Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Sử dụng xi măng đúng quy trình, yêu cầu kỹ thuật tạo nên chất lượng cho công trình

Clock

26/10/2023

Bảo quản, sử dụng xi măng đúng quy trình và yêu cầu kỹ thuật là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chất lượng công trình.

Theo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, đối với xi măng, hai vấn đề cần lưu ý là bảo quản và sử dụng đúng quy trình và yêu cầu kỹ thuật. Yếu tố này rất quan trọng để cấu thành một mẻ bê tông chất lượng, góp phần lớn vào đảm bảo chất lượng công trình trong xây dựng.

Xi măng là vật liệu rất háo nước nên hút ẩm rất nhanh. Khi hút ẩm hay tiếp xúc với nước sẽ vón cục và đóng rắn làm suy giảm chất lượng xi măng. Tuy nhiên, trong thực tế, có một số chủ quan của người sử dụng làm suy giảm chất lượng xi măng nhanh chóng. Do vậy, cần lưu ý khi vận chuyển và bảo quản xi măng.

Cụ thể, các phương tiện vận tải, vận chuyển xi măng phải đảm bảo luôn khô ráo, che mưa ẩm, không được vận chuyển xi măng chung với các loại hàng ẩm ướt. Xi măng phải được bảo quản nơi khô ráo, xi măng bao phải được kê trên nền cao hoặc đặt trên các kệ cách mặt đất ít nhất 10cm, xếp cách tường ít nhất 20cm, không nên chồng xếp lên nhau quá 10 bao.

Đối với quá trình sử dụng, chất lượng vữa hay hỗn hợp bê tông, bê tông phụ thuộc nhiều vào các yếu tố chính bao gồm vật liệu (xi măng, cát, đá, nước, phụ gia) và cấp phối vật liệu, biện pháp thi công, bảo dưỡng. Một trong những vật liệu thành phần có chất lượng không đảm bảo hay cấp phối không phù hợp với từng hạng mục đều ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Biện pháp thi công và quá trình bảo dưỡng không đúng quy trình, phương pháp có thể gây ra một số sự cố không mong muốn và khó khắc phục.

Ông Tôn Thất Tùng Thanh, Trưởng phòng Thí nghiệm - Kiểm tra chất lượng sản phẩm (Công ty CP Xi măng Đồng Lâm) chia sẻ, một số nguyên tắc cơ bản khi lựa chọn vật liệu mà người dùng nên lưu ý như hồ xi măng (xi măng + nước) giữ vai trò liên kết các thành phần cốt liệu thô (đá/sỏi, cát) rời rạc lại với nhau và khi đóng rắn làm cho tất cả các thành phần tạo thành một khối đồng nhất. Chính vì thế, chất lượng xi măng đóng vai trò quan trọng, loại xi măng nên được lựa chọn cho phù hợp với yêu cầu của công trình.

Nguyên tắc là không nên dùng xi măng mác thấp để chế tạo bê tông mác cao và ngược lại, không dùng xi măng mác cao để chế tạo bê tông mác thấp. Chẳng hạn như không nên dùng xi măng mác 30 để thi công hạng mục đòi hỏi cường độ bê tông mác 300 daN/cm², bê tông này có nguy cơ không đạt mác thiết kế; hoặc nếu đạt thì việc tăng lượng xi măng trong cấp phối dễ gây ra hiện tượng nứt bê tông và giảm hiệu quả kinh tế.

Không nên dùng xi măng mác cao để chế tạo bê tông mác thấp, ví dụ như không nên dùng xi măng mác 40 để thi công hạng mục cần cường độ 100 daN/cm² vì sẽ gây lãng phí nếu dùng xi măng nhiều; hoặc nếu dùng ít sẽ không đảm bảo đủ lượng xi măng tối thiểu để liên kết các cốt liệu thô thành một khối đặc chắc, mặt khác hiện tượng phân tầng của bê tông dễ xảy ra, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình.

Đối với cát và đá dăm hay sỏi, người sử dụng cần dùng loại đủ độ cứng, không bị nhiều hạt thoi dẹt, sạch và không lẫn bụi/bùn/sét hay tạp chất, không nhiễm mặn, phèn và có cỡ hạt phù hợp để chế tạo hỗn hợp bê tông hay vữa xây tô trát theo đúng quy phạm. Với nước trộn, cần dùng nước sạch, không nhiễm mặn, phèn hay lẫn tạp chất lơ lững.

Đối với biện pháp thi công và bảo dưỡng, người sử dụng cần thực hiện đúng quy trình, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật xây dựng theo đúng quy phạm để đảm bảo chất lượng công trình, vĩnh cửu theo thời gian.

Trong thực tế, một số các sự cố không mong muốn vẫn xảy ra do những lỗi mà người dùng vấp phải như bê tông, vữa bị nứt mặt sau khi đổ, chậm đóng rắn, cường độ thấp, bê tông bị lớp bụi trên bề mặt, bê tông bề mặt bị rỗ, bê tông có màu sắc thay đổi… Nguyên nhân chủ yếu, do cấp phối sử dụng không đúng yêu cầu kỹ thuật, vật liệu chất lượng kém, đầm lèn kém và bảo dưỡng không đúng yêu cầu kỹ thuật.

Do vậy, để đảm bảo chất lượng, người sử dụng cần đảm bảo lượng xi măng đủ theo yêu cầu cấp phối, chọn vật liệu cát, đá, nước sạch, không bị lẫn tạp chất. Chú ý công tác trộn, đầm, đổ, hoàn thiện và bảo dưỡng bê tông đúng cách. Cần tiếp tục che phủ và dưỡng ẩm bê tông liên tục sau khi đổ và khi sử dụng phụ gia hóa học phải tham khảo kỹ hưỡng dẫn của nhà sản xuất phụ gia và trộn bê tông kỹ hơn…

Ngoài ra, theo ông Tôn Thất Tùng Thanh, tính lưu động, tính bám dính của vữa là tính chất quan trọng đảm bảo năng suất thi công và chất lượng của khối xây, trát. Các tính chất này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tỷ lệ cấp phối vữa (tỷ lệ cát và xi măng), lượng nước trộn, công tác trộn vữa. Một hỗn hợp vữa xây, trát kém chất lượng sẽ có thể làm cho bức tường xây yếu đi hoặc gây nên các hiện tượng như dễ bong rộp, nứt nẻ các lớp tô trát do liên kết giữa vữa và vật liệu xây kém.

Thông thường, một số nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng của hỗn hợp vữa có thể kể đến như tỷ lệ cát và xi măng không phù hợp, lượng xi măng và cát sử dụng phải đúng theo tỷ lệ cấp phối; cát bẩn (nhiều bụi, bùn, sét, tạp chất) hoặc quá mịn; nước trộn bẩn hay nhiễm phèn, mặn, lượng nước trộn không điều chỉnh phù hợp; vữa trộn không đều, vữa đã trộn quá lâu nhưng không sử dụng, nếu hỗn hợp vữa trộn xong để lâu mới sử dụng thì cường độ vữa, độ dẻo và tính bám dính suy giảm…

Để có một vữa xây, trát đạt chất lượng người dùng cần tưới ẩm vật liệu xây trước khi sử dụng để xây, tưới ẩm tường trước khi tô trát. Hạn chế sử dụng xi măng bột để thêm khi hoàn thiện bề mặt. Hạn chế thi công dưới trời nắng nóng. Và, sau khi thi công cần bảo dưỡng bề mặt tường liên tục ít nhất 7 ngày để đảm bảo chất lượng.

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...