Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Pano 6: Định hướng phát triển không gian đô thị vệ tinh Sơn Tây

Clock

11/12/2023

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng thị xã Sơn Tây là 1 trong 5 ĐTVT của TP; là thị xã ngoại thành, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật phía Tây Bắc Thủ đô, có định hướng đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng. Trên cơ sở định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây lồng ghép ĐTVT Sơn Tây đã được UBND TP phê duyệt từ năm 2015. Theo đó, diện tích ĐTVT này hơn 12.000ha gồm toàn bộ thị xã Sơn Tây và xã Cam Thượng, huyện Ba Vì.

Đô thị vệ tinh Sơn Tây có tính chất:

+ Là đô thị văn hóa lịch sử: Phát triển đô thị văn hóa đặc trưng cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống (Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và các di tích lịch sử văn hóa khác), bảo tồn và phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch.

+ Là đô thị du lịch nghỉ dưỡng: Tăng cường đa dạng môi trường tự nhiên và tính chất sinh học của vùng phát triển trung tâm kỹ thuật sinh học hỗ trợ cho du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái trên cơ sở khai thác lợi thế ưu đãi về cảnh quan đa dạng vùng sông Hồng, sông Tích, Ba Vì - Suối Hai.

Phát triển thị xã Sơn Tây theo hướng bền vững, có môi trường và chất lượng sống tốt. Khai thác tiềm năng, lợi thế tự nhiên, phát huy nguồn lực về con người, phát triển kinh tế - xã hội thị xã, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, giáo dục đào tạo, y tế...

Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, thân thiện với môi trường và bền vững. Phát triển văn hóa - xã hội tương xứng với nhịp độ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tổ chức không gian lãnh thổ vùng, phát triển đô thị vệ tinh Sơn Tây và các điểm dân cư nông thôn phù hợp với điều kiện địa hình, phân bố dân cư đạt hiệu quả.

Bảo tồn bản sắc nông thôn, văn hóa bản địa, giá trị thiên nhiên, giá trị văn hóa, di tích lịch sử vốn có. Xây dựng đồng bộ các cơ sở kinh tế, cơ sở hạ tầng trong khu vực đô thị vệ tinh Sơn Tây, kiểm soát phát triển theo các giai đoạn và ngưỡng phát triển tối đa của đô thị, để khai thác hiệu quả quỹ đất trong các giai đoạn.

Đất phát triển đô thị (đô thị vệ tinh Sơn Tây) khoảng: 4.409,26ha (gồm: đất thuộc thị xã Sơn Tây khoảng 3.841,63ha và xã Cam Thượng, huyện Ba Vì khoảng 567,63ha). Trong đó: Đất xây dựng đô thị khoảng 3.542,88ha (gồm: đất thuộc thị xã Sơn Tây khoảng 3231,81ha và thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì khoảng 311,07ha). Đất dân dụng khoảng 2.416,58ha (gồm: đất thuộc thị xã Sơn Tây khoảng 2.148,02ha và thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì khoảng 268,56ha), chỉ tiêu khoảng 129,4m2/người.

Đất khu vực nông thôn khoảng 7.775,96ha (gồm: đất thuộc thị xã Sơn Tây khoảng 7.511,59ha và thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì khoảng 264,37ha), trong đó, đất xây dựng điểm dân cư nông thôn khoảng 1.370,09ha (gồm: đất thuộc thị xã Sơn Tây khoảng 1.334,75ha và thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì khoảng 35,34ha), chỉ tiêu khoảng 258,02m2/người.

Định hướng tổ chức phát triển không gian tại đô thị bao gồm hai khu vực chính là khu vực phát triển đô thị và khu vực ngoại thị (nông thôn), khu vực du lịch sinh thái. Trong đó, khu vực phát triển đô thị nằm phía Bắc thị xã Sơn Tây, là đầu mối giao thông của nhiều tuyến đường kết nối với trung tâm Hà Nội và các tỉnh lân cận như QL32, QL21, đường tránh QL32, đường Vành đai 5 và cũng là đầu mối giao thông đường thủy và cảng sông Hồng.

