Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
08/12/2023
Thủ đô Hà nội của chúng ta đang ngày một lớn mạnh và thay da đổi thịt. Chắc hẳn chúng ta đã từng có những giây phút hoài niệm và hình dung về vùng Hà nội xưa. Trước mắt quý khách là tấm bản đồ HN vẽ năm 1873. So với những tấm bản đồ khác như bản đồ Hồng Đức 1490, bản đồ Đồng Khánh 1886-1888 thì tấm bản đồ 1873 vẽ lại khá cụ thể về địa giới hành chính và có tính khái quát cao diện mạo của Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 cho thấy một diện mạo đô thị có trước khi người Pháp đặt chân đến đây.
Tấm bản đồ năm 1873 là tấm bản đồ hiện đại đầu tiên của Hà nội được đo vẽ theo kích thước mét và kilo mét, đặc biệt tấm bản đồ này do chính người Việt vẽ năm 1873
Nhìn trên tổng thể, ta có thể hình dung một Hà Nội với hệ thống di tích, ao hồ, đồng ruộng dày đặc như lời câu ca dao xưa:
Nhĩ Hà quanh bắc sang đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.
Thưa quý khách, trước khi Thăng Long - Hà Nội được lựa chọn là Kinh đô của cả nước thì vùng đất này mới chỉ là một khu làng cổ nằm ven bờ sông Tô Lịch - một con sông lớn quan trọng có đoạn chảy vào giữa nội thành Hà Nội
Năm 1010, vua Lý Công Uẩn lên ngôi, dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La ở vùng Hà Nội cổ, nhìn thấy rồng vàng hiện lên, vua cho là điềm lành, nên đã đặt tên kinh thành mới là Thăng Long (nghĩa là Rồng bay lên). Khi mới xây dựng, kinh thành Thăng Long có kết cấu theo mô hình tam trung thành quách”.
Và đây, thành Vauban là một trong những thành phần quan trọng của hình thái đô thị Hà Nội thời kỳ này. Một công trình kiến trúc ảnh hưởng của phương Tây được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803-1805. Năm 1831, đời vua Minh Mệnh thực hiện cải cách hành chính lớn đổi thành tỉnh Hà Nội. Dấu vết của các vòng thành Vauban phần nào đã bị mai một, tuy nhiên trên mô hình này, quý khách có thể hình dung những khu vực hay các tuyến đường theo vòng thành xưa.
Cũng trên mô hình 1873 này, quý khách có thể nhìn thấy rất rõ cấu trúc đô thị Hà Nội bao gồm các thành tố quan trọng đó là: khu Hoàng Thành (khu chính trị, quân sự) và khu Thị (Kẻ Chợ - phố cổ, khu kinh tế dân gian) nằm tập trung bên các triền sông và cửa sông.
*Thành Vauban thời Nguyễn có cấu trúc hình vuông mỗi bề chừng một cây số, chu vi khoảng 1285 trượng. Tường thành xây bằng gạch hộp, chân thành xây bằng đá xanh, tường cao 1trượng 1thước, dày 4 trượng mở ra 5 cửa: Đông- Tây- Bắc- Đông nam và Tây nam, ngoài mỗi cửa có một mảnh thành nhỏ gọi là Dương Mã thành để giữ cửa. Trong thành có 5 di tích nổi bật: Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu và Bắc Môn.
Điện Kính Thiên (1428), được xây dựng đúng trên vị trí của tòa điện Càn Nguyên (thời Lý), điện Thiên An (thời Trần) và đã từng được coi là một tuyệt tác của kiến trúc An Nam, đến nay chỉ còn sót lại nền điện và thềm Rồng có niên đại thời Lê (1467) và đến thời Nguyễn, nó chỉ còn đóng vai trò là Hành cung.
Quý khách cũng có thể nhận thấy đây là khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu nằm kế bên, nơi đã phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học có giá trị độc đáo.
Cùng với khu di tích Thành cổ Hà Nội, khu di tích 18 Hoàng Diệu được xác định là Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới (1/8/2010). Nơi đây còn ghi dấu chiều dài lịch sử suốt 13 thế kỷ, là trung tâm quyền lực chính trị và lưu giữ các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú
*Còn đây là khu phố cổ, với cấu trúc ô bàn cờ, có thể nhận thấy rõ những ngôi nhà phố bám lấy những tuyến phố nhỏ đan xen nhau. Một trong những đặc trưng của ngôi nhà phố là phía trước làm cửa hàng, bên trong là sân trời và nơi sinh hoạt. Người ta còn gọi đây là kiểu nhà ống chiều dài 30-40m, có khi lên tới 50-60m, thông cả hai mặt phố. Có thể thấy, những dấu vết của các ao, hồ nhỏ nằm len lỏi trong khu phố xưa kia còn thông nước với Hồ Gươm và sông Hồng.
