, đây là nơi tập trung hàng hóa của các thương nhân đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha… Chính vì vậy, Hội An được coi là điểm hội tụ và giao thoa của những nền văn hóa Đông - Tây. Đến nay, Hội An đã trở thành điểm đến nổi tiếng không thể thiếu trong hành trình khám phá dải đất miền Trung.

Đô thị cổ Hội An nổi tiếng với lối kiến trúc điển hình về thương cảng truyền thống của khu vực Đông Nam Á và đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng chảy thời gian phủ lên phố Hội một vẻ đẹp bình yên và trầm mặc. Trái ngược với đô thị hiện đại, Hội An gây ấn tượng với du khách bằng những ngôi nhà lợp mái rêu phong, bức tường sơn vàng cổ kính và những chiếc đèn lồng làm nên thương hiệu Hội An.

Với lối kiến trúc độc đáo, mỗi ngôi nhà ở Hội An đều đảm bảo sự hài hòa giữa không gian sống và thiên nhiên. Vì vậy ngoài việc bố trí ngôi nhà thành nhiều gian thì phần sân trời của ngôi nhà được lát đá và trang trí bể nước, non bộ, cây cảnh, tạo nên một không gian thoáng đãng và tràn ngập ánh sáng.

Một nét đặc trưng trong kiến trúc ở Phố cổ Hội An là những con phố được xây dựng theo hình bàn cờ, uốn lượn theo ven sông và ôm ấp những ngôi nhà. Ở mỗi góc nhỏ bình yên ấy, du khách dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong với nhiều món ẩm thực nổi tiếng như cao lầu, mì Quảng, bánh mì, cơm gà… hay những cửa hàng bày bán các đồ dùng thủ công mỹ nghệ. Tất cả như phản ánh cuộc sống sinh hoạt giản dị, chậm rãi và hồn hậu của người dân nơi đây.

Sở hữu phong cảnh tươi đẹp, kiến trúc độc đáo và giá trị văn hóa đặc sắc, Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn được du khách yêu thích và được nhiều tạp chí, tổ chức uy tín công nhận, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.

Chùa Cầu được xem là biểu tượng của phố cổ Hội An. Chùa Cầu vốn dĩ là cây cầu gỗ dài 18m bắc qua một con rạch nhỏ chảy vào sông Hoài. Cầu được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây 

dựng vào thế kỷ 17 với hy vọng sẽ mang lại bình an cả ba quốc gia Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam. Vì thế, cầu còn có tên là Cầu Nhật Bản. Một tên gọi khác ít được biết đến hơn là Lai Viễn Kiều do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt khi đến thăm Hội An vào năm 1719 với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”. Chùa Cầu không thờ Phật mà thờ một vị thần của Đạo giáo - thần hộ mệnh Bắc Đế Trấn Vũ. Theo tín ngưỡng dân gian, vị thần này sẽ bảo hộ xứ sở, giúp người dân thoát khỏi tai ương, an toàn qua lũ lụt, mang đến cuộc sống may mắn và thịnh vượng. Bên cạnh đó, Hội An còn gây ấn tượng với du khách bởi rất nhiều hội quán như Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu… Hội quán của người Hoa là sản phẩm sinh hoạt cộng đồng trên cơ sở những người cùng quê và mang đậm truyền thống của thương nhân Trung Hoa. Đây là nơi hội họp của người trong bang, nơi cộng đồng người Hoa tha hương gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, gởi gắm tình cảm. Hội quán thờ nhiều vị thần linh theo tín ngưỡng dân gian của dân tộc Hoa và là nơi sinh hoạt tế lễ hàng năm của cộng đồng dân cư. Kiến trúc cổ các hội quán của người Hoa ở Hội An đã góp phần tạo nên diện mạo khu phố cổ Hội An trong lịch sử và cả hiện tại.

Hình ảnh chùa Cầu cổ kính được in trên tờ tiền polyme 20.000 Việt Nam đồng, được phát hành vào năm 2006 và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào ngày 4 tháng 12 năm 1999. Và di tích chùa Cầu Hội An được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990.

