Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia
21/04/2025
Ngày 21 tháng 4 hàng năm được Liên hợp quốc (UN) chọn làm Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới (The World Creativity and Innovation Day) nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triến kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người.
Mục đích của “Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới” hằng năm của Liên hợp quốc góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững; thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người; kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực nhà nước; khu vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư; khu vực nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và xã hội.
Tại Việt Nam, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ có nhiều tiến bộ; nhiều công trình nghiên cứu đã có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, y học, dược học, năng lượng, dầu khí, cơ khí, chế tạo, quân sự, an ninh... Khoa học xã hội và nhân văn đóng góp tích cực cho việc cung cấp luận cứ trong vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tiềm lực khoa học và công nghệ đã được tăng cường.
Các tổ chức khoa học - công nghệ và đội ngũ cán bộ phát triển cả về số và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý khoa học và công nghệ tiếp tục đổi mới. Đã hình thành hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu phát triển, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động bước đầu phát huy hiệu quả. Việt Nam thuộc nhóm đầu các quốc gia ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước và khung khổ pháp lý cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục hoàn thiện. Hạ tầng số quốc gia được đẩy mạnh xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; hạ tầng viễn thông phát triển hiện đại, rộng khắp, ngang tầm các nước phát triển. Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành từng bước được triển khai. Công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh, đóng góp ngày càng lớn cho GDP...
Mới đây, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chỉ sau 20 ngày, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Đặc biệt, Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 13/1/2025 được tổ chức và đã kết nối hơn 15.000 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 978.500 đại biểu tham dự.
Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu rõ các mục tiêu đến đến năm 2030. Đó là:
- Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế.
- Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%.
- Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
- Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Phủ sóng 5G toàn quốc. Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện.
- Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu.
Còn tầm nhìn đến năm 2045 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Các sự kiện trên không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đổi mới, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng khoa học và người dân. Nghị quyết 57-NQ/TW được ví như một luồng sinh khí mới, một "khoán 10" cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam, mang lại động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước.
Công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ tại VIUP
Xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đòn bẩy để nâng cao hiệu quả trong quản trị đơn vị cũng như nâng cao chất lượng công tác tư vấn quy hoạch nên những năm gần đây VIUP đã tập trung nhiều theo hướng số hóa và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông minh trong công tác nghiên cứu đồ án QHXD.
Cụ thể, VIUP đã tổ chức nhiều khóa đào tạo cho cán bộ trong Viện như: khóa đào tạo ứng dụng phần mềm ArGIS trong quy hoạch xây dựng; ứng dụng phần mềm TransCAD trong dự báo nhu cầu giao thông trong quy hoạch xây dựng, ứng dụng Hệ thống quản lý thông tin công trình (BIM) trong quy trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch xây dựng.
Khóa đào tạo "Ứng dụng công nghệ BIM cho công tác quy hoạch"
Viện VIUP đã triển khai ứng dụng công nghệ GIS trong một số đồ án quan trọng như Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS và lập các bản đồ phân tích phục vụ công tác Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2035 tầm nhìn 2050 và các đồ án quy hoạch tỉnh do Viện chủ trì hoặc tham gia.
Bên cạnh đó, Trung tâm khảo sát, quy hoạch xây dựng của VIUP đã và đang tiến hành triển khai xây dựng các thể loại bản đồ 3D phục vụ cho các mục đích nghiên cứu quy hoạch. Công nghệ GIS 3D được áp dụng cho mục đích quy hoạch đô thị để tăng cường phân tích, lập kế hoạch và ra quyết định.
Khóa đào tạo "Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong lập quy hoạch xây dựng
Gần đây, Phòng Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong Quy hoạch và Kiến trúc cảnh quan đã chủ trì nghiên cứu thiết kế Ứng dụng với tên gọi VIUP-NCD24 nhằm hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý về quy hoạch đô thị và nông thôn phục vụ nghiên cứu lập quy hoạch. Ứng dụng này đã được thử nghiệm trong nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh QHC thủ đô Hà Nội và QHC thành phố Hồ Chí Minh do VIUP chủ trì.
Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Viện đã xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong công tác quy hoạch xây dựng tại Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia giai đoạn 2023-2025” trong đó đã nêu ra 05 nhiệm vụ trọng tâm mà Viện cần phải thực hiện.
Trong những năm tới, Viện sẽ tiếp tục dành ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số của các đơn vị trong Viện, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh giúp Viện phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Download toàn văn Nghị quyết số 57-NQ/TW tại đây
(Nguồn:viup.vn)
Đang tải...