Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
01/03/2024
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2024 được Văn phòng Chính phủ ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và lãnh đạo Chính phủ.
Đồng thời tháo gỡ vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng, hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, đặc biệt là công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu để khởi công các dự án đường bộ cao tốc trong năm 2024 theo đúng kế hoạch đã đặt ra, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường cao tốc trong năm 2024. Ban hành đơn giá, định mức, quy chuẩn, tiêu chuẩn… về vật liệu san lấp sử dụng cát biển phục vụ các công trình giao thông.
Việt Nam tính mua cát sỏi từ Campuchia để xây cao tốc.
Chính phủ cho biết, hiện chủ trương mua cát, sỏi từ Campuchia để xây cao tốc đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan liên quan làm việc, trao đổi cụ thể với phía Campuchia để triển khai việc mua cát, sỏi phục vụ thi công các dự án đường bộ cao tốc.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến theo quy định và phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2024.
Trước đó, vào Tháng 10/2023, Công ty CP Tập đoàn TNT đã gửi Thủ tướng đề xuất nhập khẩu cát từ Campuchia làm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tập đoàn TNT cho biết, doanh nghiệp được Campuchia cấp phép khai thác cát trên dòng Mekong trữ lượng lớn nhất với hàng trăm triệu m³, mỗi ngày nhập 30.000 - 50.000 m³ cho các mục đích. Do vậy, doanh nghiệp cam kết đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án cao tốc ở ĐBSCL về số lượng, chất lượng và giá cả.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, vận tải cũng như nguồn tín dụng để có thể nhập khẩu cát từ Campuchia với số lượng lớn, đáp ứng kịp thời nhu cầu các công trình.
Văn phòng Chính phủ sau đó có phiếu chuyển đề nghị các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất giải quyết kiến nghị nói trên. Đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết về quy chuẩn kỹ thuật, cát nhập khẩu từ Campuchia hoàn toàn có thể làm vật liệu san lấp khi đáp ứng đủ yêu cầu pháp lý về nhập khẩu.
VLXD.org (TH)
Đang tải...