Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia

Thanh Hóa đẩy mạnh sản xuất cát nhân tạo

Clock

25/03/2025

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong áp dụng công nghệ mới, đầu tư máy móc và thiết bị hiện đại để sản xuất cát nhân tạo. Hoạt động này giúp giảm áp lực lên nguồn cát tự nhiên, đảm bảo sự ổn định trong cung cấp nguyên liệu cho thị trường xây dựng.


Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tổng hợp Nhân Nam là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này. Được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn từ năm 2019, doanh nghiệp này đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá vào năm 2024. Nhờ đó, công ty đã tạo ra sản phẩm cát sạch, chất lượng cao và giá thành cạnh tranh. Chỉ tính riêng trong năm 2024, công ty đã sản xuất và cung cấp gần 10.000 m³ cát nhân tạo ra thị trường.

Ông Ngô Xuân Đông, Giám đốc Công ty Nhân Nam, chia sẻ rằng sản xuất cát nhân tạo có nhiều lợi thế như tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có với chi phí thấp hơn so với cát tự nhiên. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường vật liệu xây dựng.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 170 mỏ đá vôi tại 23 huyện, thị xã, thành phố có đủ điều kiện để sản xuất cát nghiền nhân tạo với trữ lượng khoảng 600 triệu m³. Tính đến nay, đã có 12 doanh nghiệp khai thác đá làm vật liệu xây dựng đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ sản xuất cát nhân tạo với công suất thiết kế trên 1 triệu m³/năm, góp phần thay thế từ 20 - 30% sản lượng cát tự nhiên.

Cát nhân tạo có ưu điểm lớn là loại bỏ được tạp chất, hạt đều và có khả năng thay thế cát tự nhiên trong nhiều lĩnh vực như trộn bê tông và sản xuất gạch không nung. Giá thành của cát nhân tạo cũng thấp hơn cát tự nhiên từ 20.000 - 50.000 đồng/m³. Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm cát nhân tạo nhằm đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sử dụng trên địa bàn.

Anh Mai Văn Nguyên, quản lý sản xuất Công ty TNHH Thương mại Phú Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết doanh nghiệp của anh đã đầu tư vào sản xuất cát nhân tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường xây dựng. Đây được xem là một giải pháp hiệu quả giúp tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu khai thác, đồng thời thay thế dần nguồn cát tự nhiên đang ngày càng khan hiếm.

Ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, nhận định rằng việc các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nhân tạo là một hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là trong bối cảnh nguồn cát tự nhiên ngày càng khan hiếm và giá thành liên tục tăng cao. Đây cũng là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo sự ổn định trong cung cấp cát xây dựng.

Trong bối cảnh trữ lượng cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt và hoạt động khai thác cát gây tác động tiêu cực đến hệ thống sông ngòi, cửa biển, việc đầu tư công nghệ sản xuất cát nhân tạo từ vật liệu đá xây dựng được kỳ vọng sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường.


Nguồn: VLXD.org

Liên hệ đặt dịch vụ

Đối tác

Bộ Xây Dựng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) Trường Đại học  Nguyễn Trãi Đối tác 1 Đối tác 3 Đối tác 2
phone mess zalo
top
Thông báo
Đóng

Đang tải...