 

20. Nhà rông Bana (Bana people’s the Rong house)

Một ngôi nhà Rông điển hình thường cao từ 15 đến 20 mét, nhưng nó cũng có thể được dựng cao tới 30 mét. Nhà Rông được coi là 'trái tim' trong mỗi ngôi làng của người Ba Na. Đây là nơi sinh hoạt chung của người dân cũng như diễn ra các sự kiện hay hội họp thường niên. Nhà Rông của người Ba Na cũng như đình làng của người Việt. Nhà Rông của người Ba Na được làm chủ yếu từ hai loại nguyên liệu chính là tre và gỗ. Hai bên mái tranh của ngôi nhà được vát nhọn xuống để tạo ra điểm nhấn đặc biệt. Bên trong, các thanh tre được buộc lại với nhau để làm trụ đỡ cho mái nhà. Nhà Rông Tây Nguyên có 2 loại là nhà rỗng trống (đực) và nhà rộng mái (cái). Trong đó, nhà rỗng đực thường to hơn, mái cao hơn, có khi cao đến 30m, và cũng nhọn hơn. Trong khi đó, nhà rộng mái nhỏ hơn, thấp hơn và các chi tiết trang trí trong nhà không cầu kỳ, công phu bằng. Về kiến trúc, nhà rộng cũng tương tự như nhà sàn nhưng lại đồ sộ hơn và đẹp hơn. Nhà rông thường có chiều dài 10m, cao từ 15 – 16 mét và rộng hơn 4m, được dựng từ các vật liệu tự nhiên từ rừng núi như gỗ, tre, nứa, lồ ô... chứ không sử dụng các vật liệu hiện đại như sắt, thép, cũng không hề có các mối hàn, các mộng gỗ được nối lại với nhau bởi các dây lạt, mây. Về các mối buộc, mỗi tộc người sẽ có một kiểu khác nhau. Nhà rỗng thường có 2 mái chính và 2 mái phụ có hình tam giác cân, trong đó phần khung mái được tạo từ các cây dài dựng thẳng đứng (còn gọi là rùi), còn phần mái sẽ được lợp bởi lá tranh đan thành tấm, thường có độ dày khoảng 3cm. các tấm này dược cố định trên hệ thống mè, rui của khung mái, phần phía trên đỉnh nhà sẽ được đan nẹp hình hoa văn đẹp mắt. Trong những năm gần đây, nhiều ngôi nhà Rông truyền thống đã được cải tạo, sửa chữa lại bằng bê tông hay mái tôn. Khung nhà rộng được làm từ các cây gỗ quý lâu năm (thường sẽ có 8 cột). các cột này được liên kết lại với nhau theo hình thức hệ vì kèo. Trên hệ vì keo được trang trí bởi các đường chạm trổ tinh xảo thể hiện hình ảnh của các loại thú rừng những đường nét tương tự như hoa văn trên vải thổ cẩm, hình nữ thần mặt trời hay anh hùng Đam Săn... tất cả đều thể hiện được nét văn hóa đặc trưng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng cũng như văn hóa tinh thần của mỗi tộc người Hệ của của nhà rông có cửa chính và cửa phụ, trong đó cửa chính được mở ở gian giữa, còn cửa phụ được mở ở đầu hồi phía bên trái của cửa chính và trước mỗi cửa đều có hiện (tiếng đồng bào là pra). Đây chính là nơi nghỉ chân và chờ đợi khi có nhiều người ra vào trong các dịp lễ hội. Cuối cùng, phần cầu thang nhà được là từ các cây gỗ, có 7 hoặc 9 bậc. Cầu thang được trang trí tùy theo phong cách của từng tộc người. Chẳng hạn, đối với đồng bào người Ba Na thì sẽ chạm trổ hình cây rau dớn, trong khi người Ja Rai khắc hình quả bầu đựng nước, với người Xê Đăng thì lại là hình núm chiêng hoặc hình mũi thuyền.

 

21. Chùa Giác Viên (Giac Vien pagoda)

Chùa Giác Viên là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến nay ngôi chùa này đã có tuổi đời hơn 200 năm.

Chùa Giác Viên (còn có tên là chùa Hố Đất) là một ngôi cổ tự tại TP. Hồ Chí Minh được Bộ VH – TT công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993.

Chùa Giác Viên cách một ngôi chùa nổi tiếng khác là chùa Giác Lâm không xa; và hai ngôi chùa này cũng có mối liên quan mật thiết với nhau. Vào năm 1798, khi chùa Giác Lâm đang trong quá trình xây dựng lại; gỗ mua về để làm chùa được chở theo đường thủy cập bến Hố Đất. Nhà sư Viên Quang đã cho dựng một ngôi nhà nhỏ ở nơi này và nhờ một người tên Hương Đăng trông coi số gỗ được vận chuyển trước khi chở về chùa Giác Lâm xây dựng. Trong hai năm canh giữ, ông Hương Đăng đã dựng nên một cái am nhỏ thờ Bồ Tát Quan Âm vừa làm nơi tu hành; vừa để lo cho công việc. 

