Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
10/07/2024
Tỉnh Bắc Giang thuộc khu vực phía Đông Bắc Việt Nam, có vị trí liền kề “Tam giác kinh tế phát triển” Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài gắn hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore, trong đó Thành phố Bắc Giang là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Bắc Giang, là trung tâm hành chính của tỉnh.
Ngày 26 tháng 12 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ BẮC GIANG, TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2045, TỶ LỆ 1/10.000 theo quyết định Số 1685/QĐ-TTg
Theo quyết định này
1. Phạm vi, ranh giới và quy mô lập quy hoạch
a) Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu (Đô thị Bắc Giang).
b) Quy mô: Diện tích quy hoạch khoảng 25.830 ha. Trong đó, thành phố Bắc Giang khoảng 6.656 ha; huyện Yên Dũng khoảng 19.174 ha.
2. Mục tiêu quy hoạch
- Cụ thể hoá các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan để xây dựng và phát triển đô thị Bắc Giang trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội.
- Đến năm 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính
- Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng đô thị Bắc Giang trở thành đô thị loại I.
- Làm cơ sở lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quản lý phát triển đô thị, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung của đô thị theo quy hoạch.
3. Tính chất đô thị
- Là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội; đầu mối kinh doanh - thương mại quan trọng của vùng với các tỉnh Đông Bắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
- Là đô thị loại I (thành phố trực thuộc tỉnh), trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học, kỹ thuật của tỉnh Bắc Giang.
- Là đô thị xanh và thông minh, trung tâm phát triển của vùng trọng điểm kinh tế (vùng Tây Nam của tỉnh)
- Có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh.
4. Mô hình và cấu trúc phát triển đô thị:
- Phát triển 3 cực trung tâm đô thị hiện hữu (thành phố Bắc Giang, thị trấn Nham Biền, thị trấn Tân An) và tạo ra bản sắc riêng biệt của từng khu vực cùng với việc kiểm soát đô thị hiệu quả;
- Phát triển cấu trúc đô thị dựa vào các yếu tố tự nhiên là lấy núi Nham Biền và dòng sông Thương làm trung tâm và tác động ngược trở lại sự phát triển đô thị;
- Kết hợp vùng thoát lũ dọc theo hai bên bờ sông và vùng sản xuất nông nghiệp nhằm ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ lụt và duy trì các sản phẩm nông nghiệp địa phương.
5. Định hướng phát triển không gian đô thị
Định hướng phát triển các phân khu chức năng đô thị:
Phân khu 1: Khu đô thị trung tâm hiện hữu;
Phân khu 2: Khu đô thị phức hợp, trung tâm mới đa năng;
Phân khu 3: Khu đô thị đầu mối - thương mại dịch vụ;
Phân khu 4: Khu đô thị phía Tây Bắc;
Phân khu 5: Khu đô thị sinh thái phía Bắc;
Phân khu 6: Khu đô thị cửa ngõ phía Đông;
Phân khu 7: Khu du lịch sinh thái núi Nham Biền;
Phân khu 8: Khu đô thị sáng tạo và sản xuất;
Phân khu 9: Khu vực hành lang xanh, công viên vui chơi giải trí dọc sông Thương;
6. Định hướng phát triển hệ thống công viên, cây xanh và không gian mở:
Hệ thống công viên cây xanh mặt nước góp phần cải thiện vấn đề thoát nước mặt cho đô thị, mang lại giá trị cảnh quan và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đô thị Bắc Giang.
Tổ chức 5 khu công viên lớn phục vụ đô thị và khu vực lân cận: Công viên sinh thái - công viên hoa ngòi Đa Mai phía Tây đô thị Bắc Giang; Công viên bán ngập tại xã Tân Tiến, Tân Liễu; Công viên hồ nước, vui chơi giải trí Ngòi Mân tại xã Lão Hộ; Công viên rừng (Núi Nham Biền); Công viên sinh thái nông nghiệp.
7. Thiết kế đô thị
Xác định vùng kiến trúc cảnh quan đô thị:
- Gìn giữ các cấu trúc không gian đô thị hiện hữu với tính chất là khu trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa lịch sử và thương mại dịch vụ của tỉnh.
- Hình thành các khu vực trung tâm mới đa chức năng với các chức năng cấp vùng quan trọng. Tận dụng cảnh quan tự nhiên sẵn có, xây dựng các hệ thống công viên cây xanh nhằm tạo lập không gian sống, nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị.
- Phát triển vùng cửa ngõ phía Tây đô thị Bắc Giang với chức năng trung tâm đầu mối thương mại dịch vụ, logistic,
- Khu vực dự trữ phát triển và nông nghiệp đô thị nằm tập trung chủ yếu ở các xã ngoại thị: Quỳnh Sơn, Trí Yên, Lãng Sơn, Đức Giang, Tư Mại, Đồng Phúc, Đồng Việt.
- Quy hoạch các khu vực cảnh quan tự nhiên và mặt nước, bảo vệ không gian xanh, sinh thái tại các khu vực núi Nham Biền, khu vực giáp đồi Quảng Phúc, khu vực hai bên bờ ngòi Đa Mai.
- Chuyển đổi khu vực ngoài đê Tân Tiến và bãi sông Tân Liễu thành công viên bán ngập và bảo vệ không gian tự nhiên ven sông Thương nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện đa dạng sinh học của khu vực.
- Khu vực nông thôn khuyến khích xây dựng theo mô hình sinh thái, nhà vườn mật độ thấp, tại các khu vực tiếp giáp với không gian cảnh quan tự nhiên, kiểm soát phát triển đô thị mật độ xây dựng thấp để hài hòa với cảnh quan chung tổng thể.
- Xây dựng công trình cao tầng theo các cụm, điểm, tuyến để tạo nhịp điệu trong đô thị. Kiểm soát chặt chẽ hình thức kiến trúc các công trình cao tầng để tạo hình ảnh chung cho từng khu vực đô thị phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị.
- Chiều cao công trình sẽ phụ thuộc vào chiều rộng các tuyến đường, các nút giao, khu vực cửa ngõ để đảm bảo chất lượng không gian cảnh quan tuyến phố và tạo điểm nhấn ấn tượng cho đô thị.
- Hạn chế xây dựng các công trình kiến trúc lớn, công trình cao tầng tại các khu vực không gian mở, hành lang xanh, khu vực tiếp giáp với không gian cảnh quan tự nhiên núi Nham Biền, đồi Quảng Phúc, không gian sinh thái nông nghiệp... để đảm bảo đô thị phát triển hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo đô thị.
- Khu vực làng xóm hiện hữu và nhà ở sinh thái mới phát triển thấp tầng và tầng cao tương đồng với hiện trạng của từng khu vực.
- Phát triển hài hòa, hạn chế phát triển cao tầng gần các khu vực xung quanh các di tích lịch sử, văn hóa, tránh ảnh hưởng đến không gian văn hóa.
- Tầng cao công trình được quy định cụ thể trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị cụ thể ở giai đoạn tiếp theo.
Khu vực cửa ngõ, điểm nhấn đô thị:
- Tổ chức hệ thống các công trình, cụm công trình, cảnh quan đặc trưng làm điểm nhấn tại các khu vực cửa ngõ của đô thị. Hệ thống các công trình này là hình ảnh đại diện mới của đô thị Bắc Giang trong tương lai, với tầm nhìn là một đô thị công nghiệp hiện đại - thông minh - bền vững.
- Hình thành sáu cửa ngõ của đô thị Bắc Giang tạo dấu ấn lối vào với các tính chất, đặc trưng riêng.
Đang tải...