Đáng chú ý, tại khu vực này sẽ được xây dựng theo hướng vừa hiện đại vừa mang nét bản sắc của địa phương với các quảng trường trục không gian xanh kết nối với công viên cây xanh hai bên sông Tích. Tạo một số công trình công cộng, điểm nhấn cao tầng ở khu vực trung tâm, quảng trường đô thị. Khu vực tổ hợp y tế, cụm trường đại học phát triển không gian hiện đại, mật độ xây dựng thấp.

Khu vực ngoại thị và khu vực du lịch sinh thái nằm phía Nam thị xã, gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp, khu cảnh quan thiên nhiên: hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh; tạo nên vùng hành lang xanh nông nghiệp, sinh thái, mật độ xây dựng thấp.

Mạng lưới giao thông tại ĐTVT Sơn Tây cũng được quy hoạch hiện đại với hệ thống đường bộ và đường cấp đô thị gồm đường Vành đai 5; QL32, QL21A; trục Tây Thăng Long; đường nối từ Thành cổ đến phía Bắc đền Và; đường nối với khu trung tâm mới và khu tổ hợp trường đại học, y tế; các tuyến tỉnh lộ. Đường sắt ngoại ô gồm tuyến đường sắt Hà Nội - Sơn Tây (tuyến đường sắt đô thị số 3 kéo dài) xây dựng dọc QL32 và tuyến đường sắt Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh phía Tây TP, xây dựng dọc theo hành lang phía Tây QL21A.

Phát triển giao thông kết nối thuận lợi từ các làng xóm tới các khu vực đô thị và trung tâm dịch vụ. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cơ sở sản xuất và dịch vụ thương mại trao đổi hàng hóa vật tư nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong vùng nông thôn. Phát triển làng nghề, tổ chức cụm công nghiệp tập trung tạo động lực phát triển kinh tế đồng thời giải quyết chuyển đổi lao động việc làm khu vực nông thôn. Khắc phục triệt để các vấn đề gây ô nhiễm môi trường.

Hình thành các cụm đổi mới đồng thời là khu trung tâm các xã: Đường Lâm, Xuân Sơn, Kim Sơn, Thanh Mỹ, Sơn Đông, Cổ Đông để hỗ trợ về sản xuất đối với làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển hạ tầng xã hội. Mô hình tổ chức cụm trung tâm gồm: Làng nghề thủ công nghiệp sạch, vườn cây ăn quả, cây cảnh, vườn hoa kết hợp du lịch, dịch vụ thương mại trao đổi, quảng bá giới thiệu hàng hóa nông sản. Xây dựng hệ thống công cộng hành chính hạ tầng xã hội văn hóa, y tế, giáo dục phục vụ cấp xã. Tổ chức một số khu vực đào tạo nghề.

Các làng xã phát triển theo mô hình nông thôn mới gắn với các đặc thù, tiêu chí riêng của Thủ đô. Trong các khu đất ở nông thôn, quy hoạch mới được phép phát triển các dự án nhà ở (đất giãn dân, đất phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, đất tái định cư...). Bổ sung hoàn chỉnh các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu (như trường học, trạm y tế, chợ, bưu điện, nhà văn hóa...) theo các chỉ tiêu chung phù hợp tiêu chuẩn quy chuẩn. Tại các cụm xã phát triển trường phổ thông trung học, các trung tâm về văn hóa, các trung tâm chuyển giao công nghệ. Khuyến khích xã hội hóa phát triển mạng lưới hạ tầng xã hội.

Khuyến khích bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Hướng dẫn thiết kế mẫu nhà ở nông thôn điển hình, xây dựng với mật độ thấp, đáp ứng tiện nghi và sinh hoạt hiện đại, mang đặc trưng kiến trúc địa phương, sử dụng vật liệu địa phương phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội mỗi khu vực.

 

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...