Sau khi số gỗ đã chuyển hết đến chùa Giác Lâm để xây dựng; năm 1805 ông Hương Đăng thành công xin hòa thượng Viên Quang xây dựng lại cái am thành một ngôi chùa nhỏ có tên là Quan Âm viện. Mãi đến năm 1850, hòa thượng Hải Tịnh mới cho đổi tên Quan Âm viện thành chùa Giác Viên; là cái tên được nhiều người biết đến ngày nay. Vì được xây dựng cùng thời điểm với chùa Giác Lâm nên mọi người có thể nhận thấy chùa Giác Viên cũng có một số nét kiến trúc tương tự. Tuy vậy để nói là giống hoàn toàn thì không đúng; bởi mỗi ngôi chùa đều có những công trình điêu khắc nghệ thuật độc đáo riêng biệt. Chùa Giác Viên được xây dựng theo kiểu chùa cổ Nam Bộ với kiến trúc tổng thể gồm cổng tam quan, ngôi Chính điện, nhà tăng, vườn Tháp… Ngôi chùa có hai nếp nhà tứ trụ ghép liền nhau; nếp trước là khu chính điện, thờ chư tổ; nếp sau là giảng đường, phòng khách. Hai bên có hai dãy Đông lang và Tây lang nối vào nhà chính. 

Chùa có 153 pho tượng và 60 phù điêu, chủ yếu là tượng gỗ, có niên đại cuối thế kỷ XIX. Mỗi hiện vật được tạo tác theo những kỹ xảo khác nhau, tạo nên sự đa dạng về phong cách lẫn đề tài. Nội dung các đề tài chạm liên quan đến Phật giáo 

và đời sống dân dã như người, vật, chim muôn....Tất cả đều sinh động, vui tươi, đầy sức sống. Đặc biệt bao lam bách điểu là một công trình nghệ thuật độc đáo chạm khắc 94 con chim đủ loại trong các tư thế bay, đậu, ngủ, rỉa lông, mớm mồi,...Đặc biệt chùa còn giữ được chiếc giá võng của triều đình nhà Nguyễn tặng vị tổ sư Hải Tịnh, và một gốc mai. Chùa được có bố cục theo kiểu chữ "trung", chiều ngang 70m, dài 58m. Phật điện được đặt giữa chùa. Hai bên có dãy nhà nối vào phần giữa bao bọc sân, trong đó trồng cây cảnh, non bộ. Ngoài ra cũng có những dãy nhà phụ làm nhà trai và bếp, trường học. đầu đặc biệt trong kiến trúc chùa là bộ sườn gỗ chạm trổ tinh vi, tiêu biểu cho kiến trúc cổ truyền tại miền Nam. Khu mộ tháp tại chùa Giác Viên, nơi yên nghỉ của các vị trụ trì trong chùa là một quần thể di tích rất độc đáo. Bắt đầu xây dựng tháp đầu tiên từ năm 1930 đến nay đã có 7 tòa tháp đang chôn cất 7 vị sư trụ trì đã qua đời.

Trải qua các lần trung tu, chùa đã mang dáng dấp của kiến trúc phương Tây, song vẫn giữa được vẻ đẹp truyền thống của kiến trúc Nam Bộ với bộ khung cột gỗ, kèo gỗ, mái lợp ngói âm dương cổ kính.

 

22. Tượng chằn Year (Statue of “Chan” Year)

Trước bậc thềm vào chánh điện ngôi chùa Khmer có nhiều tượng Chằn (Year) đứng bảo vệ ngôi chùa. Có nhiều giả thuyết về Chằn tinh, nó có thể là con cọp, là con trăn hay một con quỷ… .Trong văn hóa Khmer, hình tượng Chằn mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Trong văn học, truyện cổ tích Khmer, hình tượng Chằn thường tượng trưng cho cái xấu, cái ác, nhân vật phản diện, chuyên gây ra nghịch cảnh, đau khổ cho nhiều người. Nhưng trong các lễ nghi tín ngưỡng dân gian, người Khmer đã biết cách dung hòa tín ngưỡng liên quan đến Chằn và Phật giáo. Đồng bào mượn hình ảnh Chằn để thể hiện ước muốn xua đuổi điều dữ, đón sự an lành, may mắn trong đời sống. Chằn xuất hiện với chức năng như vị thần bảo vệ người dân, bảo vệ chùa mang ý nghĩa cái thiện chiến thắng cái ác, chính nghĩa thắng hung tàn. Tượng Chắn đã được Đức Phật thu phục để bảo vệ chánh điện, bảo vệ sự bình yên cho dân lành. Ngôn ngữ Khmer gọi “Chằn” là Year, là nhân vật hoang tưởng có sức mạnh phù phép. Tượng Chắn được đắp nổi với hình dáng được nhân cách hóa, dưới dáng vẻ của một võ tướng có thân hình cao lớn, to khỏe, dáng đứng thẳng, gối khuỳnh và hai bàn chân quặt hẳn ra hai bên. Mặt tượng Chắn rất dữ dằn: Mắt lồi xếch ngược, mũi bạnh, tai thú cách điệu, miệng há rộng với những răng nanh to nhọn, tay cầm chày trông rất dữ tợn. Hình tượng của Chắn được hiện diện ở chùa với ý nghĩa đã cải tà quy chánh, vừa bảo vệ chánh pháp cũng vừa nhắc nhở tín đồ hãy cố làm điều phước thiện, tránh gây tội lỗi gian ác, nếu không sẽ bị chằn trị tội. Sự hiện diện của Chằn trong chùa cũng là để tôn lên cái triết lý thâm diệu tất thắng của chân, thiện, mỹ và cái ác cuối cùng rồi cũng phải bị triệt hạ và quy phục. Hình tượng Chằn trong các tác phẩm điêu khắc chính là những bài học đạo đức, mang tính nhân văn, giáo dục nhân cách con người, đưa con người đến một cuộc sống hướng thiện, tích đức.