*Từ Hồ Gươm, đi xuống về phía Nam là khu phố cũ, với các công trình có ngôn ngữ kiến trúc phương Tây rất đặc trưng. Năm 1873, đánh dấu là mốc thời gian người Pháp chiếm đánh thành HN lần thứ nhất, khi đó triều đình Huế đã phải cắt cho Pháp khu Nhượng địa phía bờ sông Hồng (khu vực Bảo tàng Cách Mạng ngày nay). Các tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi đã được người Pháp chú trọng đầu tư và sau này trở thành trung tâm thương nghiệp, dịch vụ mở đầu cho thời kỳ xây dựng khu phố Pháp ở Hà Nội.
Khu phía Nam Hồ Gươm được người Pháp lựa chọn là khu vực xây dựng các công sở đầu tiên phục vụ cho các cơ quan của người Pháp như tiệm cà phê, khách sạn Sofitel Metropole, cửa hàng, hiệu thuốc... các công trình cho đến này cũng còn được tận dụng lại làm công sở, cơ quan của nhà nước.
*Đối với vùng Hà Nội xưa, vai trò của hệ thống sông hồ rất quan trọng, như Sông Hồng (nằm sát Kẻ Chợ), Hồ Tây, Hồ Gươm, sông Kim Ngưu, Tô Lịch và vô số các hồ ao nhỏ khác nằm len lỏi giữa các đồng ruộng và di tích.
Thưa quý khách, Hà Nội - Thành phố sông hồ, là đặc điểm rất dễ nhận diện và cũng là điểm quan trọng trong các quy hoạch của các thời kỳ khác nhau rất được chú trọng. Cho đến nay, nhiều dấu vết của các dòng sông đó vẫn còn có thể nhận thấy. Các dòng sông đều gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thủ đô và là điểm nhấn quan trọng trong không gian kiến trúc văn hóa độc đáo của Hà Nội.
Hồ Tây với nhiều tên gọi gắn liền với các truyền thuyết trong lịch sử và ca dao, một cảnh quan thiên nhiên đẹp của thủ đô (nhiều làng nghề truyền thống, nhiều di tích lịch sử, những đặc sản như sâm cầm... cũng được thể hiện trên tấm bản đồ này). Sông Hồng (Nhĩ Hà, sông Cái hay sông Mẹ) - con sông quan trọng nhất của Hà Nội - tuyến đường thủy thuận lợi cho buôn bán trao đổi hàng hóa đã từng tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền ở những thế kỷ trước
*Một đặc điểm cũng có thể nhận thấy là các điểm di tích, làng mạc quan trọng đều bám theo các dòng sông đó.
Có thể nhận thấy một cấu trúc đô thị bao gồm: Thành (quân sự), Thị (kẻ chợ/khu phố cổ), khu phố cũ (bắt đầu manh nha), khu làng nghề truyền thống Hồ Tây và xen lẫn là hệ thống ao hồ, đồng ruộng... đã bộc lộ đầy đủ yếu tố Nông thôn - Thành thị - một đặc trưng của hầu hết các đô thị trung cổ Việt Nam.
Thưa quý vị, quý vị có thể nhận ra những điểm di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng và tự hào của thủ đô hiện vẫn còn được bảo tồn: Tứ trấn Thăng Long (với Trấn Bắc - đền Quan Thánh, trấn Đông - đền Bạch Mã, trấn Nam - đền Kim Liên, trấn Tây - đền Voi Phục).
Và đây là Chùa Một Cột, một trong những ngôi chùa đầu tiên của Hà Nội được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý; Văn Miếu - Quốc Tử Giám (1070) trường Đại học đầu tiên của dân tộc; dấu vết của Trường thi nay là khu vực đường Tràng Thi ; Xưởng đúc tiền (nay là đường Tràng Tiền), chùa Trấn Quốc, hồ Bảy Mẫu...vv
*Trên tấm bản đồ này, những thông tin của đô thị được truyền tải khá đầy đủ vì vậy nó được chọn đặt ở vị trí trung tâm của Cung triển lãm Quy hoạch quốc gia là một trong những tấm bản đồ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu diện mạo Hà Nội trong những năm cuối thế kỷ XIX, điểm đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong bước đầu hội nhập văn hóa và quy hoạch của người Pháp vào Hà Nội.
Thưa quý khách, tất cả các dấu ấn trên là những nét lịch sử - kiến trúc quan trọng, giúp ta có một góc nhìn bao quát, hình dung rõ nét hơn về quá trình đô thị hoá và phát triển của thủ đô Hà Nội, thêm tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến, đồng thời thể hiện sự tiếp nối theo suốt chiều dài lịch sử của thủ đô và là những biểu tượng đẹp đẽ của không gian đô thị hôm nay./.
Đang tải...