23. Nhà dân gian Nam Bộ - Nhà cổ Đại Điền (Bến Tre) (Southern folk house – Dai Dien ancient house)

Nhà ba gian Nam Bộ là kiểu nhà đặc trưng của người Nam Bộ thời xa xưa, được hiểu nôm na là kiểu nhà có 3 phòng, 1 phòng lớn và 2 phòng nhỏ 2 bên. Do đó, ông bà ta đặt một cái tên thân thương đó là ngôi nhà 3 gian và chúng thường là kiểu nhà đặc trưng ở khu vực Nam Bộ của nước ta. Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) là công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ năm 1890. Vào năm 1904, nhà cổ Huỳnh Phủ được hoàn thành và mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của xứ Huế. Ngôi nhà được xây dựng theo cấu trúc xuyên trính (có hai cột ở trung tâm, vì kèo nằm về hai phía đối xứng đòn đông và được nối với nhau bằng một thanh dầm ngang còn được gọi là trính hay trến). Nền nhà cổ Huỳnh Phủ thì được xây tam cấp, lót gạch Tàu với kiến trúc hình chữ nhất, gồm 3 phòng chính và thêm 2 phòng nhỏ ở đầu hồi. Gian thứ nhất là nơi thờ Phật, tổ tiên trong gia đình và thường được dùng để sinh hoạt chung với bề ngang khoảng 17m, chiều dài tầm 25m. Hệ thống vì kèo, xuyên trính của nhà cổ Huỳnh Phủ đều được chạm trổ công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Nhà nằm trên khu đất rộng 500m2 giữa vườn cây trái sum sê. Chủ căn nhà là ông Huỳnh Ngọc Khiêm hay còn gọi là Hương Liêm. Ông vốn là người con đất Huế nhưng cùng vợ và chín người con vào miền Nam lập nghiệp. Cả gia đình ông di chuyển bằng ghe bầu xuất phát từ Huế vượt biển xuôi về phương Nam. Khi đến giáp sông Cái thuộc vùng Cù Lao Minh, phương tiện bị hỏng và họ không thể đi được nữa. Ông quyết định cắm sào và khai phá từ mé sông Cái trở vào. Nhờ chăm chỉ làm nông, ông trở nên giàu có. Ngoài đất do chính mình khai phá, ông còn mua lại đất của những nông dân nghèo nhập vào để cuối cùng ông có một gia tài đồ sộ, gần 2.000 mẫu đất. Chính quyền thời bấy giờ cho ông làm đến chức tri huyện. Giàu có, ông nghĩ đến việc tạo dựng cho mình một cơ ngơi. Ông trở về Huế chiêu nạp thợ thuyền và mua sắm vật liệu. Nhiều loại gỗ quý được ông kết thành bè thả theo con nước về đến Thạnh Phú. Sau 14 năm xây dựng, năm 1904, ngôi nhà hoàn thành mang đậm nét kiến trúc theo phong cách Huế. Nhà có 48 cây cột tròn, lớn, hoàn toàn bằng gỗ lim và căm xe. Bước vào trong, khách tham quan sẽ bị choáng ngợp bởi hình ảnh những bức chạm khắc vô cùng tinh tế và công phu. Nhiều hình thù rất thân thuộc trong đời sống hàng ngày như cua, cá, tôm, kì lân, phụng được thể hiện rất tỉ mỉ. Tất cả như một bức tranh dân gian sống động mang rõ nét đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...